leftcenterrightdel
 Cậu của tác giả đã đi xa, chỉ còn lại cái máy may với cuộn chỉ đang may dở

Ông ngoại mất chưa được bao lâu thì bà ngoại lâm trọng bệnh rồi qua đời. 17 tuổi, cậu phải bỏ học, đi làm phụ xe chạy tuyến Bắc - Nam. Có những lúc xe chạy qua nhà mà cậu cũng không ghé vào được, suy nghĩ cố thêm 1 chuyến là có thêm tiền để lo cho các em ăn học.

Mẹ và dì tôi lớn lên từ sự vất vả, lam lũ của cậu. Mẹ kể, hồi đó, cậu yêu cô Giang ở cuối xóm. Cô Giang cũng có tình cảm với cậu, nhưng gia cảnh cậu vậy nên ba mẹ cô ấy khước từ. Vài năm sau, cô Giang lấy một người thành đạt ở phố. Cậu tôi buồn một thời gian dài, không mở lòng với ai nữa. Cậu lao vào công việc để quên đi nỗi buồn và để có điều kiện lo cho các em. Đến khi mẹ và dì tôi đã có công việc ổn định, yên bề gia thất, cậu đã 2 thứ tóc mà vẫn đơn chiếc.

Một lần, cậu bị tai nạn, đứt mất 1 ngón tay, sức khỏe giảm sút. Sau khi xuất viện, mẹ tôi đón cậu về ở cùng gia đình tôi. Có người đem lòng yêu thương, muốn gắn bó lâu dài với cậu, mẹ tôi cũng cố gắng vun vén nhưng cậu không chịu. Không muốn trở thành gánh nặng cho mẹ, cậu học nghề may. Cuộc đời cậu gắn với chiếc máy may từ ngày đó.

Cậu tôi có những 3 cái hoa tay nên may đồ rất đẹp và vá đồ cũng rất khéo. Những năm ở thành phố đường nhựa láng bóng thì quê tôi vẫn gồ ghề đường đất. Quần áo rất hiếm khi bỏ đi mà nếu còn tận dụng được thì sẽ mang đi sửa. Lũ trẻ con thì chuyên mặc đồ “thừa kế” từ anh chị, em, trong nhà…

Cậu thương người, nhà ai nghèo, cậu không lấy tiền. Dân làng quý cậu nên thi thoảng lại mang cho thứ nọ, thức kia do nhà họ làm ra. Tôi còn nhớ, có lần cậu bệnh, sốt cao lắm. Mấy ngày liền cậu nằm li bì, chú Biên cầm xấp vải hớt hải sang tìm cậu, giọng khẩn khoản: “Cả đời ông cụ nhà em áo quần vá chằng vá đụp, giờ cụ gần đất xa trời mà cũng không được mặc cái áo tử tế, con cháu đau lòng lắm. Bác mà cố được thì bác may gấp giúp em”.

Đêm đó, cậu tôi lại lọ mọ dậy, ngồi lạch cạch đạp máy khâu. Mẹ tôi thương cậu nên cứ càm ràm cậu không lo cho sức khỏe, nhưng cậu bảo: “Chị cũng nghe chú ấy nói rồi, không giúp được gia đình chú ấy, em cũng áy náy”.
Mùa cưới, nhiều đôi trong làng đến thuê cậu may đồ. Cậu may rất cẩn thận và đúng hẹn. Có cậu làm thợ may, quần áo của chị em tôi, mẹ tôi “phó thác” hết cho cậu. Biết tính tôi điệu đà nên cậu chiều hết nấc.

Tôi vẫn nhớ như in ngày khai giảng, tôi xúng xính trong chiếc áo mới mà cậu may cho. Chiếc áo trắng lại có nơ xanh thắt ở cổ khiến bọn con gái cùng lớp đều xuýt xoa. Nhưng được mấy hôm, thằng con trai nghịch nhất lớp đã giật đứt chiếc nơ của tôi. Tôi về nhà, khóc thút thít méc cậu. Cậu không còn chiếc nơ nào để thay nên dùng vải vụn kết thành một bông hoa cài áo cho tôi.

Tôi tự hào với các bạn là mình có cậu làm thợ may nên năm nào cũng có đồ mới mặc. Cho đến ngày tôi vào đại học, trong hành lý mang lên thành phố chủ yếu vẫn những bộ đồ cậu may cho suốt những năm học cấp III. Trước ngày đi, cậu dúi cho tôi một ít tiền, nói: “Lớn rồi, lên phố thấy cái gì đẹp, vừa tiền thì mua mà mặc, chứ mặc mấy cái đồ cổ lỗ sĩ cậu may, quê một cục”.

Khi đó, tôi nghĩ, sau này đi làm có tiền, tôi sẽ mua cho cậu bộ vest để cậu diện trong ngày cưới của tôi. Nhưng ngày đó chưa đến thì cậu tôi đột ngột qua đời. Lúc mai táng cậu, mẹ tôi tìm thấy dưới gối cậu cuốn nhật ký và một lá thư kín mít 4 trang giấy cậu viết cho cô Giang, đúng ngày cô cưới chồng, nhưng không gửi. Mẹ gạt nước mắt, sụt sùi: “Cả đời cậu mày cứ lo đi may vá quần áo, hạnh phúc cho người khác, còn nỗi đau của mình thì chẳng lành lại bao giờ”.

Cậu tôi đã đi xa hơn 20 năm, nhà tôi cũng đã chuyển chỗ ở vài lần, nhưng mẹ vẫn giữ và mang theo chiếc máy may thân thương của cậu, trên đó vẫn còn cuộn chỉ đang may dở. Mỗi lần nhìn nó, tôi cảm giác như cậu vẫn hiện diện trong nhà, vẫn miệt mài bên chiếc máy may với nụ cười hiền lành. 

Theo phụ nữ TPHCM