Vừa qua rằm Trung thu, chị đã bắt đầu nghĩ về tết. Chị không phải người đàn bà mê tết, mà vì chị lo xa, muốn gia đình có cái tết tròn đầy.

Chị mua con heo đất, “thảy” những đồng tiền không quá lẻ, cứ 10.000 đồng trở lên cũng đủ là mồi ngon của “heo” rồi. Tiền thừa đi chợ, tiền huy động cả nhà cùng góp sức nuôi heo tết, năm nào cũng vậy, cả gia đình quây quần “mổ heo” trong trạng thái hân hoan, chờ đợi. Với chị, đó còn là khoảnh khắc đẹp, góp nhặt từ trách nhiệm và sự phấn khích của mọi thành viên trong nhà.

Ảnh mang tính minh họa - FreePik
Ảnh mang tính minh họa - FreePik


Heo nuôi chừng 4 tháng là “thịt”, không quá “nặng”, nhưng đủ để cả gia đình chị “gói” cái tết. Riêng chị, người đàn bà nội trợ có tay nuôi heo, hôm thì cho heo ăn 10.000, 20.000, cuối năm cũng được 5 triệu đồng. Chồng chị tự nguyện mỗi ngày 100.000 đồng, hôm nào cao hứng hoặc trúng mánh gì đó, có khi anh cho heo ăn cả tờ tiền “màu xanh to to”, tính ra phần anh cũng ngót nghét 20 triệu đồng. 

Đứa con trai lớn, kể từ ngày bước chân vào đại học đã đi làm thêm, cũng hưởng ứng lời kêu gọi “nuôi heo ăn tết” của mẹ. Cô con gái út có nhiệm vụ nhắc nhở ba mẹ và anh Hai cho heo ăn kẻo “heo đói, tội nghiệp heo”. Kết quả, hơn 30 triệu đồng là số tiền 4 tháng nuôi heo của cả nhà. Chị duy trì việc nuôi heo tết cả chục năm nay, với chị, đó là một kế hoạch cụ thể và thiết thực, cho kết quả ngoạn mục mà cũng rất ý nghĩa.

Chồng chị thường nói, bạn bè, đồng nghiệp mỗi khi tết đến ai cũng lo, người thì vay tiền tiêu tết, người thì ra tết nợ nần, cái tết khiến không ít cặp vợ chồng bị ám ảnh. Còn anh, anh biết ơn và tự hào về người phụ nữ của mình. Tết với gia đình anh khá nhẹ nhàng nhờ vợ lên kế hoạch từ sớm. 

Thành lệ, cứ rằm tháng Chạp, sau khi ăn tối xong, cả nhà quây quần “mổ heo”. Sắp xếp mệnh giá nào ra mệnh giá đó. Bé út gom tờ 10.000, 20.000. Con trai lớn gom 50.000, 100.000. Mệnh giá còn lại chồng chị gom. Nhiệm vụ của “bà chủ” chỉ đứng quan sát và trao ánh nhìn trìu mến tới những người thân yêu của mình, và dĩ nhiên “bà chủ” là người giữ tiền “thịt heo” và cân nhắc chi tiêu.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team


Kế hoạch chi tiêu thực ra đã có từ trước khi “mổ heo”. Trong đầu chị đã tính toán tiền mua quần áo mới cho cả nhà, tiền lì xì, tiền mua quà cúng tổ tiên nội, ngoại, tiền mua mồi nhậu tiếp khách, tiền dự trữ thực phẩm trong vòng không quá 1 tuần lễ.

Hơn 30 triệu đồng, khéo chi thì sẽ đủ. Một cái tết hoàn toàn chủ động. Chị nói, ba mẹ chị và ba mẹ chồng đều sống chung một thành phố nên không tốn khoản tàu xe, quà cáp.

Nhưng nếu ba mẹ hai bên ở xa, chị cũng dự bị kế hoạch khác, dù không phải năm nào cũng về quê. Với chị, kiểu gì cũng tính toán được, vấn đề là không để bị động mà thôi. 

Chồng chị từng trao kinh nghiệm “nuôi heo tết” của gia đình mình với bạn bè thân thiết. Một số người thực hiện theo và thành công mỹ mãn. Từ việc “nuôi heo tết”, chị hy vọng con cái sau này cũng biết cách tự lên kế hoạch cho bản thân, cho gia đình nhỏ của các con sau này. 

Theo phụ nữ TPHCM