"Bánh mì nóng đây, bánh mì đặc ruột đây, bánh mì chả lụa đây..."
Tôi nghe tiếng rao ở xa đang tiến lại gần, từ từ càng lớn càng rõ. Hôm nay trời mưa, Sài Gòn vào mùa này dễ có những cơn mưa bất chợt. Không báo trước, không tín hiệu, cứ vậy mà nhả xuống mặt đường những giọt ngắn giọt dài làm ướt lênh láng khắp nơi.
Người đàn ông ấy mặc chiếc áo mưa mỏng tanh, chạy chiếc xe đạp điện hơi cũ mà dân miền Tây tụi tôi hay gọi là mấy chiếc xe “cà tàng”. Phía sau chở một cái thúng đựng đầy những ổ bánh mì nóng hổi. Phía trước là cái loa cứ thao thao nãy giờ với ba chữ "Bánh mì đây...", ai lại mua bánh mì vào lúc trời mưa tối mặt thế này mà đi bán nhỉ? - Tôi thầm nghĩ như vậy khi đang ngồi chồm hổm trước cửa nhà, đợi sẵn tạnh mưa là phóng xe đi ngay.
Khi chiếc xe lướt qua tôi thấy một bên tay cứ phất phơ qua lại bởi gió. Hình như người đàn ông này chỉ lái xe một bên? Không phải, người ấy chỉ có một tay.
Ánh mắt anh ta nhìn quanh qua lại rồi ngập ngừng chạy đi ngay, tôi chưa kịp gọi với theo để mua một ổ bánh mì nóng giữa cơn mưa lạnh. Tôi nghĩ hẳn ấy là một người đàn ông mưu sinh để nuôi sống cho mình, hoặc cũng có thể là cả gia đình. Ở Sài Gòn này, ai mà biết được có bao nhiêu cái hoàn cảnh khó khăn đang vật lộn từng ngày dưới ánh nắng gắt và cả những cơn mưa bất chợt?
Người đàn ông ấy có khả năng là một người chồng, người cha không? Mưu sinh chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với những người trên vai có bóng dáng của bốn chữ “trụ cột gia đình”.
Nhìn hình ảnh người đàn ông với một bên tay áo mưa đang bay bay trong gió, tôi lại nghĩ về người đàn ông trụ cột của gia đình mình: Cha tôi, năm nay đã ngoài 60. Người đàn ông ấy cũng là người cho tôi hiểu thế nào là nghị lực phi thường và sức mạnh của ý chí niềm tin khi chiến đấu với căn bệnh mang tên “U ác tính trực tràng”. Một cách dễ hiểu thì dân gian hay gọi là Ung Thư Trực Tràng.
Cha tôi
Mới năm ngoái thôi, cha tôi đã trải qua hai lần đại phẫu, mỗi lần đều trên dưới 8 tiếng trong phòng phẫu thuật. Dây nhợ chằng chịt khắp người, còn lắp cả hậu môn giả bên hông một thời gian, sau đó lại phẫu thuật cho vào làm hậu môn mới... Rồi những chuỗi ngày hóa trị không thành công khiến cha gầy rộc đi như cành cây khô chỉ chờ gió lay là gãy rụng. Thời điểm đó, nhà tôi trông cậy vào ba người phụ nữ còn lại: Mẹ tôi, chị hai là tôi và một đứa em gái.
Ở nhà tôi, chỉ có một người đàn ông duy nhất là cha. Có lẽ vì vậy mà cha chưa bao giờ kêu than, chưa bao giờ nói mình đau đớn thế nào. Tự thân cha luôn cố gắng ăn uống thuốc men, không cần đợi nhắc nhở hay năn nỉ như những người có vẻ “chán sống” khác. Cha có một góc nhìn rất tích cực với căn bệnh của mình:
- Tao bây giờ sống nay chết mai, cứ sống được ngày nào thì vui vẻ ngày đó. Một ngày vui một ngày, hai ngày vui hai ngày. Không cần sống lâu mà vật vờ đau yếu cần vợ con chăm sóc!
Với suy nghĩ đó, cha tôi vừa khỏe lại là bắt tay vào lao động. Nhà tôi vẫn còn cái quán tạp hóa nhỏ ở quê nên vết thương vừa cắt chỉ mấy hôm là cha đã sáng dậy sớm xuống chợ dọn hàng, trưa về nhà ăn cơm cùng vợ con. Buổi chiều cha sẽ trồng nha đam, chăm sóc mấy cây lan trước sân, giặt đồ, rửa chén, quét nhà. Có khi tôi còn thấy cha leo cây chặt cành, xách nước vô lu trữ để dành vào mùa nước mặn.
