Ba mẹ tôi nên nghĩa vợ chồng mà không hề quen biết nhau trước. Ông nội làm ruộng trước nhà ông ngoại, thấy mẹ tôi ngoan hiền nên vào nhà xin hỏi cưới mẹ cho ba tôi. Vài tuần sau đó, ông bà nội dẫn ba đến nhà ông bà ngoại bỏ rượu.

Nhìn ba tôi ốm nhom, mặc quần ống loe, tóc nhuộm vàng, đứng khoanh tay ra vẻ hiền lành trước mặt gia đình 2 bên, mẹ tôi nén nước mắt vào trong. Khi nhà trai về, mẹ chạy ra sau nhà khóc nức nở. Ông bà ngoại thương con gái, nói nếu mẹ không chịu lấy ba tôi thì ông bà sẽ muối mặt đi trả rượu. Thương ông bà ngoại, mẹ tôi đành chấp nhận.

Tiếng tăm ba tôi, theo mẹ "điều tra" thì có nhiều chuyện không tốt. Ba tôi là con một trong gia đình khá giả, được nuông chiều nên thường trốn học đi chơi. Với thành tích quậy phá nên năm nào ba cũng phải chuyển trường. Lúc đi hỏi cưới mẹ, ba tôi vừa mới rớt tú tài. Càng nghe, mẹ tôi càng sợ. Mẹ tôi khá đẹp, lại đang học sư phạm năm thứ nhất. Thời xa xưa đó, nhà nào có con học sư phạm rất có giá. Gần ngày cưới, vì cảm xúc không ổn, mẹ tôi đòi từ hôn. Tuy nhiên, khi được anh trai chở gần đến nhà ba, mẹ lại hối cậu tôi quay ngược lại. Mẹ sợ ông bà ngoại mang tiếng.

Cuối cùng, mẹ về làm vợ ba tôi khi bước vào tuổi 21. Mẹ về nhà chồng trong tâm thế hoang mang, sợ gặp cảnh "chồng chúa vợ tôi", sợ cảnh lấy phải ông chồng không ra gì. Nhưng sống chung, mẹ tôi ngỡ ngàng nhận ra ba tôi tốt đẹp hơn vẻ bên ngoài nhiều. Ba tôi được ông bà nội cưng chiều nên học đòi, ăn mặc, để tóc tai theo kiểu công tử nhà giàu, thực chất, ba tôi rất hiền và chân thật.

Mới về làm dâu, mẹ tôi còn nhiều bỡ ngỡ, ba chỉ dẫn cho mẹ tôi cách cư xử, biết nói khéo với ông bà nội để mẹ tôi toàn tâm lo việc học. Ba tôi xin phép ông bà nội cho ba mẹ được lên tỉnh thuê nhà trọ học hành cho xong chương trình sư phạm của mẹ. Theo gương mẹ, ba tôi thi lại tú tài rồi thi vào ngành sư phạm Toán.

Mẹ ra trường, ông nội xin cho mẹ tôi đi dạy cấp I gần nhà. 2 năm sau ba tôi cũng tốt nghiệp, về dạy cùng trường với mẹ. Thời đó cấp I và cấp II chung một trường. 5 anh em tôi ra đời, lớn lên trong thời buổi cả nước còn nhiều khó khăn. Lương giáo viên của ba mẹ cùng với đất nông nghiệp của gia đình không đủ trang trải cuộc sống cho gia đình đông con. Mẹ tôi bàn với ba nuôi heo. Không đắn đo, ba đồng ý ngay.

Kể từ đó, mẹ tôi một buổi đi dạy, một buổi ra đồng làm ruộng và chăn nuôi. Ba tôi thì vừa đứng lớp vừa trông coi đàn heo. Mẹ tôi làm từ sáng sớm đến tối mịt không có ngày nghỉ.

