Trong một lễ hội, giữa đám đông chen nhau tiến về phía trước, người ta cảm thấy khó chịu khi có đôi vợ chồng vẫn điềm tĩnh nắm tay nhau đi giữa xôn xao dòng người. Khó chịu vì kiểu dàn hàng ngang ấy vừa chiếm nhiều không gian, vừa không ai có thể chen vào giữa được, đám đông bắt đầu phản ứng: “Buông tay ra đi, choán hết đường rồi”.

Cho đến khi đám đông bất chấp lao về phía họ và nhận ra đôi mắt chạm vào khoảng không vô định của người chồng, đám đông vỡ òa, rồi đám đông im lặng. Đôi vợ chồng ấy không thể buông tay ra được, là bởi họ tuy 2, nhưng chỉ có 1 đôi mắt của người vợ dẫn đường.

leftcenterrightdel
 Đôi bàn tay gầy của vợ, sẽ không bao giờ buông tay chồng

Câu chuyện như cổ tích giữa xứ thông reo

22 năm trước, Cao Hồng Quế chỉ mới là cô sinh viên chân ướt chân ráo từ Đắk Lắk đến học tại Trường đại học Đà Lạt. Gần chỗ Quế ở là một cơ sở dạy nghề cho người khiếm thị nên cuối tuần cô hay cùng bạn bè ghé qua giúp họ nấu nướng, dọn dẹp.

Lúc ấy, anh Trần Bình Phương được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tạo điều kiện đứng lớp dạy chữ nổi và nghề làm chổi tại cơ sở này. Anh gọi đùa đây là công việc khởi nghiệp kỳ lạ và nhiều thách thức, bởi bản thân anh và các học viên đều khiếm thị.

Sản phẩm làm ra từ những con người không nhìn thấy ánh sáng, chắc chắn là không đẹp, cũng chẳng bền, mà giá thành lại cao. Bán 1.000 cây chổi trở thành đề bài nan giải.

Những ngày ấy, may mà có Quế. Dường như sự xuất hiện của cô sinh viên nhỏ bé này không chỉ để thực hiện sứ mệnh “giải cứu 1.000 cây chổi”, mà còn thắp cho cuộc đời Phương nguồn sáng. Ngày ngày, Quế chất chồng chổi cao quá đầu người lên chiếc xe đạp cọc cạch rồi rong ruổi khắp những con đường đèo dốc mù sương, gặp ai cũng mời chào.

Chỉ trong vòng 1 tuần, 1.000 cây chổi đã được bán sạch. Cô lại lẳng lặng giúp anh làm sổ sách và những chuyện bếp núc, hậu cần. “Điều đó khiến tôi xúc động. Bao nhiêu người đã đến đây và rời đi, nhưng Quế thì ở lại, không nề hà gian khổ. Cô đã làm gì là làm đến cùng” - Phương nói. Còn với Quế: “Càng tiếp xúc với Phương, tôi càng nhận ra anh giỏi giang, hiểu biết và giàu nghị lực. Chưa bao giờ tôi thấy anh bỏ cuộc”.

Vậy đó, họ yêu nhau, như một lẽ thường tình, như một ngày đủ nắng hoa sẽ nở.

Tình yêu của cô gái nhân hậu và xinh đẹp với chàng trai khiếm thị thông minh, tài giỏi gặp nhiều rào cản từ gia đình và định kiến xã hội. Gia đình Quế phản đối vì hiểu những thử thách rất lớn trong cuộc đời phía trước của cô, khi gắn bó với Phương. Ba mẹ Phương cũng từng không tin anh sẽ làm được những điều bình thường như mọi người sáng mắt có thể làm, như là kiếm tiền, mưu sinh, tạo dựng một gia đình hạnh phúc với người con gái anh yêu và một sự nghiệp bền vững. Phương và Quế đứng trước một thử thách mới.

Một-tình-yêu-đủ-lớn

Câu chuyện của họ được kể lại từ chất giọng đều đặn, nhẹ nhàng của anh Bình Phương. Chị Hồng Quế ngồi cạnh chồng, thỉnh thoảng thay nước trà nóng trong chiếc tách đã nguội.

“Khi đã quyết tâm xây dựng gia đình cùng nhau, chúng tôi cần có một công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống. Gom tất cả số tiền dành dụm được hơn 2 triệu đồng, chúng tôi xuống Sài Gòn tầm sư học nghề mát xa trị liệu. 2 đứa chia ra 2 hướng: Quế học mát xa đầu và chân, tôi học lưng và tay, rồi về dạy lại cho nhau, cùng tham khảo và nghiên cứu ra một bài trị liệu độc quyền - kết hợp cả phương pháp mát xa của người Thái và người Nhật.

leftcenterrightdel
 Gia đình của anh Bình Phương, chị Hồng Quế và cô con gái chuẩn bị vào đại học

Hoàn toàn tự tin với bài mát xa trị liệu của mình, chúng tôi vét những đồng tiền cuối cùng để in 2 hộp danh thiếp tự giới thiệu dịch vụ mát xa tận nhà rồi phát cho khách du lịch ở khắp Đà Lạt. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được từ đôi bàn tay và cái tâm của người làm nghề, dù ít, nhưng rất có ý nghĩa với chúng tôi. Không chỉ giúp khách hết hẳn đau nhức, mỏi mệt, lưu thông khí huyết, chúng tôi còn dần dần thay đổi quan điểm và cái nhìn thành kiến của mọi người về công việc lắm thị phi này.

