Cái ôm đầu tiên giữa ông Ken và bà Lan tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM, ngày 12/9 sau 50 năm xa cách. Ảnh: Hiền Đức.
Gần 22h, khi cả gia đình chờ ở cửa ra dành cho hành khách quốc tế đáp chuyến bay đến TP HCM, bà Lan, tên thật là Vũ Thị Vinh, 67 tuổi, kiên quyết đứng ở cột số 12, mặc cho mọi người nói rằng bà nên tìm một chỗ ngồi để đỡ mệt.
Hai tháng trước, khi ông Ken Reesing chia sẻ ý định qua Việt Nam gặp, bà Lan từng từ chối.
"Cô không muốn ông ấy phải đi một mình, xa xôi quá. Cô có người em gái ở Mỹ, Tết này sẽ về chơi, vì vậy cô có đề xuất Ken là đợi đến Tết để về cùng em gái cô. Ông ấy không đồng ý, nhất quyết muốn qua vào tháng 9", bà Lan kể.
Hơn một tiếng sau khi chuyến bay quá cảnh từ Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cựu binh Mỹ vẫn chưa xuất hiện. Bà Lan vẫn đứng, hồi hộp chờ đợi nhưng không quên nở nụ cười tươi rói mỗi khi nhắc tới người đàn ông nói chuyện qua điện thoại với bà hàng ngày trong vài tháng gần đây.
"Cô hồi hộp lắm, lúc nãy ông ấy mới nhắn tin nói là đang quá cảnh ở Nhật, cuối cùng thì cũng sắp gặp được nhau rồi", bà nói.
người phụ nữ Việt Nam đang đợi trong tà áo dài.
"Tôi cần đến cột số 12", ông nói trong lúc kéo hành lý. Người đàn ông ở tuổi 71 dẫu mệt mỏi sau hành trình hơn 14.000 km nhưng vẫn tươi cười khi thấy bóng dáng bà Lan từ phía xa.
Thấy người mình từng yêu bước tới với bó hoa trên tay, bà Lan bật khóc và dang rộng vòng tay chào đón ông. Họ vỡ òa trong những giọt nước mắt hạnh phúc và lời thì thầm yêu thương.
Ông Ken thỉnh thoảng dùng tay lau nước mắt cho người phụ nữ đang ôm mình. Ông cũng bật khóc.
"Điều đầu tiên tôi nói với Lan là lời xin lỗi, xin lỗi vì tôi đã không thể thực hiện lời hứa quay lại sớm hơn... Tôi đang mặc chiếc áo kiểu quân đội giống trong bức ảnh 50 năm trước, để Lan nhận ra tôi", ông Ken chia sẻ với VnExpress tại sân bay.
Bà Lan khóc khi lần đầu gặp lại ông Ken sau 50 năm tại sân bay Tân Sơn Nhất đêm 12/9. Ảnh: Hiền Đức.
Khác với lần đến Việt Nam vào năm 1969, chuyến đi lần này được ông Ken miêu tả "tuyệt vời và kỳ diệu". Sự hồi hộp khiến ông chẳng thể chợp mắt trong suốt chuyến bay.
Họ cùng nhau về Biên Hoà, nơi bà Lan đang sống trong căn nhà cấp bốn và bán cháo trắng để mưu sinh. Họ sẽ dành thời gian đi du lịch và tổ chức sinh nhật 3 tuổi cho cháu ngoại của bà Lan. Ông Ken đề xuất đi biển và nhận được cái gật đầu ngay sau đó từ người phụ nữ đứng bên cạnh.
Cả hai muốn "cuộc hội ngộ như một giấc mơ đẹp" này diễn ra tự nhiên, không gượng ép.
"Tôi còn muốn thuê xe máy để chở Lan và học tiếng Việt để nói chuyện với mọi người trong gia đình cô ấy", cựu binh Mỹ nói trong những giọt nước mắt.
Bà Lan không quên giới thiệu từng thành viên trong gia đình mình với ông Ken. Họ trò chuyện hàng ngày qua màn hình điện thoại và coi ông như người trong nhà. Em trai của bà Lan cho biết cả gia đình thường xuyên gửi ông Ken hình ảnh về hoạt động thường ngày của họ.
Ông Ken và các thành viên trong đại gia đình của bà Lan tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 12/9. Ảnh: Hiền Đức.
Ông Ken gặp bà Lan tại một bán bar dành cho binh lính Mỹ trong căn cứ Long Bình vào năm 1969 khi ông đến Việt Nam tham chiến. Nhưng cả hai bị chia cách vài tháng sau đó khi Ken trở về Mỹ. Những lá thư trở thành cầu nối duy nhất giữa hai người yêu nhau cách nửa vòng Trái đất. Trước khi chia tay, chàng thanh niên Ken khi đó mua 50 chiếc phong bì đưa Lan và hứa khi chiếc phong bì cuối cùng được gửi đi, ông sẽ quay lại tìm mối tình đầu của mình. Nhưng lời hứa đã không thực hiện và hai người mất liên lạc.
Ông Ken sau đó nhiều lần tìm kiếm người con gái Việt Nam ông từng yêu năm xưa nhưng không thành công. Ông đã nghĩ rằng Lan có thể đã qua đời.
50 năm sau, dẫu muộn màng, lời hứa về cuộc hội ngộ đã được thực hiện.
Theo
vnexpress