Vào những năm 2000, ba tôi mượn vốn, mua chiếc thuyền nhỏ, đi lên tận thượng nguồn hút cát về bán. Thời ấy chưa có luật cấm như bây giờ nên người làm nghề này cũng nhiều. Ba mẹ tôi đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, có khi đi từ đêm hôm trước tới tận chiều tối hôm sau.

Những ngày đầu, bà ngoại hoặc bà nội thay nhau ở cùng chúng tôi. Chị em tôi nằm ôm nhau khóc ướt gối, phần vì sợ, phần vì nhớ; sau này quen dần, tôi tự giác làm việc nhà, chăm em cho ba mẹ yên lòng làm việc. Thỉnh thoảng nhìn ra ngõ, nghe tiếng chó sủa, tôi lại ngỡ ba mẹ về. 

Tôi nghe người lớn nói chuyện, ba phải đi thuyền lên tận thượng nguồn - vừa xa vừa vất vả - nhưng chỗ đó cát vừa nhiều vừa đẹp. Tùy theo nhu cầu của khách mà mỗi ngày thuyền ba về mỗi loại cát khác nhau. Cát đen, hạt to nhỏ không đồng đều, hay lẫn tạp chất, dùng để san lấp. Cát vàng, sạch, kích cỡ vừa phải dùng để đúc khuôn gạch xi măng. Còn loại có kích cỡ nhỏ vừa phải dùng để xây hoặc trát tường cho láng mịn…

leftcenterrightdel
 Ba mẹ và các con của tác giả (tác giả đứng bên cạnh mẹ)
Thuyền đầy cát cập bến, xe công nông có thể tới gần mạn thuyền xúc cát lên xe. Ngày nào xe không tới gần mạn thuyền được, ba bắc tấm ván gỗ dài từ mạn thuyền xuống bến sông, mẹ xúc cát vào thúng, ba đội lên đầu và để vào thùng xe.

Mỗi thúng cát đặt lên đầu là hy vọng, là sự nỗ lực vì các con, vì gia đình của ba. Những ngày mưa tầm tã hay nắng cháy da, ba vẫn miệt mài đội từng thúng cát. Mẹ yếu, không thể đỡ ba việc nặng, thương cũng chỉ biết lẳng lặng nhìn theo ba.

Chúng tôi nhìn làn da sạm đen, ngửi mùi mồ hôi ám chặt vào áo ba, cũng tự bảo nhau ngoan ngoãn để ba bớt nhọc nhằn.

Kể từ khi ba mẹ làm bạn với chiếc thuyền cát, mâm cơm nhà cũng nhiều món ngon hơn. Thương ba mẹ, tôi cũng tập tành nấu nướng để trưa hoặc chiều đem cơm cho ba mẹ. Hôm nào buôn may bán đắt, ánh mắt ba mẹ rạng rỡ niềm vui. Hôm nào bán ế, tôi nghe tiếng thở dài lặng lẽ của ba, thấy ánh mắt đầy tâm tư của mẹ, bữa cơm dù vẫn đủ món mà sao đầy âu lo.

Có lần tôi đi học về, thấy gương mặt ba xanh xao, mồ hôi túa ra từng hột, bóng dáng xiêu vẹo chực như sắp té. Mẹ đỡ ba vô giường nằm, rồi gọi với tôi: “Con ra bắc nồi cháo giùm mẹ”. Bác sĩ nói ba tôi bị sỏi thận, nếu viên sỏi không tự ra được thì phải mổ.

Thời đó, nghe tới từ “mổ” thôi là tay chân cả nhà rụng rời. Ba nằm co ro trên giường, nước mắt trào ướt khóe mi, tay đặt lên hông nhăn nhó. Tôi không biết ba khóc vì đau hay vì sợ tiền mổ tốn kém, sợ mình bệnh quá lâu các con sẽ đói khổ.

Tôi từng thấy ba cười, ba nghiêm khắc, nhưng chưa thấy ba khóc bao giờ. Tôi nắm lấy tay ba, đôi bàn tay to lớn, thô ráp, đầy những vết sẹo ngang dọc. Mỗi vết chai, vết sẹo trên tay ba là một câu chuyện, góp nhặt lại để xây nên cuộc đời cho chúng tôi. May thay, ba uống thuốc vài bận thì sỏi tự ra được. 

Sau trận bệnh đó, ba vẫn không nghỉ làm, vẫn miệt mài với chiếc thuyền, với những thúng cát nặng trĩu - tương lai của cả nhà, là tuổi thơ êm ấm của các con.

Nghĩ lại những ngày nhọc nhằn ấy, tôi nhận ra chưa một lần tôi nhìn ngắm ba thật kỹ. Nay tóc ba đã điểm bạc, nếp nhăn hằn rõ trên khuôn mặt, vóc dáng to khỏe của ba nay chỉ còn trong ký ức, có lẽ bởi vì tôi đã lớn, cũng có lẽ vì ba đã già hơn xưa.

Ba chưa từng nói với tôi một lời ngọt ngào nào, thậm chí chưa có một lời khen, nhưng tôi hiểu ba luôn dành cho tôi một tình yêu vô bờ bến bằng những quan tâm nhỏ nhặt. 

Giờ đây, mỗi lần về quê, tôi chỉ mong được thấy ba đứng sẵn trước hiên nhà. Ba đứng đó, ánh mắt rạng ngời khi thấy các con, các cháu tíu tít dắt nhau về. Tôi thương ba nhưng cũng chưa bao giờ nói ra những lời yêu thương.

Tôi sợ ngày tháng trôi đi quá nhanh, biết đâu rồi phải hối tiếc; vì vậy hôm nay, tôi muốn nói với ba rằng: “Con yêu ba và biết ơn ba rất nhiều”. 

Theo phụ nữ TPHCM