Cha không để mẹ làm việc nhà nhiều vì sức khỏe mẹ khá kém. Sức khỏe cha vừa ổn thì mẹ cũng yếu hơn đôi chút do thời gian cha ở viện là một tay mẹ chăm sóc. Bản thân tôi là con gái lớn trong nhà nhưng thú thật chỉ quán xuyến chút việc và chăm lo con nhỏ, cộng với việc cố gắng phát triển sự nghiệp nên cảm thấy chưa phụ giúp được nhiều.
Đợt đó trong lúc cha vừa phẫu thuật cắt một đoạn ruột dài hai tấc rưỡi thì tôi cũng tranh thủ cắt phăng đi mái tóc ngang vai của mình. Tóc tôi sau khi cắt thì không phải là ngắn nữa mà là nhìn như một tên đàn ông nào đó có khuôn mặt phụ nữ. Tôi đã yêu cầu thợ cắt tóc cắt ngắn hết sức có thể và cạo luôn ở phần sau ót cho cao lên. Khỏi phải nói, sau khi cha tôi xuất viện về phản ứng của ông như thế nào, nếu việc nóng giận bình thường ở mức 1, 2 thì chắc lần đó cha tôi phải giận gấp đôi.
Sau gần một năm thì tóc tôi mới trở về trạng thái cũ. Nhiều lần cha và mẹ đều hỏi sao tự nhiên đang yên đang lành lại đi “cạo đầu” làm gì? Bạn bè gần xa nhìn thấy hình ảnh cá nhân lúc đó của tôi cũng bất ngờ không kém, cứ nhắn tin hỏi lý do sao cắt ngắn quá vậy, có phải là có chuyện gì nghiêm trọng hay thất tình không? Lúc đó việc cha bị bệnh và tôi liên tục đi đi về về giữa hai nơi Sài Gòn – Bến Tre vẫn còn là bí mật.
Đáp lại tất cả tôi chỉ cười và lắc đầu, có khi nói vui rằng mình thích. Thú thật, tôi không thích lắm với diện mạo đó nhưng chỉ có cách này mới khiến tôi mạnh mẽ hơn. Thời điểm ấy tôi chính là trụ cột thứ hai sau cha, hầu như mọi quyết định điều trị của cha đều là tôi tìm hiểu rồi đưa ra hướng khuyên thực hiện. Chỉ cần sai một bước là sẽ không còn cơ hội quay đầu, cha tôi sẽ trở thành chuột bạch cho sự hiểu biết nông cạn của tôi vào lúc ấy. Bây giờ nghĩ lại, quyết định cắt ngắn hết cỡ để trông có vẻ mạnh mẽ hơn cả về bên ngoài lẫn bên trong thật sự rất đúng.
Và đương nhiên cho tới nay nhà tôi vẫn chưa biết nguyên nhân tôi cắt tóc kiểu đó, có lần cha kéo tôi lại gần hỏi:
- Mày nói thiệt đi, mày lại chia tay đứa nào đúng không? Cắt cái đầu như con trai luôn rồi, biết bao giờ tóc mới ra được lại hả con?
Tôi nghe xong chỉ biết há miệng cười thành tràng dài, không thể phân bua hay giải thích gì nữa. Cho đến giờ khi mọi thứ đã dần ổn định thì tóc tôi cũng quay trở lại rồi, chỉ là hi sinh một mái tóc để có được sức mạnh vượt qua nghịch cảnh thì cũng nên mà đúng không?
Đột nhiên hôm nay quan sát người đàn ông bán bánh mì ấy tôi lại nhớ đến hoàn cảnh năm ngoái của gia đình mình. Nhớ rõ hơn cả là câu nói mỗi sáng lúc cha chuẩn bị ra chợ dọn hàng vào lúc lũ gà còn đang ngủ say, cha nói:
- Tao còn mần được, cứ để tao mần. Tao không có phế đâu mà lo. Tao làm nuôi vợ nuôi con tao được ngày nào thì hay ngày đó!
Với những người đàn ông mang trên vai bốn chữ “trụ cột gia đình” thật sự bệnh cũng không được nghỉ, nắng mưa cũng không được than sao?
Tự nhiên thấy bản thân mình may mắn vì được sinh ra là phụ nữ, được làm con gái của cha; tuy có gánh vác nhưng ít ra vẫn có quyền yếu đuối. Còn những ai là đàn ông, nhất là đã làm chồng làm cha, trở thành nơi dựa dẫm của cả gia đình thì việc mưu sinh gánh vác vốn đã là bổn phận. Vậy nên nếu được, nếu còn cha còn mẹ thì mong những người con có thể tận tâm báo hiếu vì tuổi già đâu biết trước ngày mai.
Theo giadinhonline.vn