leftcenterrightdel
 Ba mẹ tôi thường rủ nhau đi du lịch (ảnh Nguyễn Lan)

Thập niên 80 của thế kỷ trước, hôn nhân ở quê tôi vẫn chủ yếu do mai mối, nhưng trái tim mẹ tôi thổn thức khi gặp ba tôi lúc hai người chừng 18-19 tuổi (ba tôi sinh năm 1964, mẹ sinh 1965).

Ba tôi là công an xã, trụ sở nơi ông làm việc cách nhà ngoại tôi 3 căn. 2 người trẻ nhanh chóng bắt sóng và tình yêu này nở. Thế nhưng ba mẹ tôi phải yêu trong sự lén lút, giấu giếm vì ông ngoại tôi rất khó tính.

Ba tôi nhớ mẹ thì kiếm cớ đi mua đồ để đảo qua đảo lại nhà tôi. Còn mẹ tôi bồng con dì Hai qua gần trụ sở công an chơi (nơi đó có những miếng gạch bông rất đẹp, trẻ con rất thích). Rồi ba tôi tranh thủ đến nói chuyện với… chị họ tôi.

Trong xóm nhiều tai mắt. Có người báo "thấy thằng Dũng (ba tôi) công an nói chuyện với con Nghiêm (mẹ tôi)" nên ông ngoại cấm mẹ bén mảng đến trụ sở công an. Ba mẹ tôi chuyển qua giao tiếp bằng thư. Những cánh thư tình được gửi qua gửi lại như người xưa đi làm tình báo. Ba mẹ tôi viết thư rồi vờ đi ngang giấu vội khi thì gốc gòn, khi thì gốc vú sữa, cây rơm... mỗi ngày 1 địa điểm để qua mắt ông ngoại.

Niềm vui của ba mẹ tôi là chơi với cháu ngoại
Niềm vui của ba mẹ tôi là chơi với cháu ngoại (ảnh tác giả cung cấp)

 

Buổi tối, mẹ tôi và dì Năm không được ra khỏi nhà. Mỗi khi có gánh hát về diễn tại chợ là ba mẹ tôi mừng húm, vì đó là cơ hội hiếm hoi có thể hẹn hò. Thế nhưng, ông ngoại cắt cử cậu Bảy canh mẹ tôi, dì Út canh dì Năm tôi.

Cậu Bảy luôn bám sát ba mẹ tôi. Mẹ tôi cho tiền để cậu đi mua bánh, mua nước uống và dặn đi mua nước ở quán xa xa. Ba tôi hồi tưởng: “Vậy mà chẳng hiểu bằng cách nào (hay tại trong mắt người đang yêu thì thời gian qua quá nhanh) cậu Bảy con luôn quay lại rất nhanh. Thời đó yêu nhau ý tứ lắm, ba mẹ muốn nắm tay nhưng không dám. Đến khi ba có dũng khí chuẩn bị nắm tay mẹ con thì cậu Bảy xuất hiện, ba phải lảng đi chỗ khác. Có khi ba mẹ trốn cậu Bảy ra bờ sông hẹn hò. Trăng thanh gió mát, rất lãng mạn, nhưng lót dép ngồi chưa nóng chỗ thì đã nghe tiếng cậu Bảy ầm ĩ: "Tư ơi, em về trước nghen". Mẹ con phải trình diện ngay, vì cậu về mà không có mẹ con thì no đòn với ông ngoại”.

Cuối cùng ba mẹ tôi đánh bài ngửa với cậu Bảy, cho cậu tôi tiền để cậu ngó lơ 15- 30 phút. Tuy nhiên, khi bị ông ngoại khảo, cậu Bảy đã vội khai hết. Ông ngoại bắt chia tay, cấm mẹ tôi gặp, hay nói chuyện với ba.

Nhà nội nhờ người xin cưới mẹ tôi, ông ngoại không đồng ý. Ông hứa gả mẹ tôi cho một gia đình giàu có ở Tầm Pha - cách nhà ngoại 3km. Ba mẹ tôi chia tay trong nước mắt, tức tưởi. Thế rồi gần đến đám hỏi, mẹ tôi bạo gan đi "hồi" nhà trai và về thông báo với ông ngoại tôi: "Nếu ba không gả con cho anh Dũng thì con ở vậy suốt đời. Ba ép con lấy chồng thì con tự tử chết". Ông ngoại dọa đánh, cấm cửa đủ cách mẹ tôi vẫn "con chỉ ưng anh Dũng".