Ba tôi cũng bận rộn không kém. Từ người không biết làm gì, được "cơm bưng nước rót" từ nhỏ, ba đã giành với mẹ việc thức đêm canh chừng heo đẻ, xắt chuối cây cho bầy heo ăn. Ba còn biết xuống ruộng nhổ cỏ phụ mẹ. Trí nhớ của tôi có hình ảnh ba ngồi xổm dưới gốc dừa thở dốc vì mệt, mẹ ngồi bên quạt mát cho ba.

Ấn tượng mà ba để lại cho anh em chúng tôi là sự từ tốn. Ngay cả khi chúng tôi làm sai, ba cũng không trách mắng nặng nề mà chỉ nhẹ nhàng hỏi lý do. Còn nhớ, khi 2 anh tôi trốn học đi đánh bida, mẹ giận tím mặt nhưng ba không nói gì, chỉ bắt 2 anh nằm xuống bộ ván gõ trong nhà. Ba giơ cây roi lên hỏi: "Tụi con có biết mình phạm tội gì không?". 2 anh trả lời rồi thút thít khóc. Ba quất mỗi đứa một roi rồi bắt xin lỗi. Chúng tôi vẫn nhớ như in lời xin lỗi mà khi bất kể ai bị đòn cũng lặp lại: "Con xin lỗi ba/mẹ, lần sau con không dám nữa".

Nhà chúng tôi có nhiều buổi quây quần dưới ánh trăng, ba mẹ kể chuyện xóm làng, họ hàng rồi kể gương con cái người này học giỏi, con nhà kia chưa ngoan. Mỗi bữa cơm, ba hay kể về gương hiếu học hay hiếu thảo mà ba đọc được trên báo chí. Ba thường nhắc nhở con cái "học để thoát nghèo, học để hiểu biết".

Ba mẹ tôi đồng lòng trong cách dạy con, không bênh vực khi con sai. Khi tôi học lớp Bốn do mẹ tôi chủ nhiệm, vì sợ mẹ nên tôi luôn cố gắng học nhất nhì trong lớp. Tôi lén đọc bài tập làm văn của đứa bạn có điểm cao hơn mình rồi sửa điểm cho nó thấp hơn tôi trước khi mẹ tôi vào sổ. Trò ma mãnh này không qua khỏi mắt mẹ tôi. Mẹ nói một câu làm tôi thấm cả đời: "Con không được gian dối, làm người thì phải trung thực."

Với mẹ, ba đối xử rất nhẹ nhàng. Mỗi lần mẹ bệnh, ba mang cháo bưng đến tận giường cho mẹ ăn. Ba luôn túc trực lấy thuốc, mang nước cho mẹ uống. Khi ba bị tai nạn, dù chân đau khớp phải đi khập khiễng, mẹ luôn dành phần làm vệ sinh, bóp tay chân cho ba.

Tóc mẹ bạc, ba giành phần nhuộm cho bà. Ba mẹ tôi không bày tỏ tình cảm cho nhau bằng lời nói. Chưa bao giờ ông bà nói tiếng yêu thương với nhau qua bao năm tháng chung sống, nhưng họ luôn dành cho nửa kia sự trân trọng và biết ơn.

Tóc mẹ bạc, ba tôi luôn giành phần nhuộm cho mẹ (ảnh tác giả cung cấp)
Tóc mẹ bạc, ba tôi luôn giành phần nhuộm cho mẹ tôi (ảnh tác giả cung cấp)

 

Được trưởng thành từ mái nhà ấm áp, anh em chúng tôi luôn nhắc nhở nhau noi theo gương ba mẹ sống trung thực, luôn biết ơn và cư xử tử tế với người xung quanh mình. Có lẽ vì vậy, dù làm nghề buôn bán hay luật sư - những ngành nghề theo tôi luôn thử thách lòng trung thực - các anh chị tôi luôn được khách hàng yêu mến bởi sự chính trực của mình.

Theo phụ nữ TPHCM