Dâu tằm là loại cây dễ sống, chỉ cần ngắt ngang một cành, giâm xuống đất, chỉ vài tuần sau cây sẽ mọc tốt, lớn nhanh và sớm cho trái. Trong xóm tôi, nhà nào cũng có một cây dâu. Riêng gia đình tôi thì có nhiều hơn một, bởi ba trồng loài cây này như một thứ làm hàng rào. Nên, cây dâu nhà tôi không lớn gốc lên và xòe tán như những cây dâu ở nhà hàng xóm, chỉ cao lên, bám hàng rào và thi thoảng rũ mấy tán nhỏ ra.


Mùa dâu tằm sai trái, đám con nít trong xóm “bu” tới xệ hàng rào vườn nhà tôi. Ba mẹ chưa bao giờ bực vì mấy chuyện này, chỉ chẹp miệng cho qua, rồi dành cuối tuần để sửa lại mọi thứ như ban đầu. Có lẽ, ba mẹ biết, đám ăn nhiều dâu nhất là mấy đứa con phá tưng trời của ba mẹ.

Quả dâu tằm có hình thù rất buồn cười. Nếu nhìn kỹ, ngoài là một quả tròn tròn, dài dài, thì quả dâu tằm giống như sự kết hợp của những đốm tròn nhỏ li ti kết vào nhau.


Dâu tằm rất ít khi chín đều, nên thường những quả bị chúng tôi vặt để ăn thường lốm đốm đen - đỏ xen nhau rất đẹp mắt. Vị dâu chua ngọt kích thích dữ dội mấy cái miệng háu ăn thời nghèo khổ theo chúng tôi suốt nhiều năm trời.


Vì có cả hai hàng rào dâu, nên mẹ thường bảo chúng tôi lặt hết quả vào, ngâm sạch, vớt ra để ráo. Tối đến, mẹ “rim” dâu với đường rất kỹ.

Đến khi, dâu đã nát hết ra, quyện vào đường sền sệt, mẹ chia dâu ra làm hai phần, một phần mẹ rim cho bấy thêm nữa, cho chút vị va-ni thơm lừng vào, đợi nguội, mẹ cho vào từng lọ nhỏ làm mứt để dành cho chị em tôi ăn với bánh mì - món ăn sáng ngon nhất trần đời của bọn tôi; phần còn lại mẹ để nguội, dập viên rồi rắc đường lên, tạo thành những viên kẹo đen đen lấm tấm đường trắng bên ngoài để làm quà thưởng cho chị em tôi ngoan.


Vốn quả dâu tằm đã có một vị ngọt nhất định, nhưng, không vì thế mà khi ngào đường lại thành quá ngọt. Vị chua của dâu luôn giữ nguyên được, quyện vào với vị ngọt tự nhiên, thêm vị ngọt của đường, quả thật, mứt hay kẹo cũng là món ăn tuyệt hảo đến độ chúng tôi có thể “nhón” sạch sau vài lần đi ngang qua chỗ mẹ để thành phẩm chỉ sáng đến chiều.


Những người già trong xóm tôi thường hay bẻ cành dâu “đánh ma” gần chỗ một đứa trẻ nào nằm mà hay quấy khóc. Mẹ bảo, họ nghĩ như thế sẽ làm đứa trẻ ngoan hơn, bớt giật mình và dễ ngủ. Bọn tôi chưa bao giờ phải để mẹ quật ma như thế, vì, đứa nào cũng ăn ngoan, ngủ ngoan. Ba bảo, vì bọn tôi đã ăn quá nhiều quả dâu tằm nên “ma” thậm chí không dám đến gần…

Và, cứ thế, câu chuyện có chút liêu trai của mẹ, của cha ướp tuổi thơ chúng tôi với chua ngọt quả dâu tằm, lâu đến độ chúng ăn sâu vào tâm thức chị em tôi, để có đi xa, mỗi lần tìm về, là thể nào cũng “tậu” mớ mứt, mớ kẹo viên đen phủ đường trắng vị dâu tằm về nhâm nhi kể chuyện cũ.

Theo Sài Gòn ẩm thực