Bếp của ông

“Bà ơi, chiều bà muốn ăn chi?” - ông Nguyễn Văn Bảy (86 tuổi, trú xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) hỏi vợ rồi ra vườn cắt nải chuối xanh, hái lá lốt, nhổ lạc… khi nghe vợ nói “ăn nhiều thịt cá quá cũng chán ông ạ, hay chiều nấu bữa canh chuối với lạc ta ăn”.

Trong lúc ông Bảy giã lạc, vợ ông là bà Nguyễn Thị Minh (83 tuổi) cũng tranh thủ ngồi bên cạnh phụ chồng gọt vỏ, thái chuối xanh thành từng lát mỏng. Cứ thế, ông bà vừa quây quần bên bếp lửa nấu ăn, vừa trò chuyện cùng nhau, nhớ lại những kỷ niệm gian khó ngày xưa, đến khi hoàng hôn buông xuống mái nhà lúc nào chẳng hay.

leftcenterrightdel
 Ngày ngày ông Bảy cùng vợ vào bếp. Bà hỗ trợ ông các việc vặt, còn ông nấu ăn - Ảnh: Phan Ngọc

Với ông Bảy, niềm hạnh phúc ở cái tuổi gần đất xa trời này là vợ chồng vẫn còn có nhau, còn sức khỏe để chăm sóc nhau. Bởi thế, ông luôn xem việc bếp núc mỗi ngày là cơ hội để vợ chồng vun vén tình cảm, tìm niềm vui tuổi già. Cuộc sống hằng ngày của ông bà trôi qua một cách bình dị trong ngôi nhà cấp 4 đã cũ.

Ông bảo rằng bà Minh bị cao huyết áp, hay chóng mặt nên bình thường ông sẽ là người vào bếp nấu ăn, bà làm các việc vặt khác như rửa chén, quét dọn nhà cửa, cho gà ăn… Riết rồi quen, từ việc vào bếp vì lo cho sức khỏe của vợ, nay việc nấu ăn lại thành sở thích và sở trường của ông Bảy.

“Vui lắm chứ, không chỉ tôi mà con cháu nhìn vào, đứa mô cũng thấy vui. Tôi cũng chỉ mong có vậy. Giờ chỉ mong có sức khỏe, sống thật vui để ông ấy vui lây, làm gương cho con cháu” - bà Minh cười nói. Vợ chồng bà Minh là công nhân nông trường Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa) về hưu.

Ông bà có 6 người con, đều đã có gia đình riêng, sống xung quanh. Lo cho ba mẹ tuổi đã cao, các con đều nhiều lần khuyên về sống với mình để tiện chăm sóc nhưng ông bà đều lắc đầu từ chối với lý do “vẫn còn đủ sức khỏe để lo cho nhau”. Bà Minh không phủ nhận quan điểm “trẻ cậy cha, già cậy con”, song hiện chưa phải lúc ông bà nghĩ đến. “Giờ thế này cũng ổn mà! Khi nào không làm được gì nữa thì chúng tôi mới tính đến chuyện ở với con” - bà Minh nói.

Để đảm bảo cho sức khỏe, ông bà hiếm khi ra chợ mua thức ăn, phần lớn đều tự cung tự cấp. Trên mảnh vườn rộng gần 2.000m2, vợ chồng ông Bảy chia thành nhiều khu vực để trồng các loại rau củ theo mùa, làm chuồng nuôi gà vịt… Thỉnh thoảng, ông Bảy còn ra đồng câu cá, bắt lươn, ếch… để thay đổi khẩu vị cho vợ.

Các món ăn và cách chế biến của ông Bảy đậm chất dân dã, truyền thống. Ông bảo rằng, giờ không còn thiếu ăn nhưng ông bà không thể quên được những món ăn mộc mạc ngày trước. Thỉnh thoảng, ông lại gọi các cháu tới nhà nấu và cùng ăn những món ngày xưa, kể cho con cháu nghe những ngày gian khó của cha ông mình, từ đó động viên con cháu vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Nhắc đến ông bà ngoại, chị Vũ Thị Cẩm Ly (26 tuổi) cho biết, ông bà là “thần tượng” của chị: “Dù bà ngoại khó tính, chưa bao giờ tôi thấy ông lớn tiếng với bà”. Về bí quyết giữ lửa tình yêu, ông Bảy chỉ cười nói “phải biết nhẫn”. Những lúc mâu thuẫn, dù đúng hay sai, ông không “bật” lại vợ mà chọn cách im lặng ra vườn, đi dạo cho khuây khỏa để chờ cả hai bình tĩnh lại.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng ông Bảy bên 6 người con - Ảnh: Vũ Ly

“Vợ chồng nào chẳng có va chạm. Khi nào bà ấy nói thì tôi đi cho… yên bình. Chờ một lát bình tĩnh lại, mình phân tích xem đúng sai ở đâu rồi mới bắt đầu nói chuyện với nhau để giải quyết vấn đề” - ông Bảy nói. Cũng nhờ vậy, ông bà chưa bao giờ giận nhau quá nửa ngày suốt hơn 60 năm chung sống.

