Chị bảo, chồng chị ngày càng giống một đứa trẻ. Chị xuống Vũng Tàu chơi 2 ngày cùng bạn mà từ sáng, chiều đến tối, anh cứ nhắn tin, gọi điện hoài. Tối nào anh cũng gửi biểu tượng mặt mếu và than: “Sao em đi lâu thế”. Khi chị lên TPHCM, anh chạy 12km giữa trời trưa nắng về nhà chỉ để được ôm và chào vợ một câu.

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ 

Anh là quản lý 1 chuỗi nhà hàng lớn, từng phiêu bạt khắp chốn, ít khi thích về nhà và cũng có thời từng lạnh nhạt với vợ. Suốt 10 năm đầu hôn nhân, chị luôn mở đầu bằng câu thở dài: “Anh nhà chị vô tâm lắm” và từng tự hỏi liệu rồi sẽ đi được mấy năm tiếp với nhau.

Nhưng dường như đàn ông càng già lại càng cần vợ nhiều hơn. 20 năm sau ngày cưới, anh đi đâu cũng về ăn cơm vợ nấu. Những khi không có chị, anh bảo: “Nhà cửa vắng tanh như không có chủ vậy”. Dù 2 thằng con trai lớn tướng vẫn qua lại trước mắt đấy, nhưng chỉ khi thấy vợ trong nhà thì anh mới cảm nhận được sự ấm áp.

Tôi nhớ hôm bữa, đứa bạn tâm sự vui: “Ê, sao chồng tui giờ ngoài 40 tuổi lại sinh ra cái tính hay dỗi như trẻ con nha. Vợ nói câu gì mà hơi nhạy cảm tí cũng giận, mang mền gối ra sofa đòi nằm ngủ riêng luôn. Tui biết ý, ra gọi thì lại ngúng nguẩy vào phòng ngủ ngay, cứ như thể chỉ chờ được vợ dỗ thôi vậy”.

Chồng bạn trước đây luôn là một người đàn ông miền Trung gia trưởng. Vợ chồng mâu thuẫn nhiều vì anh chẳng bao giờ chịu làm việc gì trong nhà, có nói cũng nghiễm nhiên coi bếp núc như là nghĩa vụ của vợ. Nhưng vợ sinh đến tận 3 đứa con, công việc vừa bận vừa phải lo trông con, chồng bỗng nhiên đổi tính, siêng năng hẳn, việc gì trong nhà cũng làm.

Đi chợ mua được mớ rau vừa rẻ vừa tươi trên đôi quang gánh bà bán hàng, anh cũng về khoe vợ để chờ vợ khen. Dọn nhà sạch sẽ xong, anh cũng phải rủ vợ ngồi nghe nhạc, xay sinh tố cho vợ uống, ngồi chuyện trò. Đêm đến, anh luôn chủ động tìm mấy phim lãng mạn vợ thích, cùng xem với nhau. Anh còn bảo: “Vợ chồng mình sanh 3 đứa, không có thời gian dành cho nhau thì bây giờ con lớn rồi phải tranh thủ… yêu lại từ đầu”. Bạn vừa cười vừa kể trong buổi họp nhóm: “Trước cứ nghĩ vợ chồng càng sống chung càng chán nhau mà sao giờ thấy như đến tuổi bắt đầu khám phá hay sao đó. Mỗi ngày lại một cung bậc cảm xúc mới, vui lắm”.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Câu chuyện của chị, của bạn khiến tôi tự hỏi: “Liệu có phải đàn ông càng già càng giống như đứa trẻ, yêu vô tư và chân thành hơn?”. Tôi nghĩ về câu chuyện của một cặp đôi già mình từng có dịp viết bài. Năm đó, cô đã 66 tuổi còn chú đã 76 tuổi. Cô chú ngủ chung giường nhưng sức khỏe của chú kém hơn, lại nhiều tuổi nên bị mất ngủ, trằn trọc thức từ 3 giờ rồi chờ cho đến khi trời sáng. Chú muốn để yên cho cô ngủ nên thường dậy sớm đi bộ, viết một lá thư để lại dặn dò vợ, nói chuyện chờ mình về rồi uống sữa hạt, ăn sáng.

Cô đi đâu chú cũng mong ngóng, dặn dò từng chút. Mỗi ngày đều là một ngày bình yên để tận hưởng những niềm vui cùng nhau. Tôi bắt đầu có những câu trả lời rõ ràng hơn. Đàn ông khi trưởng thành hơn hay về già không phải trở lại là đứa trẻ mà đơn giản là họ bắt đầu hiểu ra ý nghĩa của người bạn đời bên cạnh.

Tôi từng chứng kiến có anh nọ, đã hơn 50 tuổi nhưng đêm vắng vợ thì không ngủ được, phải úp chiếc áo của vợ trên mặt để ngủ cho đỡ nhớ, giống như em bé xa mẹ, cần mùi của mẹ để vỗ về.

Nhiều người vẫn hỏi ý nghĩa của việc nỗ lực trong hôn nhân là gì, sao có những giai đoạn mà như chỉ riêng mình cố gắng. Họ không tin một ngày người chồng bên cạnh lại có thể thay đổi để vừa vặn sự đáng yêu dành cho mình.

Nhưng theo các nhà tâm lý đã nghiên cứu, một cặp đôi thường trải qua 7 giai đoạn trong hôn nhân. Thường thì đôi nào cũng đi qua những giai đoạn như đam mê, thử thách, khủng hoảng và rồi sẽ đi đến giai đoạn hợp tác, thấu hiểu và trân trọng nhau. Mỗi cặp sẽ có khoảng thời gian ở từng giai đoạn khác nhau, người chỉ cần 1-2 năm, người lại cần 5-7 năm để bước qua giai đoạn sau hay có người lại mãi bị mắc kẹt ở một chỗ nào đó. Nếu không vượt qua được mâu thuẫn, thử thách thì họ sẽ bế tắc hoặc buông tay.

Ngược lại, nếu qua giông bão và nhận ra những bài học để tự thân mỗi người phát triển, thấu hiểu bản thân và đối phương hơn thì cuộc hôn nhân sẽ trở nên khăng khít, thêm kết nối.

Hôn nhân luôn giống như một cái cây. Sẽ có những khi cây lớn lên khẳng khiu, còi cọc hoặc thậm chí là sâu bệnh. Nhưng nếu vẫn không ngừng đặt niềm tin và chăm sóc, đến một ngày cái cây sẽ tươi tốt, vững chãi. Cũng có đôi chút bất công khi sự bắt đầu chăm sóc lại thường bắt đầu từ người vợ hơn là người chồng. Nhưng cũng đồng nghĩa sẽ có những người chồng ngày càng trân trọng vợ hơn, hiểu rõ những gì mà vợ đã làm, dần thấy thiếu thốn nếu bên cạnh không có mùi hương, tiếng nói quen thuộc của vợ.

Giống như trong một lá thư tay người chú trong câu chuyện trên đã viết cho người bạn đời: “Thời trẻ, tui làm nhiều điều có lỗi với bà. Nhưng con người bà rộng lượng đã tha thứ cho tui để gia đình ta có được ngày hôm nay. Cảm ơn bà vì tất cả”.

Có những cuộc hôn nhân càng lâu năm càng khăng khít như thế. 

Theo phụ nữ TPHCM