Một ngôi nhà nhỏ, một mảnh vườn xanh, sáng thức dậy nghe tiếng chim, tiếng sóc, ngồi nhâm nhi tách cà phê giữa bốn bề cây cối và núi đồi... Bấy nhiêu cũng đủ để anh Tường Hải (35 tuổi) cảm thấy yên bình.
Chia sẻ với Zing, anh Hải cho hay năm 2018, vợ anh, chị Phi Hằng (28 tuổi), phát hiện có khối u ác tính khi mang thai con đầu lòng ở tuần 35.
Sau khi được mổ lấy thai, người mẹ trẻ bắt đầu hóa và xạ trị. Trong một năm, chị sụt hơn 20 kg.
Trước đó, kinh tế gia đình khá ổn định khi anh Hải làm quay phim, chụp ảnh cho các sự kiện và đám cưới, còn chị Hằng là chủ quán trà sữa ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Sau khi gia đình gặp biến cố, anh Tường Hải đưa vợ con về quê dựng nhà, trồng cây để sống chậm lại.
Nhận thấy bên cạnh thuốc thang, liệu pháp về tinh thần cũng giúp bệnh nhân ung thư cải thiện sức khỏe, anh Hải động viên vợ dọn về quê ngoại ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai dưỡng bệnh.
Gia đình ủng hộ nhưng chị Hằng còn chần chừ vì tham công tiếc việc. Cuối cùng, sự kiên quyết và câu nói “giờ không gì quan trọng bằng sức khỏe” của chồng, chị chấp nhận cùng anh đưa con rời phố về quê.
Căn nhà giữa đồi
Năm ngoái, anh Hải bắt tay vào dựng nhà giữa khu đất đồi rộng 50.000 m2 của bố mẹ vợ. Anh thuê thợ xây phần thô, còn lại cùng một người em tự hoàn thiện.
“Để tránh rắn rết và côn trùng, tôi chọn làm nhà sàn xây gạch và lát sàn gỗ tự nhiên. Diện tích chỉ khoảng 45 m2 nhưng nhà đầy đủ khu chức năng như phòng ngủ, bếp, ban công, nhà vệ sinh, tạm đủ cho gia đình nhỏ 3 người. Tôi cũng tự đóng đồ đạc trong nhà như tủ quần áo, tủ chén bát”, anh nói.
Anh Hải mất 3 tháng mới hoàn thiện ngôi nhà do vừa chăm con nhỏ, vừa đưa vợ đi điều trị. Nhiều hôm có việc, ông bố trẻ không ngại chạy gần 100 km lên Bình Dương để duy trì thu nhập.
Khi sắp xếp ổn thỏa, anh Hải đón vợ con về ngôi nhà giữa đồi, rời xa cuộc sống phố thị.
Căn nhà của anh Hải - chị Hằng được bao quanh bởi vườn cây, phía sau là đồi đá.
Ban đầu, do không quen với công việc nông dân, người đàn ông 35 tuổi phải học bố mẹ vợ cách cầm cuốc, xẻng. Nhờ sự kiên nhẫn và chăm học hỏi, anh trồng thành công nhiều loại cây, trái sau không ít lần thất bại.
“Tôi trồng nhiều loại hoa xung quanh nhà để thấy luôn tràn đầy sức sống và yêu đời hơn. Ngoài ra, vườn nhà tôi đang có các loại rau thơm, cải, đay, mồng tơi, cà bắp, dưa leo, bầu, bí, mướp, đậu xanh, bí đỏ, bơ… mùa nào ăn trái đó, riêng chuối có quanh năm. Quý nhất là vạt cây thảo dược như xạ đen, trinh nữ hoàng cung, xương khỉ, cây đuôi chuột để vợ uống và làm nước xông”, anh cho biết.
Anh Hải nói thêm gia đình ăn chế độ thuần thực vật, thỉnh thoảng vẫn phải mua thêm bên ngoài nhưng anh đang hướng tới việc chủ động tự cung, tự cấp thực phẩm.
Ngoài ra, anh còn hướng dẫn cha mẹ vợ cách ủ phân từ rác thải sinh học thay thế thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Từ không biết gì về trồng trọt, anh Hải trồng được nhiều loại cây, trái cho gia đình sau một thời gian bỏ phố về quê.
Cuộc sống bình yên
Dù cuộc sống ở quê thiếu nhiều tiện ích, muốn mua đồ phải chạy xe vài km, anh Hải vẫn hài lòng khi được sống hòa mình vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Trước nhà, anh còn chăng đèn, đặt bộ bàn ghế để cả nhà ngồi thư giãn.
“Sau thời gian dài gần gũi với thiên nhiên, tôi thấy rất sảng khoái. Mỗi sáng có thể tự pha một tách trà hay cà phê ngồi nhâm nhi, không còn lo nghĩ mấy giờ phải đi làm. Sức khỏe vợ tôi cũng ổn định hơn. Bé con thoải mái chạy chơi trong vườn và tìm hiểu các loại cây, côn trùng xung quanh nhà”, ông bố trẻ nói.
Về phía chị Hằng, khi biến cố ập đến, chị thấy mình may mắn khi được chồng và người thân kề cạnh chăm sóc. Trong dịch căng thẳng, gia đình chị vẫn sống những ngày tháng bình yên giữa đồi.
Khi sức khỏe được cải thiện, chị Hằng chơi với con gái và có thể giúp chồng những công việc nhẹ nhàng trong vườn.
Chị Hằng cảm thấy sức khỏe được cải thiện, tinh thần phấn chấn hơn khi theo chồng về quê sinh sống.
Khoản tiền tích lũy khi còn ở thành phố giúp hai vợ chồng chi tiêu hàng ngày. Dù còn khó khăn, căn nhà không khi nào vắng tiếng cười.
Chia sẻ về lựa chọn của mình, anh Hải nói: “Cuộc sống bỏ phố về quê sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy mọi người hãy chuẩn bị tinh thần thật kỹ. Đó không phải là màu hồng mà phải đánh đổi nhiều thứ hoặc tiện nghi công việc. Nếu chưa chắc với lựa chọn của mình, mọi người nên tìm một nơi để trải nghiệm rồi hãy quyết định ở phố hay quê”.
Sau khi hết dịch, anh Tường Hải dự định đưa vợ con về dựng nhà, làm vườn trên mảnh đất 2 ha mà anh mua tại vùng quê ở Phú Yên. Phát triển kinh tế gia đình từ nông nghiệp sạch là mục tiêu của ông bố trẻ.
Theo Zing