Truyền năng lượng tích cực

Đều đã ngoài 80 nhưng ông bà vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Hằng ngày, họ vẫn chăm sóc, quan tâm và trao yêu thương cho nhau. Những khoảnh khắc đời thường giản dị nhưng chất chứa tình cảm ấy khi được đăng tải đã thu hút hàng triệu lượt like, cùng hàng ngàn lời bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ từ cư dân mạng, trong đó đa số là người trẻ.

“Lúc đầu tôi chỉ định quay lại để làm kỷ niệm cho gia đình nhưng không ngờ khi đăng lên mạng lại được rất nhiều người yêu thích. Rất nhiều người xa quê hay những người không còn ông bà đã để lại những bình luận xúc động khi xem clip” - chị Ly kể.

Ly vốn là một nhân viên văn phòng ở TP Vinh. Chị chia sẻ rằng công việc nhiều áp lực, lặp đi lặp lại mỗi ngày khiến chị luôn cảm thấy nhàm chán. Chỉ khi về quê, nhìn cách ông bà chăm sóc nhau, cuộc sống cứ thế trôi qua nhẹ nhàng, hạnh phúc, chị mới tìm được năng lượng tích cực cho cuộc sống của mình.

Sau nhiều đắn đo, giữa năm 2023, chị quyết định nghỉ việc về quê lập nghiệp. Tranh thủ thời gian rảnh, chị quay lại những khoảnh khắc ông bà ngoại chăm sóc nhau nhằm lưu lại kỷ niệm cho gia đình. “Mình vẫn luôn tranh thủ thời gian ở bên ông bà, lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ, dù rất đỗi bình thường bởi sau này dù có nhiều tiền đến cỡ nào cũng không thể mua được những kỷ niệm đẹp đó” - Ly nói.

Clip của chị chủ yếu xoay quanh những món ăn đậm chất dân dã mà ông nấu cho bà. “Ông bà là động lực rất lớn để tôi tìm lại sự lạc quan mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, trong công việc và cả trong hôn nhân. Giới trẻ ngày nay chịu rất nhiều áp lực, tôi mong những thước phim bình dị của ông bà ở quê nhà có thể giúp họ tìm được chút bình yên” - chị bày tỏ. Với suy nghĩ đó, Ly lập kênh TikTok “Bếp có ông” và phát triển hơn nửa năm qua với mục đích gửi thông điệp “chữa lành” đến các bạn trẻ, những người đang làm ăn xa quê.

Mục đích chính là lưu lại kỷ niệm đẹp, bởi thế, Ly chủ yếu quay lại cảnh cuộc sống thường nhật của ông bà ngoại một cách chân thực và bình dị thay vì đầu tư vào hình thức, nội dung. Thế nhưng, hình ảnh cụ ông ngày ngày vào bếp nấu ăn cho vợ vẫn nhận được “bão like” của cư dân mạng.

Ngoài những bình luận tích cực, kênh TikTok “Bếp có ông” cũng nhận được nhiều thắc mắc “Vì sao ông nấu cho bà, không giống như bình thường là bà nấu cho ông?”. Đem thắc mắc này hỏi ông Bảy, Ly chỉ nhận được nụ cười giòn tan của ông với lời nhắn nhủ “Ai nấu chẳng được. Có gì phải xấu hổ khi mình được chăm sóc, đem niềm vui đến cho vợ chứ!”.

Ly cho biết chị cũng từng rất bất ngờ với những món ăn ông ngoại nấu, cách ông sử dụng bếp củi để nấu ăn dù đã có bếp gas trong nhà. Điều đó khiến nhiều người xem clip nhầm tưởng cuộc sống ông bà rất khó khăn, có người thậm chí còn ngỏ ý tặng quà, tiền cho vợ chồng ông Bảy.

“Nhận được những lời hỏi thăm đó, tôi rất vui. Có người gọi hỏi thăm rồi bảo, xem các món ăn này khiến họ bật khóc, nhớ một thời ông bà đã vất vả nuôi họ, giờ họ có điều kiện rồi lại không còn cơ hội để báo hiếu. Vì thế, họ muốn gửi một ít quà biếu ông bà nhưng phần lớn tôi từ chối vì ông bà có lương hưu, con cháu cũng đang lo được” - Ly kể.

Theo phụ nữ TPHCM