Tình yêu thời học trò 

Cách đây mấy chục năm, những chiều tan học, cậu học trò Nguyễn Văn Nho dắt chiếc xe máy Suzuki lội bộ theo cô gái Kim Thu nhỏ nhắn, đi dọc con đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). Tà áo dài trắng, vòm me xanh và những câu chuyện bâng quơ của đôi bạn trẻ làm vui cả con đường. Họ đi bộ cùng nhau, đến tận bến xe lam, cô gái lên xe lam về nhà. Nhiều lần chàng trai ngỏ ý muốn chở cô về, nhưng cô gái sợ “ba mẹ la” nên từ chối.

leftcenterrightdel
 Anh Nguyễn Văn Nho và chị Kim Thu gắn bó với nhau dù có nhiều khác biệt
Rồi một lần, chàng trai làm gan, theo cô gái về tận nhà. Mẹ cô thấy người con trai lấp ló, bảo con gái: “Con mời bạn vô nhà, nói chuyện đàng hoàng”. Từ đó, chàng trai cứ tới hoài. Mối tình e ấp cứ nửa bạn, nửa yêu kéo dài suốt thời gian họ học tú tài 1, rồi tú tài 2. Sau đó chàng trai theo học ngành kinh tế. Cô gái vào Văn khoa. Họ vẫn cứ ngày ngày bên nhau. 

1 năm trước khi họ tốt nghiệp thì đất nước thống nhất. Cuộc sống thay đổi quá nhiều, cô gái nghỉ học, ghi danh đi dạy mầm non. Nhà cô gần một doanh trại bộ đội. Đại đội trưởng đẹp trai cứ sang nhà cô chơi hoài khiến anh Nho sốt ruột lo lắng. Anh về xin ba mẹ sang hỏi cưới cô gái. Đám cưới của họ diễn ra vào tháng 8/1975. Họ hạnh phúc bên nhau suốt 48 năm “như chim liền cánh, như cây liền cành”.

Khắng khít từ những điều khác biệt 

Mỗi gia đình có cách hạnh phúc riêng. Ở một số gia đình, vợ và chồng có những điều giống nhau, phù hợp với nhau như được sinh ra để trùng lắp lên nhau. Họ chung sở thích, chung vẻ đẹp hình thức, chung cả những đam mê, con đường sự nghiệp. Một số gia đình khác, vợ chồng lại ngược nhau, khác nhau đến mức đối lập; thế nhưng những điều trái ngược nhau đó lại giúp họ đan cài vào nhau một cách chặt chẽ, khắng khít.

Anh Nho và chị Thu là một cặp nhìn vẻ ngoài đã vô cùng khác biệt. Anh rất cao lớn, chị rất nhỏ bé. Anh giỏi toán, chị giỏi văn.

Anh không hề quan tâm hay thích thú thơ văn, chị không những yêu thơ, làm thơ mà còn trở thành người hoạt động rất tích cực trong các câu lạc bộ thơ của thành phố, thậm chí trở thành Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn chương Việt Nam của UNESCO.

Thế nhưng 48 năm chung sống của họ là 48 năm tràn đầy những kỷ niệm yêu thương, hạnh phúc. Không thích đọc thơ, cũng chẳng biết nghe thơ, nhưng anh luôn đưa chị đến tất cả những buổi sinh hoạt thơ, những hoạt động văn hóa, cố gắng thu xếp để cùng chị những khi chị đi công tác tỉnh. “Cái hồi yêu nhau còn chạy xe Suzuki… cho nó oai. Chứ lấy nhau về làm gì dám chạy xe máy, xăng đâu mà chạy. Anh chỉ toàn chở chị bằng xe đạp. Nhưng chị cần đi đâu là có anh”.

Vợ chồng cùng làm cán bộ, công nhân viên nhà nước: anh làm kế toán ở công ty điện lực, chị là giáo viên mầm non. Lương vợ chồng cộng lại nuôi không nổi 3 đứa con. Nhu yếu phẩm cứ lãnh ra là đem bán lo bữa ăn hằng ngày. Thế nhưng trong nhà anh chị chẳng bao giờ thiếu niềm vui. Chị bảo: “Vợ chồng mình cãi nhau suốt. Toàn chọc tức nhau thôi, mắc cười lắm”.

Hỏi chị về một kỷ niệm… không vui nào đó, chị cười nhẹ nhàng, có chứ, cũng từng va chạm, có nỗi buồn. Anh cũng từng nghiêng ngả vì tình cảm của một cô đồng nghiệp. Chuyện bắt đầu chỉ từ những vui đùa cáp đôi trong cơ quan thôi, thế nhưng lại thành rung động nho nhỏ. Là vợ, là một nhà thơ, chị nhạy cảm lắm, nên biết ngay. Rất thẳng thắn, chị hỏi, anh tự động khai hết. 

Nhưng từ trong lòng chị, với những hạnh phúc đã và đang có, chị hiểu và tin điều lớn nhất là anh thương chị và sẽ không bao giờ xa gia đình. Chị đến gặp, rất nhẹ nhàng nói cô ấy: “Đừng tự làm khổ mình”. Thế là cô ấy buông. Đúc kết kinh nghiệm, chị điềm tĩnh và tự tin bảo: “Đàn ông lúc nào cũng ngay đường thẳng lối khó lắm. Ăn thua là người ta còn thương, còn quan tâm gia đình hay không. Còn phụ nữ phải biết tha thứ, rồi đừng bao giờ nhắc lại nữa”.

