“Dì hối hận ghê con! Hồi đó anh Út lấy vợ rồi, dì không cho ở riêng cho khỏe!”. Chưa ngồi yên trên ghế, ly trà chưa kịp uống, tiếng dì đã buông ra.

Không hiểu sao, tôi không nghe ra nỗi buồn, chỉ nghe như một lời giãi bày nỗi lòng của một người mẹ có lẽ đã lâu lắm không nói được với ai.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính chất minh họa -Shutterstock

Dì kể chuyện tiền bạc đưa cho anh hết lần này đến lần khác. Dì kể về những thờ ơ của vợ chồng anh trong cuộc sống thường nhật. Dì kể về những trưa ít khi thảnh thơi đặt lưng nằm nghỉ, những tối chưa có nhiều đêm ngon giấc vì lát là cháu réo: “Nội ơi, nội ơi…..”.

Lâu lâu dì thèm được đi thăm mẹ tôi, 2 chị em đi chơi đâu đó một chuyến mà sao khó khăn, thậm chí không biết khi nào thực hiện được. Ly trà chưa cạn, dì đã quầy quả xách giỏ đứng lên cho kịp buổi chợ sáng để mua miếng thịt ngon, kho tiêu cho chị dâu, chị đang ở cữ…

Bóng lưng đã không còn thẳng thớm của dì khuất hẳn sau cánh cửa, tôi vẫn ngồi thật lâu, dõi theo dì, theo những người đàn bà đang tất tả ngược xuôi ra chợ rồi về trong buổi sớm mai! Một câu hỏi cứ dội lên trong tâm trí tôi: Con bao nhiêu tuổi thì mẹ hết nhọc nhằn?

Có tuổi lớn nào cho con trong trái tim của những người mẹ xứ mình? Tôi định hỏi dì, nếu anh Út ra riêng, cho dầu ở xa mắt không nhìn thấy mỗi ngày hay quây quần xúm xít trên mảnh đất hương hỏa của gia đình, thì dì có chắc “khỏe” không? Dì có chắc ngủ một đêm đến sáng không trăn trở không? Cháu tôi nhỏ xíu, mẹ sinh em bé nhỏ, dì có không tất tả đi nuôi không? Anh tôi không có tiền làm ăn thiếu trước hụt sau dì không đưa sao?

Nhưng tôi không hỏi, vì tôi cũng là người mẹ. Tôi biết, trái tim người mẹ sẽ không bao giờ thôi nghĩ, thôi lo, thôi thương, thôi bảo bọc những đứa con. Chỉ khác ở chỗ nói ra hay không, cách này hay cách khác.

Ngày đưa con mình đi học mẫu giáo, nhìn thằng bé lũn cũn đeo chiếc balo nhỏ xíu quay lại chào mẹ rồi khuất sau cánh cửa, lần đầu tiên tôi hiểu được cảm giác có cái gì như hơn một phần thân thể bị lấy đi rất nhiều lần. Cả ngày không làm được việc gì, tôi an ủi mình rằng tại con còn bé, tại ngày đầu tiên con đi học. Mai này, khi con quen rồi, lớn rồi, mẹ sẽ không còn lo lắng như thế nữa.

Thế nhưng, khi con đã vào đại học, mỗi lần con đi đâu xa lái xe một mình, là tôi ngồi im mở những trang sách ra đọc. Tôi tự dỗ mình rằng con lớn rồi, con sẽ ổn, mình không cần lo lắng, mình “khỏe” rồi, đã đến lúc có thể sống cho chính bản thân, đi đến những nơi ngày xưa mình ao ước, gặp người mình muốn. Toàn tâm toàn ý với thời gian không còn nhiều của mình nữa, khi đôi chân đã có dấu hiệu mỏi, tóc trên đầu đã có nhiều sợi trắng...

Nhưng tôi có làm được đâu, những trang sách trượt qua tay, những con chữ trượt qua mắt như người chưa từng biết chữ. Cho đến khi con đến nơi an toàn…

Tôi nhớ, có những chị đồng nghiệp đã về hưu. Thi thoảng gặp hay nhắn tin chào hỏi nhau, gần như người nào cũng nói đúng một ý: “Ở không, không bận rộn buồn ghê em à. Hồi làm túi bụi, ăn không kịp thở, tưởng hưu là được tha hồ khỏe khoắn. Thật ra không phải đâu em. Lo lắng bận rộn thậm chí áp lực - vừa đủ - nó khiến mình vui hơn những ngày quá nhiều thời gian rảnh nha em!”

Dì có khi nào tưởng tượng ở tuổi 75, cả ngày ra vào trong ngôi nhà thênh thang im ắng với ông già bạn đời cũng gần 80, lúc nghe được lúc không nghe, ngồi yên gần như một chỗ. Không nghe tiếng trẻ con, không nghe bước chân người, không nghe tiếng í ới gọi nhau, càm ràm nhắc nhở, dặn dò... liệu dì có vui? Những đồng tiền để trong tủ, trong ngân hàng, khi con cháu chật vật kiếm sống làm ăn, dì liệu có vui? Tôi mơ hồ nhận ra, hình như ở đời này làm cái gì cho người khác, người được vui nhất, lợi nhất có lẽ là chính mình.

Tôi muốn hỏi dì, có khi nào không khỏe như vậy, lo toan như vậy, chính là hạnh phúc không?

Theo phụ nữ TPHCM