46 năm sống cùng nhau là bấy nhiêu năm mẹ tôi dậy sớm pha cà phê cho chồng. 10 năm nay, mẹ vẫn giữ thói quen ấy; chỉ khác là mẹ còn lại một mình, ba đã ở thế giới bên kia.

leftcenterrightdel
 Ba mẹ tôi thời trẻ (Ảnh do tác giả cung cấp)

Ba mẹ tôi đến với nhau như người ta hay nói, là do duyên số. Mẹ tôi kể, ngày ấy ba hiền nhất trong số những người đến tìm hiểu mẹ. Không hiểu sao đi tán gái mà ba mở miệng không ra. Các chú khác nói cười huyên thuyên, ba cứ ngồi lặng lẽ cười tủm tỉm.

Ngày ấy, mẹ tôi là cô thợ may học việc trong một tiệm nhỏ ở chợ. Ba tôi dùng chiêu mưa dầm thấm lâu, ông thường xuyên đến chơi, phụ giúp mấy thứ lặt vặt nhưng không nói câu nào. Có lẽ sự “khác biệt” này cùng với nét thư sinh của ông đã khiến mẹ tôi cảm mến.

Không một lời tán tỉnh, thế mà họ nên duyên. Anh em tôi lần lượt ra đời. Mẹ tôi sinh tới 7 người con và tôi là kết quả của lần "vỡ kế hoạch". Là “con mót”, con út, tôi được ba mẹ cưng chiều lắm, dù cuộc sống không khá giả gì.

Ba mẹ tôi đã cùng nhau trải qua những tháng ngày gian khó vì đông con. Ba làm đủ thứ nghề để duy trì cuộc sống, từ đạp xích lô đến cắt dán vàng mã. Mẹ cũng vậy, bà xoay xở đủ việc. Ngoài may, bà còn chằm nón, nấu bánh canh để bán.

Vất vả là thế nhưng ba mẹ lúc nào cũng gọi nhau “anh”, “em”. Nghèo, lam lũ nhưng ba mẹ tôi vẫn quan tâm chăm sóc nhau từng tí một. Mẹ chăm chút cho ba từng miếng ăn, lấy sẵn mấy chai nước trà để ba đạp xe khỏi khát. Đặc biệt, mẹ hay mua rượu ngon để tối về ba nhấp chút cho đỡ mỏi xương.

leftcenterrightdel
 Lúc về già, ông bà vẫn thích chụp ảnh cùng nhau (Ảnh do tác giả cung cấp)

Ba tôi bao năm vẫn không nói lời hoa mỹ, nhưng hành động của ông thể hiện sự quan tâm mẹ con tôi rất nhiều. Ngày nào đông khách, ba trở về nhà với một ít quà. Tôi vẫn nhớ chiếc bánh bao ba mua về háo hức chia cho mọi người trong nhà (riêng ba không ăn vì ông bảo không đói). Đó là chiếc bánh ngon nhất trên đời mà tôi được ăn. Nó có vị béo của thịt mỡ, mùi hăng hắc của vôi và cả… vị mồ hôi ba đạp xe giữa nắng hè.

Hồi bé tôi cứ hay thắc mắc vì sao ba cưới được mẹ? Mẹ tôi đảm đang khéo léo lại nấu ăn ngon. Còn ba hiền lành, ai nói gì cũng cười. Khi lớn lên, tôi hiểu đó là quy luật bù trừ. Ba mẹ tôi đã bù đắp cho nhau để tạo nên 2 mảnh ghép vừa vặn.

Mấy chục năm chung sống, ít khi ba mẹ tôi xa nhau quá lâu, cũng hiếm khi ông bà to tiếng với nhau. Khi con cái lớn hơn, cả 2 ông bà lại cùng nhau đi thăm con cháu.

Biến cố lớn nhất với gia đình tôi xảy ra vào mùa xuân năm 2014 khi ba tôi lâm bệnh. Mẹ tôi giấu không cho ba biết ông bị ung thư. Khối u trong phổi đã di căn khiến ông thở nặng nề. Sợ vợ con đêm hôm chăm mình khó nhọc, ba âm thầm chịu đựng những cơn đau. Ông cố lạc quan gượng cười khi chúng tôi gọi điện về: “Tụi bay yên tâm. Ba không chi mô, mai mốt khỏi chừ!”.

Anh chị em chúng tôi lập nghiệp xa, nên thường xuyên thay nhau về nhà thăm ba. Mỗi lúc trở về, tôi xót xa thấy cơ thể ba thêm hốc hác. Hốc mắt ông trũng sâu, cặp chân mày thêm bạc và dài, duy chỉ có nụ cười vẫn vậy, hiền khô. Tôi luôn phải cố kìm lòng để nước mắt không chực trào ra.

Mẹ tôi buồn lắm. Bà sụt hẳn cân nặng. Mẹ ngồi bóp chân, xoa lưng cho chồng mà ánh mắt xa xăm. Biết ba khó qua khỏi, mẹ nói cho ba biết bệnh tình. Điều lạ kỳ là ba bình thản đón nhận và nhờ tôi tìm mua cho được quyển sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư Đỗ Tất Lợi. Thì ra, ba ao ước có được quyển sách này từ lâu nhưng tiếc tiền không mua. Tới khi có rồi, ba lại đọc dở dang…

Mùa thu năm ấy, ba đã rời xa mẹ con tôi mãi mãi. Tôi còn nhớ như in tiếng mẹ gọi ba lúc đưa tiễn: “Anh ơi!”.

leftcenterrightdel
 Hễ rảnh, chúng tôi lại quây quần bên mẹ để bà đỡ buồn (Ảnh do tác giả cung cấp)

Chỉ còn 2 tháng nữa là tròn 10 năm ba rời xa cõi tạm, xa mẹ con chúng tôi. Mẹ tôi nay đã sang tuổi 80, tai bà đã nặng không còn nghe rõ, đi lại cũng khó khăn. Nhưng mỗi lần kị (giỗ - tiếng địa phương Thừa Thiên - Huế) ba tôi, dù chúng tôi thuê người đến nấu, mẹ vẫn tự tay làm 1 mâm cơm, cúng những món ba thích. Mẹ nói: “Ba tụi bay chỉ thích ăn món mạ nấu. Ai nấu sợ không hợp khẩu vị, ông ấy lại buồn...”.

Tôi luôn mong ước có một tình yêu giống như của ba mẹ. Họ yêu thương nhau chân thành, thương nhau vì nghĩa, vì tình. Dù trải qua bao thăng trầm cuộc đời, họ vẫn nắm chặt tay nhau đến phút cuối cùng.

Theo phụ nữ TPHCM