Dọn nhà vào bệnh viện

Chị nghỉ hưu sớm, anh còn đi làm nên có nhiều chuyến đi dài ngày của chị anh không thu xếp được. Anh chị hẹn nhau: chờ tới lúc anh về hưu. Và lúc đó cũng đến. Facebook của chị tràn ngập những hạnh phúc tuổi già của anh chị: cùng nhau chăm hoa chăm cây cối trong mảnh vườn trước sân nhà, cùng nhau du lịch trong, ngoài nước.

leftcenterrightdel
 

Rồi dịch nổ ra, những ngày tháng trong nhà, anh chị “thảo luận” chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Nhưng sau dịch, anh trải qua đủ thứ bệnh, từ tiền liệt tuyến đến polyp đại tràng… Sức khỏe anh ngày càng yếu cho đến khi bác sĩ phát hiện ở anh căn bệnh ung thư đã di căn. Chị theo anh “dọn nhà” vào bệnh viện.

Chị từng trải qua một cơn tai biến nhẹ, sức khỏe cũng không tốt. Thế nhưng từ lúc biết anh mắc bệnh nan y, không biết từ đâu mà sức lực trở lại với chị, để chị theo anh ròng rã suốt hơn 4 tháng ở bệnh viện, động viên, chăm sóc, lo lắng cho anh hết lòng. Chị bảo anh: “Anh từng nói với em, mỗi người có cái số của mình, vậy thì anh phải tin vào điều đó. Anh cứ vui vẻ đi. Em sẽ ở bên anh”.

Suốt thời gian cùng anh chiến đấu trong bệnh viện, những status Facebook chị viết để trò chuyện, tâm sự, động viên anh luôn được nhiều bạn bè theo dõi. Tình yêu thắm thiết, đậm đà của đôi vợ chồng gắn bó với nhau từ thời học trò, bằng mối tình đầu trong sáng khiến mọi người cảm động thì tinh thần bình tĩnh cùng nhau đón nhận những thử thách và chấp nhận mọi kết quả khiến nhiều người ngưỡng mộ anh chị.

Chị bảo, vợ chồng thống nhất sẽ cùng nhau chiến đấu tới phút cuối cùng. Nhưng khi nào biết rằng đến lúc cần phải buông thì cũng sẽ buông, nhẹ nhàng, để người ở người đi không phải đau đớn vật vã hay ân hận nuối tiếc. Có những lúc, nhìn vào ánh mắt anh, chị hỏi anh đang nghĩ gì; bởi chị sợ anh buồn, anh tiếc nuối. Anh trả lời chị rất nhẹ nhàng: “Em đừng lo. Anh sống chừng này là đã đủ hạnh phúc cho một kiếp người rồi, không còn gì phải so đo, tính toán nữa”. 

Những giờ phút cuối cùng, khi còn chút sức lực, anh dành để dặn dò, chăm chút cho cuộc sống của chị sau này. 48 năm sống cùng nhau, chị là người làm thơ, nên mọi việc kinh tế trong nhà chị giao hết cho anh. Chị không biết mã số két sắt, không biết số tài khoản ngân hàng. Cứ mỗi chút anh nhắc nhở chị phải ghi nhớ, chị lại bảo: “Anh làm gì kỳ vậy?”. Nhưng anh trả lời chị rất đơn giản: “Em phải tập sao cho không có anh thì vẫn làm được nghe”.

Hồi sinh sau nỗi đau 

Ngày tiễn anh đi rồi, trở về căn nhà không có anh, nỗi đau của chị càng chất chồng khi nhìn thấy những ghi chép, dặn dò anh để lại. Nhìn dòng chữ anh viết: “Anh biết rằng em sẽ không nhớ nên anh đã ghi lại hết cho em…” mà lòng chị đau như cắt. Mở được két sắt ra, nước mắt chị ràn rụa khi nhìn thấy mọi tác phẩm, bản thảo của chị được anh lưu giữ cẩn thận. Chị không ngờ anh đã cẩn thận, chi tiết đến như thế với cuộc sống, với sự nghiệp sáng tác của chị.

Chính vì tình yêu thương dành cho anh, chị và các con đã nghĩ ra một việc làm vô cùng tốt đẹp: mỗi Chủ nhật, cả nhà nấu 100 phần cơm từ thiện, mang vào phát cho các bệnh nhân ung thư. Chị bảo ngày chăm anh trong bệnh viện, chị chứng kiến bao cảnh đời đau khổ. Giàu nghèo vào đây rồi dần dần cũng bằng nhau. Có những lúc cần thiết, chị cũng từng phải đứng vào hàng người lãnh 1 suất cơm từ thiện. Giờ đây, chị muốn cùng các con trả lại cho bá tánh những gì chị đã nhận được. 

Đã gần 4 tháng anh ra đi. Giờ đây, mỗi trưa Chủ nhật, nhà chị lại âm vang tiếng cười vui của con cháu y như ngày tết. Bỏ đi những bữa cà phê với bạn bè, chơi thể thao, du lịch, các con chị tụ họp về gom tiền, gom gạo, gom thực phẩm cùng nhau nấu cơm; để 10 giờ cả nhà chở cơm, chở sữa vào bệnh viện ung bướu. Các con nhìn mẹ vui lại, hồi sinh lại sau nỗi đau. Mẹ nhìn các con các cháu học những bài học ân cần chia sẻ. Niềm vui trở lại với gia đình. Cả nhà đều bảo nhau: “Chắc là ba vui lắm”.

Theo phụ nữ TPHCM