Nhà ngoại và nội tôi là hàng xóm lân cận. Ba má cưới nhau, ra riêng, mua mảnh đất cách đó vài chục mét. Vì vậy, dù sống riêng, tôi vẫn có cảm giác như được bảo bọc trong 2 gia đình nhiều thế hệ, vẫn còn nhớ rõ giọng nói khàn khàn ấm áp của ông cố tôi - người lớn tuổi nhất trong cả 2 nhà.

Ông cố tuy tuổi cao nhưng không bị còng lưng như các cụ già trong xóm. Có lần tôi hỏi vì sao ông không chống gậy trúc như người ta, ông cười bảo còn khỏe, đâu cần gậy làm gì. Ngừng một lát, ông tự nói thêm:  “Nhưng mà nếu có tiền, ông cũng thích mua một cây gậy đẹp để khi cần sẽ cầm đi đây đi đó”.

Tôi kể bà nội nghe “ước mơ” của ông cố. Bà vuốt đầu tôi khen ngoan rồi bàn với ông nội, sẽ mua tặng ông cố một cây gậy làm bằng dây mây. Ông nội tôi không hài lòng.

Suốt bao năm chưa mua gì đáng giá cho cha, bây giờ có dịp báo hiếu, nhất định phải sắm thứ thật giá trị. Quần áo dễ mua, còn cây gậy, bà tôi hỏi thăm khắp nơi suốt nửa năm mới tìm được chỗ bán. 

 Ông cố rất mê cây gậy. Làng trên xóm dưới chỉ mình ông có cây gậy cán sừng chạm khắc. Ông gọi đó là “cây gậy ăn nói”, vì mỗi khi có dịp dự lễ hỏi, cưới hay cúng giỗ, ông đều đem gậy theo bên mình. Họ hàng, chòm xóm thích mời ông ngồi ở “bàn trưởng tộc” khi họ cưới gả con cái, bởi ông giỏi Nho học, lại thông thạo tiếng Tây, ông còn có bộ áo dài xưa và cây gậy đầy uy thế.

Ông cố nói, cả đời dạy học nuôi con, ông chưa bao giờ dám nghĩ sẽ mua được cho mình bộ quần áo truyền thống và cây gậy đẹp như vậy, nó là cả một gia tài. Ông khen vợ chồng ông nội có hiếu. Mỗi lần sử dụng xong, ông tự tay giặt, phơi khô rồi xếp bộ đồ cho vào túi ni lông. Cây gậy cũng mặc “chiếc áo” nhựa vừa vặn trước khi được treo cẩn thận trong tủ.

Lúc cuối đời, ông cố nhiều lần căn dặn cả nhà không đem bộ áo dài và cây gậy chôn theo ông, vì điều đó với ông là vô nghĩa. Ông muốn để chúng lại cho ông nội, coi như vật gia truyền. Ông nội tôi giữ kỷ niệm và lời răn dạy của cha. Thỉnh thoảng ông vẫn mặc áo dài trong các nghi lễ, nhưng không sử dụng gậy. Cuộc sống thay đổi, nó không còn là “cây gậy ăn nói” - thứ trang sức của các cụ già xưa. Đến lúc này, cây gậy được sử dụng với mục đích khác hơn. Nó trở thành… cây roi để dọa đám cháu con ngỗ nghịch.

Mấy đứa em, đứa cháu trong nhà sợ chết khiếp mỗi khi người lớn cầm gậy dọa đánh, phải van nài xin nợ. Ở góc tường, cạnh chỗ để gậy, bà nội và thím út treo thêm cuốn sổ. Đứa nhỏ nào mắc lỗi, bị phạt mà xin nợ gậy thì tự tay viết số nợ vào sổ, kèm theo lời hứa không tái phạm.

Tuy đã mồm năm miệng mười hứa hẹn kèm “bút tích” làm bằng chứng, hầu như đứa nhóc nào cũng… nợ nần chồng chất, nhất là mấy thằng con trai. Cái kiểu viết sổ nợ này khiến tụi nhỏ sợ đến nỗi không dám sờ vào cây gậy. Nghe nhắc đến gậy là run bắn dù hầu như chưa đứa nào bị ăn roi gậy thật sự.

Từng lớp bọn trẻ lớn lên, hết con đến cháu. Thỉnh thoảng mấy đứa trưởng thành về thăm chốn cũ, lật sổ xem bút tích nguệch ngoạc kèm mấy đốm nước mắt, đọc lại lời hứa của chính mình năm xưa, không khỏi mỉm cười buồn vui lẫn lộn. Bây giờ, ông bà nội tôi đã yên nghỉ, cây gậy vẫn còn treo bên vách nhà sau. 

Theo phụ nữ TPHCM