Bạn bè tôi, sau ly hôn phần lớn đều sợ hãi tình yêu và hôn nhân. Người chưa kết hôn nhưng từng thất tình hoặc nghe chuyện người ta ly hôn cũng hoài nghi vào tình yêu. Tôi thì trộm vía, ngay cả những ngày tháng đen tối nhất của cuộc hôn nhân, vẫn tin rằng do mình… xui, thôi lần này không xong thì lại yêu lần khác, thể nào mà chẳng còn đàn ông tốt hay tình yêu đẹp trên đời.
Tôi tin như vậy, bởi vì bố tôi là một người đàn ông tốt và bố mẹ tôi có một tình yêu đẹp. Năm nay tôi 41 tuổi, nghĩa là bố mẹ kết hôn được 42 năm, cộng thêm 2 năm yêu trước cưới là bố mẹ bên nhau 44 năm, một “tuổi đời” tình yêu có thể gọi là niềm ao ước của khá nhiều người và chính tôi nữa.
|
Ảnh cưới của bố mẹ tôi 42 năm trước (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Bố mẹ tôi quen nhau rất tình cờ. Mẹ tôi là đồng nghiệp và sống cùng nhà với cô Hồng. Bố tôi là bạn học bác Long. Một năm nọ, cô Hồng và mẹ bác Long cùng nhập viện và tình cờ nằm cạnh giường nhau. Bác Long vừa chăm mẹ vừa đi làm nên ngỏ ý nhờ cô Hồng để mắt giúp mẹ mình, rồi thì 2 người họ yêu nhau. Một vài lần, bác Long sang nhà cô Hồng chơi và dẫn theo bố tôi. Thế là bố gặp mẹ.
Mẹ tôi hồi ấy đẹp lắm, nhiều anh theo đuổi và toàn con nhà giàu. Bố thì nghèo, mặc chiếc quần còn 2 mảnh vá đắp túi phía sau, đi xe đạp cà tàng, ngoại hình cũng không có gì nổi bật. Tôi hỏi sao mẹ quen bố, mẹ bảo vì bố hiền, tốt tính và nói chuyện với bố rất vui. Như có lần, bố chở mẹ bằng xe đạp, chẳng may mẹ rớt giày, bố vừa vòng xe lại vừa bảo: “Phải quay lại lấy nhanh nhanh, chứ để con quạ nó tha đi mất”, mẹ ngồi sau bật cười.
Ngày bố mẹ cưới nhau, trời mưa tầm tã. Bố mẹ vừa lội nước bì bõm, vừa cụng ly từng bàn. Người ta hay nói hỷ sự gặp mưa là tốt, không biết có phải vậy hay không mà hôn nhân của bố mẹ "bình bình" qua hơn 40 năm. Bố mẹ cũng từng tranh cãi gay gắt, từng dọa nhau ly hôn, từng có những lúc thăng trầm như bao cuộc hôn nhân khác, nhưng tôi chưa từng thấy một trong hai người bước ra khỏi nhà mà không quay về.
Hồi nhỏ, có lần tôi hỏi bố: “Mỗi khi gây nhau, bố mẹ thường làm gì?”. Bố bảo: “Gây xong thì nhịn nhau”. Tôi hỏi tiếp: “Rồi làm sao bố mẹ sống chung được với nhau?”. “Thì nhịn nhau”, ông vẫn nói.
Tôi vẫn tiếp tục: “Ủa, sao toàn nhịn không vậy bố?”. Bố bật cười ha ha, trong khi tôi chẳng hiểu gì.
Lớn rồi, yêu rồi, kết hôn rồi và ly hôn rồi, tôi mới biết, chữ “nhịn” của bố chứa biết bao nhiêu là kiên nhẫn, nhún nhường và yêu thương mà hai người họ dành cho nhau.
|
Bố mẹ, tôi và em trai khi chúng tôi còn nhỏ (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Năm tôi thi đại học, mẹ ngã bệnh, một trận bệnh nghiêm trọng và suýt chút nữa đã thay đổi gia đình tôi mãi mãi. Mẹ nằm nhà mấy tháng ròng và chúng tôi từng lo lắng mẹ sẽ không bao giờ khỏe lại. Bố vừa gánh vác gia đình, vừa chăm sóc mẹ và chúng tôi.
