Bức ảnh nhận được rất nhiều lượt thích và bình luận khi chủ nhân đăng kèm lời giới thiệu: “Ngày nào cũng như ngày nào, ông bà U90 tay trong tay đi uống cà phê”.
Ông Huỳnh Lơ (84 tuổi) và bà Võ Thị Lo (87 tuổi) cưới nhau năm 1962, có với nhau 8 người con. Hiện ông bà sống cùng người con thứ sáu tại phường Phú Hội, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
|
Ông bà chăm sóc nhau mỗi ngày - ẢNH: DIỆU THÔNG |
Trải qua hơn 6 thập kỷ chung sống, ông bà luôn dành cho người bạn đời sự quan tâm, nhẫn nại. Bây giờ, ở độ tuổi U90, mỗi ngày, đi đâu làm gì họ đều có nhau. Ông Lơ chia sẻ: “Chúng tôi già rồi nên cũng không ham hố gì chuyện ăn uống. Việc ấy có con trai và dâu lo. Mấy đứa cho gì thì ăn nấy. Tôi đưa bà ấy đi uống cà phê cũng không phải vì thích cà phê mà chỉ là để vợ tôi khuây khỏa, thoải mái, bớt đi cảm giác tù túng tuổi già”.
Ông Lơ cho biết thêm, bản thân ông cũng rất thích việc sáng sáng ngồi chơi ở một góc quán nước bày bán ở vỉa hè. Chứng kiến người ra, người vào liên tục, ông thấy mình được thư giãn, vui mắt. Cũng nhờ siêng đi ra ngoài, năng giao tiếp nên tình bạn của ông bà cũng được mở rộng. Ở khu phố, họ làm quen thêm khá nhiều bạn già. Thỉnh thoảng, mọi người lại quây quần, trò chuyện, có khi còn hứng chí hát ca.
Thật ra, trước đây, ông Lơ và bà Lo cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, không có thói quen sáng sáng đi uống cà phê. Nhưng cách đây 3 năm, sau một trận ốm kéo dài, đầu óc bà Lo trở nên lẩn thẩn, khi nhớ khi quên. Ông kể: “Sau đợt ốm, cơ thể bà ấy dần hồi phục, ăn ngon, ngủ được. Tuy nhiên về mặt trí nhớ thì đã giảm sút nhiều phần. Tôi mới có suy nghĩ, phải đưa bà ấy đi đâu đó để bà kết nối với thế giới bên ngoài, tránh tập trung, sa đà vào những “lẩm cẩm” bên trong”.
Quán cà phê mà ông Lơ và bà Lo hay ngồi không quá xa nhà nhưng vì ở gần chợ nên mật độ xe cộ luôn đông đúc. Lần nào đi, ông cũng nắm chặt tay bà, chậm rãi dò từng bước. Tôi hỏi: “Ở tuổi ông bà bây giờ, việc đi lại khá nguy hiểm, liệu các con ông bà có phản đối cha mẹ mình ngày nào cũng ra đường? Ông trả lời: “Chúng tôi cố gắng cẩn thận là được, chứ giờ mà bị cầm chân ở nhà suốt ngày thì bệnh lẫn của vợ tôi chắc sẽ trầm trọng hơn. Tôi cũng mệt mỏi, uể oải, sức khỏe giảm sút nhanh”.
|
|
Ông Huỳnh Lơ nắm tay vợ băng qua đường - Ảnh: Hoàng Phương |
Nhìn bức hình rồi nghe ông kể chuyện, tôi vẫn đinh ninh, trong gia đình, ông là người có sức khỏe vượt trội, khi trái gió trở trời, chủ yếu vẫn là ông chăm bà. Tuy nhiên, khi nán lại một lúc lâu trong căn nhà nhỏ, tận mắt chứng kiến cách bà đi lại, sinh hoạt, kề cận ông thì tôi không còn dám chắc mình đúng. Bà Lo người nhỏ thó nhưng lanh lợi. Thấy có khách bà đi rót nước, bưng ghế, lấy chổi quét nhà… Căn bệnh lẫn của bà xem ra đã thuyên giảm nhiều phần, khi bà rành rọt kể về những kỷ niệm, cách thể hiện tình cảm vợ chồng.
“Mới tháng trước, ông nhà tôi bị ốm, nhập viện điều trị khoảng 10 ngày. Tôi nhớ ông ấy quá, nhờ con chở đi thì chúng lại gạt bảo mẹ già không chăm được gì cho ba, ba đã khỏe, sắp về nhà. Thế nhưng tôi ở nhà đếm 1 ngày, 2 ngày rồi 3 ngày mà ông ấy vẫn chưa về nên mới đội nón đi tìm” - bà Lo kể.
“Đợt đó, vợ tôi đã khiến cả nhà một phen khiếp vía khi phải chia người đi tìm. Tôi nằm điều trị ở Bệnh viện Đường Sắt Huế nhưng bà ấy lại đến Bệnh viện Trung ương Huế để kiếm tui. Bà ấy ngồi cả nửa ngày trời trước cổng bệnh viện. Thật liều hết chỗ nói” - ông Lơ nói thêm.
“Con chăm cha không bằng bà chăm ông" - câu nói này không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm sóc nhau bằng chén cơm, ly nước, bằng sự dìu đỡ khi người bạn đời rơi vào cảnh già cả, ốm đau. Nó còn thể hiện mối quấn quýt, gắn bó khăng khít của tình nghĩa vợ chồng.
Ông Lơ và bà Lo thật may mắn và hạnh phúc khi ở tuổi xế chiều vẫn còn có nhau, bên nhau. Giữa ông bà, dù không ai còn khỏe mạnh, nhưng là “2 nửa già yếu” cùng bổ trợ, dìu dắt nhau đi qua năm tháng cuộc đời.
Theo phụ nữ TPHCM