No nê món “Tây”
Hiếm ai mê ẩm thực mà chưa từng bước chân đến khu chợ Campuchia trên đường Lê Hồng Phong (Q.10). Bởi hàng hóa, chợ này còn nổi danh với các món ăn ngon không thể cưỡng lại.
Chợ mở cửa từ sáng sớm đến chiều tối. Theo lời nhiều người kể lại, khu chợ này được hình thành tại đây vì kể từ năm 1970, sau nhiều biến động lịch sử, con đường Lê Hồng Phong trở thành nơi cư ngụ của nhiều Việt kiều ở Campuchia lẫn người gốc Campuchia.
Ghé đến chợ Campuchia, đứng trước hàng chục các quán ăn với mùi vị hấp dẫn thì khó ai mà cầm lòng được. Đầu tiên phải kể đến món bún Num bo chóc của chú Tư Xê. Đến chợ Campuchia, chưa ăn bún Num bo chóc thì cũng chưa được nói là đã đến đây.
Vì đây là nơi duy nhất bán món bún Num bo chóc - một trong những đặc sản của người dân Campuchia. Chủ quán Tư Xê, một Việt Kiều Campuchia cho biết: “Món ăn này được nêm từ mắm bò hóc của người Campuchia cùng rất nhiều ngải bún màu vàng.
Bún num bo chóc
Bún Num Bo Chóc phải ăn chung với đậu đũa và bông điển mới đúng điệu”. Nếu là mê món bún mắm hay bún nước lèo ở Bạc Liêu, Sóc Trăng thì món bún Num bo chóc chính là món ăn mà bạn phải nếm thử một lần trong đời để thấy được sự đa dạng của ẩm thực.
Tuy nhiên, bạn đừng đến quán bún Num bo chóc mà ăn liền tù tì hai tô nhé. Bởi chợ Campuchia còn nổi tiếng với món hủ tiếu ốc chú Tũn. Quán mới mở nhưng đã được lòng nhiều thực khách mê ăn uống.
Theo chia sẻ của chủ tiệm, nước lèo phải nấu từ ốc tươi mới có được độ ngọt thanh, hòa thêm nước hầm xương để tăng thêm vị đậm đà. Đến quán hủ tiếu ốc chú Tũn ngoài hủ tiếu, thực khách còn có thể nếm qua các món dim sum có tạo hình dễ thương với giá chỉ 5.000 đến 10.000 đồng/cái.
Khu chợ này còn được mệnh danh là vương quốc chè với đủ các loại: chè đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu ván, chè bà ba, táo xọn, chè thưng, khoai môn, khoai lang, bột báng củ năng, bánh lọt bột nếp, bột năng, chè xôi nước bột nếp, xôi nước bột báng...
Dân hảo ngọt nào đến đây rồi thì đều ra về với cái bụng căng tròn. Trong hàng chục loại chè ấy, chè bí chưng (còn gọi là bí đỏ hấp sangkiar, hoặc bí trứng sữa) và chè hột me là “đặc sản”. “Chè bí chưng được làm bằng bí hấp và sữa đặc là món ăn được rất nhiều người lựa chọn bởi bí không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn ngon khỏi bàn”, chị Lan - một thực khách cho biết.
Chè bí đỏ hấp Campuchia
Theo chị Lan thì phải ăn chè của quán Cô Huôi thì mới là dân sành ăn vì “đây là quán chè lâu đời nhất tại chợ”. Chị Hà - con của bà Huôi cho biết: “Trước khi qua Việt Nam thì má tôi bán chè ở Campuchia. Hiện tại má tôi giao lại công việc này cho tôi”. Được biết, nguyên liệu được nhập hàng tuần từ Campuchia, và tất các các loại chè đều được nấu bằng đường thốt nốt.
Chia sẻ về cách nấu hai món chè “đặc sản”, chị Hà nói: “Chọn bí đỏ dẻo rồi khoét ruột, thêm hỗn hợp gồm sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng đã đánh đều, hấp cách thủy. Lúc hấp canh thời gian và lửa sao cho hấp xong trái bí vẫn còn nguyên hình dáng. Còn chế biến chè hột me tốn nhiều thời gian hơn khi phải tách lấy hột me. Đầu tiên phải rang hột me rồi mới đập vỏ, tiếp theo là phơi nắng rồi ngâm nước, tách vỏ. Hột mẹ khi được nấu đúng độ lửa sẽ đẻo và thơm”.