Tôi nhớ có lần tôi hỏi bố tình hình sức khỏe mẹ sao rồi, mẹ có khỏe lại không. Bố vừa ngồi chơi điện tử vừa trả lời tôi với vẻ rất bình thản. Nhưng khi ngẩng lên, tôi thấy mắt ông ầng ậng nước dù tay vẫn bấm máy và mắt vẫn dán chặt vào màn hình.
Tôi hiểu, ông chưa bao giờ khóc trước mặt chúng tôi hay trước mặt mẹ những năm tháng đó, nhưng hẳn ông đã hay khóc một mình rất nhiều lần.
Trời thương, mẹ tôi dần khỏe lại, dù sức khỏe không được như xưa. Từ lúc ấy, mẹ trở thành “cục vàng” của bố và cả nhà. Bố trở thành “y tá riêng” của mẹ, chở mẹ đi bác sĩ, chuẩn bị thuốc cho mẹ và nhắc mẹ uống thuốc mỗi ngày, mấy năm nay thì còn cả chích thuốc cho mẹ.
Đi đâu, làm gì, mẹ cũng được ưu tiên. Bố luôn dặn chúng tôi là mẹ yếu, mẹ không khỏe, làm gì cũng phải lo cho mẹ trước nên tôi và em trai luôn lo lắng, chăm sóc cho mẹ như phản xạ tự nhiên. “Tác dụng phụ” của điều ấy là chúng tôi cũng “lơ” bố như một lẽ tự nhiên không kém, luôn mặc định rằng bố khỏe và có thể gánh vác cả gia đình.
Tôi đã từng quên rằng bố bằng tuổi mẹ và ông cũng đang già đi theo năm tháng. Tôi chỉ nhận ra ông không còn khỏe khi khớp chân của ông đau nhức khi lên xuống cầu thang, khi ông đưa con tôi đi thi một buổi trưa trời nắng mà về đổ bệnh cả tuần, khi ông bắt đầu lên lịch mổ cườm mắt sớm hơn cả mẹ.
Ông cũng bắt đầu khó tính hơn, hay cằn nhằn hơn, hay giận dỗi mẹ những chuyện không đâu. Nhưng dù ông vô lý đến thế nào, mẹ tôi luôn im lặng cho qua, chẳng mấy khi bà cãi lại.
|
|
Bố mẹ tôi và 42 năm cuộc đời bên nhau (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Tôi nghĩ, nếu giờ tôi hỏi mẹ câu hỏi như tôi từng hỏi bố ngày trước, rằng “Làm sao mà bố mẹ sống được với nhau?”, hẳn bà cũng sẽ trả lời như ông, rằng “Chỉ có nhường nhịn nhau thôi con à”.
Với hai chữ “nhường nhịn” mà thật nhiều yêu thương ấy, ông bà dắt tay nhau đi qua 42 năm cuộc đời, có hai con đủ nếp đủ tẻ, có dâu có rể, cháu nội và cháu ngoại đủ đầy. Bố tôi đến giờ vẫn đi làm, chưa chịu về hưu, những buổi trưa ông về nhà muộn, luôn có mẹ chờ cơm. Ông bà đi đâu, làm gì cũng có nhau, dù là đi ăn một bữa tối bún riêu ngoài hàng hay pha một ấm trà ngồi xem tivi trong phòng khách. Mỗi lần về thăm nhà, nhìn bố mẹ sum vầy hạnh phúc bên nhau, tôi cảm thấy mình thật may mắn và đủ đầy.
Vậy nên, nếu ai hỏi tôi vì sao vẫn tin vào tình yêu nhiều như vậy, dù đã đi qua thật nhiều đổ vỡ, tôi sẽ trả lời rằng vì tôi đã may mắn được nuôi dưỡng trong một cuộc hôn nhân tốt đẹp nhất tôi từng biết.
Tình yêu của bố mẹ chính là nền tảng để tôi tin vào tình yêu đôi lứa và những điều tốt đẹp mà một tình yêu chân chính có thể mang lại cho cuộc đời này. Và tôi tin mình cũng sẽ may mắn như thế, sẽ có một tình yêu "thiên trường địa cửu" và một người bạn đời luôn nắm chặt tay đi qua bão giông. Chắc chắn là như thế!
Theo phụ nữ TPHCM