6 tháng sau, cơ hội đến với chúng tôi thật kỳ diệu và bất ngờ. Có một người mở tiệm spa bị phá sản, phải trốn nợ, bỏ lại toàn bộ vật dụng hành nghề. Biết được thông tin đó, tôi đến gặp chủ nhà, xin mua lại những món mình cần. Chủ nhà chỉ muốn tống hết đống đồ để lấy lại mặt bằng trống nên đồng ý bán cho tôi với giá 5 triệu đồng. Tôi mừng rỡ về bàn với Quế, gom hết tiền, được tầm 2,2 triệu đồng rồi quay trở lại spa. Thấy tôi nhiều thiện chí, chủ nhà đồng ý cho tôi nợ số tiền còn thiếu, mỗi tháng trả góp 400.000 đồng.

Tôi mừng húm, vội kêu xe tải đến chở hết vật dụng về căn chung cư mấy chục mét vuông của mình. Tối hôm đó, 2 đứa mừng rỡ lật tung đống đồ cũ, nhặt ra những món mình cần cho việc mở một cơ sở mát xa. Giá trị nhất có lẽ là mấy cái giường, máy xông hơi. Chúng tôi sắp xếp lại vật dụng, giăng màn, treo bảng, thế là cơ sở mát xa đầu tiên ra đời với cái tên Nguồn Sáng.

Bài mát xa trị liệu độc quyền của chúng tôi khiến khách hàng rất hài lòng, người này giới thiệu người kia, cơ sở của chúng tôi ngày càng đông khách. 1 năm sau, chúng tôi mua được xe máy, thu nhập cũng tốt hơn. Lúc này, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện cần thiết phải làm và cũng đã đến thời điểm để thực hiện: một đám cưới. Trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, cuối cùng chúng tôi cũng đã thực sự chạm tay đến ước mơ của mình”.

Gia đình của anh Bình Phương, chị Hồng Quế và cô con gái chuẩn bị vào đại học
Gia đình của anh Bình Phương, chị Hồng Quế và cô con gái chuẩn bị vào đại học

Một đám cưới không trọn vẹn

Chị Hồng Quế tiếp lời chồng: “Gia đình tôi hầu hết đều không có mặt trong đám cưới của chúng tôi. Mọi người cực lực phản đối cuộc hôn nhân này. Nhưng đến bây giờ, tôi đã chứng minh lựa chọn đời mình hoàn toàn đúng đắn bằng hạnh phúc thực sự bên một người chồng tuy không thấy đường, nhưng có thể nhìn thấu trái tim tôi và biết cách vỗ về nó; bằng sự ra đời của đứa trẻ gọi tôi là mẹ; bằng cơ sở mát xa trị liệu được du khách biết đến ngày một nhiều…

Tôi nhớ thời gian tôi mang thai, anh Phương vui mừng bảo cuộc đời anh bây giờ mới thực sự bước sang trang mới. Tất cả những gì anh làm, anh phấn đấu, kể từ thời điểm ấy, đều là vì con. Khi đó, dù đã có cơ sở tại nhà, anh vẫn nhận khách lẻ bên ngoài. Mưa gió bão bùng hay đêm hôm khuya khoắt anh cũng đi. Tiền khách trả được 50.000 đồng, anh mua thức ăn ngon về cho vợ tẩm bổ. Tôi hỏi anh ăn chưa, anh bảo rồi, tôi cũng vô tư ăn hết sạch. Sau này tôi mới biết, hôm đó anh nhịn đói cả đêm mà không dám than”.

Tổ ấm cho yêu thương

“Nhiều người lo rằng nếu cưới anh, toàn bộ gánh nặng mưu sinh sẽ đè lên vai tôi, nhưng thực sự không phải như vậy. Vai trò lớn nhất của tôi chỉ là thay thế đôi mắt của anh. Tất cả những công việc nặng nhọc còn lại - từ xây nhà, xây dựng cơ sở trị liệu và hiện tại là mở Trung tâm Dạy nghề Nguồn Sáng spa, anh đều đứng ra thực hiện, từ khi mọi thứ mới chỉ là ý tưởng, cho đến lúc nó trở thành hiện thực và vận hành theo đúng ý anh” - chị Quế khẳng định.

Nói đến đây, chị Quế đưa mắt nhìn chồng. Chị biết đây là dự án mang nhiều tâm huyết của anh Phương và chị luôn ở phía sau hậu thuẫn cho anh như bao nhiêu dự án khác trong suốt cuộc đời họ. Một trung tâm đào tạo những học viên mong muốn theo nghề mát xa trị liệu, khóa học vừa khai giảng vào đầu tháng Sáu này, do những chuyên gia, bác sĩ, nghệ nhân nhiều kinh nghiệm trong ngành chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp đứng lớp. Đó là ước mơ và cũng là lối đi của anh chị từ những ngày dò dẫm mưu sinh cùng nhau.

Và bây giờ, chính họ lại truyền cảm hứng và vẽ lại con đường đó cho những bạn trẻ cùng chí hướng. Anh không giấu được xúc động: “Tôi thấy mình hạnh phúc vì nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương, để cái nghề của mình được biết đến như một công việc mang lại lợi ích về sức khỏe cho cộng đồng và không còn định kiến. Nhưng lòng biết ơn lớn nhất, tôi muốn dành cho vợ mình. Cô ấy chính là đôi mắt của tôi, là nguồn sáng của đời tôi”.

Theo phụ nữ TPHCM