Bánh trứng rùa nhỏ bằng ngón tay cái với màu vàng ươm cũng là “món quà” mà người dân ở khu chợ Campuchia này dành cho thực khách. Bánh dẻo có vị bùi của đậu xanh hòa cùng vị béo của lòng đỏ trứng. Dù có hình dạng nhỏ xíu nhưng bánh được nhào nặn vô cùng công phu với lớp đường phủ bên ngoài lớp trứng mỏng. Nhân của bánh cũng làm từ bột đậu xanh.
Sau khi đã no nê với các món ăn trong chợ Campuchia, hãy tiếp tục khám phá một mặt hàng nổi tiếng khác là cá khô. Theo chia sẻ của các chủ tiệm ở đây thì các loại các khô được đánh bắt từ Biển Hồ (Phnôm Pênh).
Trong đó có một số loại khô nổi tiếng ở chợ này như cá sặc, cá tra biển hồ. Ngoài khô ra thì các có một vài mặt hàng khác như: mì tôm, bia, xúc xích, lạp xưởng cũng được lấy từ Campuchia sang. Chợ Campuchia cũng là nơi đây bày bán một số các loại lá thuốc mà chúng ta không thể mua ở nơi khác, chẳng hạn như lá sầu đông có tác dụng chữa bệnh đau lưng nhức mỏi hoặc các bệnh về xương khớp.
Muốn chợ nước nào, có chợ nước nấy Không đa dạng như chợ Campuchia nhưng chợ Nga (Q.1) là nơi dành cho nhiều người thích các thực phẩm đặc trưng của xứ sở Bạch Dương. Ngoài quần áo và giày dép, người ta có thể tìm thấy cá chép xông khói, trứng cá muối, hạt mạch, trứng cá hồi, bánh mì đen, xúc xích, thịt hộp. Không nhiều, nhưng cũng đủ để người ta nhớ về một nước Nga thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn.
Còn nếu muốn thưởng thức món Hàn thì còn chờ gì mà không ghé qua khu thực phẩm Hàn Quốc nằm sát chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình). Ở đây, bạn có thể tìm thấy rong biển, ớt bột, ớt xanh, bạch quả đến kim chi, gà hầm nhân sâm, hay lá mè, các loại mì, nước xốt, giấm.
Khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất cũng là nơi để người mê ẩm thực Hàn ghé. Bên cạnh, những nhà hàng Nhật, siêu thị Akuruhi - hay gọi là chợ Nhật chính là điểm đừng chân của những người mê nấu món Nhật.
Vì các mặt hàng được bán chủ yếu ở đây là thực phẩm như bột cá, rượu Shochu, cá Ayu, củ cải muối chua, mì Zauo Soba, cá bào, dưa leo chua... Bạn cũng có thể thưởng thức được hơn 20 món sushi khi ghé qua chợ Nhật với giá thành khá mềm.
Coco5 Bangkok Street Food không bán các thực phẩm để chế biến sẵn như ở chợ Nga, chợ Hàn hay chợ Nhật, lại không bán cả ngày như ở chợ Campuchia. Coco5 đi theo mô hình thức ăn đường phố khi bán tất tần tật các món ăn vặt của Thái Lan.
Với điểm “xuất phát” ở đường Nguyễn Huệ (Q.1) rồi dần dần “bành trướng” ra các con đường ở Quận 10 như Đồng Nai và Nguyễn Tri Phương, Coco6 trở thành điểm đến của giới trẻ mê ăn vặt. Các cửa hàng được trang trí đẹp, thức ăn bày biện bắt mắt và đa dạng. Nếu đang thèm đùi gà giòn xôi, somtam Thái, xôi xoài, heo nướng xiên… thì bạn không còn cách nào khác là chạy xe đến những nơi này!
Theo Sài Gòn ẩm thực