Trước sự quyết liệt của con gái, ông ngoại tôi đành chiều ý, gả mẹ cho ba tôi. Tưởng đã xong, nhưng tình yêu của ba mẹ tôi luôn chịu thử thách. Nhà nội tôi đi xem ngày cưới, thầy bói nói tuổi Dần và Mẹo của ba mẹ tôi... "bất sang, tuyệt mạng". Thầy còn "hù" nếu cưới thì 3 ngày sau "bà nội tôi lên bàn thờ ngồi".

Và ông thầy đưa cách giải: ngày rước dâu về nhà chồng, mẹ tôi phải đi vòng cửa sau. Cả nhà ngoại sốc khi nghe yêu cầu này. Vì quan niệm ngày xưa, những cô dâu vào nhà chồng từ cửa sau là những người mang thai trước. Mà ngày xưa, mang thai trước khi cưới là sự xấu hổ, "bôi tro trát trấu" vào cha mẹ, gia đình, dòng họ. Vốn đã không thích ba tôi, lại thêm điều này nên ngoại tôi tuyên bố "không gả!".

Ba mẹ tôi thời mới yêu nhau, lén ngoại ra tỉnh chụp hình.
Ba mẹ tôi thời mới yêu nhau, lén ngoại ra tỉnh chụp hình (ảnh tư liệu gia đình)

 

Mẹ tôi khóc lóc, bỏ ăn, đến mức ngoại tôi đành phải gạt sĩ diện qua một bên. Ngày cưới, cả nhà ngoại buồn, chỉ mẹ tôi vui. Thậm chí, buổi tối mẹ phải ngủ ngồi để giữ tóc búi cô dâu không bị xẹp (ngày xưa đường xa, qua phà khó khăn, nên cô dâu phải qua Long Xuyên búi tóc, trang điểm trước 1 hôm).

Mẹ kể: "Ngày xưa mẹ làm cô dâu đẹp lắm. Mẹ búi tóc thả lọn hai bên, mặc áo dài màu đỏ, khoác áo voan trắng bên ngoài, đầu đội khăn voan thướt tha và ôm bó huệ trắng. Ba con xuống rước mẹ mà cười tủm tỉm suốt. Ba mặc áo dài, cũng phong độ, đẹp trai lắm nghen". Tiếc rằng, do mẹ "đi cửa sau" nên không được chụp hình. Điều đáng tiếc nhất của mẹ trong cuộc tình với ba là không có tấm ảnh cưới nào.

Nghĩ mà thương mẹ và ngoại tôi. Mẹ đã yêu ba bằng một tình yêu to lớn, sâu đậm và chấp nhận hy sinh danh dự để được đến với nhau. Còn nhà ngoại tôi danh giá nhưng đành chấp nhận những lời trách cứ của họ hàng, vì đã "hạ mình làm sui với gia đình không môn đăng hộ đối, rồi còn chịu nhục khi để cho con gái đi cửa sau".

Thế rồi ngược với lời phán không hạp tuổi của ông thầy bói, từ khi mẹ tôi làm dâu thì nhà nội tôi liên tục ăn nên làm ra. Lúa, khoai thì trúng mùa, bò mau lớn lại có giá... và hơn 1 năm sau mẹ mới sinh tôi (1986) nên câu chuyện có bầu trước khi cưới không ai gièm pha nữa.

Mẹ tôi thì trở thành con dâu cưng của nhà nội từ bấy cho tới nay. Mẹ kể: "Sáng mẹ dậy bà nội đã mua sẳn tô hủ tiếu, trưa là có chén đậu hủ. Các chị em chồng thì không cho mẹ giặt đồ, rửa chén. Tính ra mẹ không phải làm dâu như ngoại lo, vì nhà nội quá đông".

Năm nay - tròn 40 năm ba mẹ tôi về chung nhà. Dù đã ở tuổi xế chiều, và cũng có lúc cơm không lành canh không ngọt, nhưng tình yêu của ba mẹ vẫn bền chặt. Ba tôi giữ thói quen mỗi sáng dậy sớm mua thức ăn sáng về cho mẹ. Khi mẹ đau bệnh, ba nấu cháo, bóc từng viên thuốc cho mẹ. Mẹ tôi vẫn ngày ngày chăm chút căn bếp. "Ba con thích ăn cá, ăn mắm kho", mẹ đã vì ba thay đổi cả thói quen ăn uống, sở thích.

“Mỗi người vì nhau một chút, nhịn nhau một chút, xuống nước một chút” là bí quyết để ba mẹ tôi - 2 con người khắc khẩu như nước và lửa - bên nhau hơn nửa đời người.

Theo phụ nữ TPHCM