Thời gian đầu làm dâu Sài Gòn, tôi ngạc nhiên vì nhà chồng không có truyền thống quây quần trong bữa cơm gia đình. Chồng tôi nói do giờ giấc sinh hoạt, làm việc của mỗi người khác nhau nên ai muốn ăn lúc nào thì tự chủ động ăn uống.

Mẹ chồng tôi vẫn chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà đúng giờ nhưng bà thường là người ăn cuối cùng vì phải canh sau giờ uống thuốc. Ba chồng tôi tập luyện điều độ nên luôn ăn sớm nhất và cũng đi nghỉ sớm. Có lẽ nếp sinh hoạt này đang dần trở nên phổ biến trong xã hội công nghiệp ngày nay, khi mỗi thành viên trong gia đình đều phải chạy đua với thời gian để tranh thủ học thêm hay làm thêm.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Thế nhưng, mỗi lần ra Bắc thăm bố mẹ đẻ, tôi lại thấy nếp nhà mình bao năm qua vẫn không hề thay đổi. Cả gia đình tôi vẫn tề tựu đông đủ bên mâm cơm nhà vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ. Chị em tôi đã được bố mẹ rèn giũa thành người từ những bữa cơm nhà như thế.

 
***

Ngày xưa, mẹ tôi phải dậy từ khi mặt trời chưa ló dạng để đi chợ sớm hoặc làm đồng nên bữa sáng của mẹ thường chỉ là cơm nguội ăn cùng nước mì tôm. Hồi ấy, mẹ tôi hay mua loại mì tôm bán theo ký cho rẻ.

Vậy mà khi nấu, để tiết kiệm, mẹ còn bẻ đôi bánh mì tôm, để dành một nửa cho hôm sau. Trong cơn ngái ngủ, ngửi thấy mùi thơm của mì tôm len trong không khí là tôi biết chỉ vài phút nữa, mẹ sẽ ra khỏi nhà. Chị em tôi dậy muộn hơn, không có mẹ ở nhà nên đã quen đi học với chiếc bụng lép xẹp.

Buổi trưa mẹ không về, mấy bố con tôi ăn uống đơn giản cho xong bữa. Một đĩa rau muống luộc hoặc xào ăn cùng cà pháo và bát canh dấm lá me chua là đủ để chúng tôi vét sạch hạt cơm cuối cùng. Thỉnh thoảng, bố đổi bữa cho chúng tôi bằng đậu phụ rán và canh đậu rối với cà.

Có hôm, chờ chị em tôi đi học về, bố bắc chảo chiên trứng gà với cà chua thơm nức. Mâm cơm đơn sơ dù không có thịt cá vẫn luôn hấp dẫn chị em tôi vì bố nấu ăn rất ngon và còn bởi chiếc bụng đói đã sôi réo ầm ĩ sau giờ học ở trường.

Mẹ nói cả ngày bận rộn bên ngoài, bữa tối cả nhà phải cùng nhau quây quần để có không khí gia đình. Ngoài những dịp họ hàng, bạn bè có đám cưới, đám giỗ hoặc phát sinh việc quan trọng, suốt mấy chục năm qua, bố con tôi vẫn tuân theo răm rắp quy định ấy của mẹ.

Về sau, chị em tôi trưởng thành, dù bận việc gì cũng cố gắng tranh thủ về nhà ăn tối hoặc báo cả nhà cùng ăn sớm rồi mới đi. Nếu muốn dự liên hoan hay tụ tập cùng bạn bè, chúng tôi đều phải báo với bố mẹ từ bữa cơm tối hôm trước.

Trong bữa ăn, cả nhà tôi thường kể cho nhau nghe những câu chuyện góp nhặt suốt một ngày dài, chẳng hạn: hôm nay, anh A. sang mời cưới con trai vào ngày này tháng sau. Hôm ấy, mẹ tranh thủ về sớm ghé qua phụ 2 bác. Thằng N. lớp con hôm nay lại trốn học đi chơi điện tử bị cô gọi điện về cho mẹ. Hình như nước lại bị cặn rồi, chắc mai bố phải rửa bể. Tuần sau, lớp con đi tham quan đấy. Có phải anh T. thích chị không?… Những câu chuyện không đầu không cuối cứ vậy xuất hiện trong bữa cơm của gia đình tôi. Giờ nghĩ lại sao mà nhớ!

leftcenterrightdel
 Bữa cơm vui vẻ của một gia đình tại quận 10, TPHCM - Ảnh mang tính minh họa: Phùng Huy

Nhớ nhất là khuôn mặt chưa có nhiều nếp nhăn, mái đầu chưa có những sợi bạc của bố mẹ. Tôi còn nhớ những khi cả nhà đang nói chuyện vui vẻ, bố trêu làm mẹ giận, thế là thành cãi nhau. Thấy vậy, chị em tôi và vội bát cơm rồi trốn.

Tôi nhớ cả những bữa đến giờ cơm rồi mà mẹ vẫn chưa về. Tôi sang nhà bác Đoàn tìm, vừa tới cổng đã nghe giọng mẹ sụt sùi. Hóa ra mẹ dỗi bố nên không chịu về ăn cơm. Mẹ dỗi luôn chị em tôi vì không về phe mẹ. Hồi ấy, tôi thấy bố mẹ sao cũng giống trẻ con tụi tôi, thỉnh thoảng lại giận nhau chỉ vì một câu nói lỡ miệng.

***

Hóa ra có những chuyện nhỏ bé, thân thuộc như hơi thở khiến chúng ta bình thường không cảm nhận được sự hiện diện hay giá trị của nó, chỉ tới lúc không còn cơ hội trải qua mới nhận ra nó quý giá biết bao. Chính những giây phút bình dị, những câu chuyện vặt vãnh bên mâm cơm như thế lại trở thành sợi dây vô hình kết nối mỗi thành viên trong nhà với nhau.

Mọi xích mích, bất hòa lớn nhỏ đều có thể được kể ra, hóa giải trong bữa cơm nhà thân thương. Bởi vậy, khi tôi đi lấy chồng xa, mẹ cẩn thận dặn dò dù có chuyện gì cũng phải duy trì bữa ăn chung trong nhà. Nghe lời mẹ dạy, tuy cách sống của gia đình chồng tôi hiện đại, tự do nhưng tôi vẫn cố gắng xây đắp mái nhà nhỏ của mình từ những bữa cơm nhà như thế.

Cũng chính từ những bữa cơm nhà, chị em tôi được bố mẹ dạy biết bao quy tắc ứng xử làm người. Mẹ nói nết ăn là nết người. Dù luôn mặc cảm mình không học cao làm lớn nhưng mẹ đã dạy chị em tôi trở thành người tử tế, tự kiếm sống bằng sức lao động…

Từ nhỏ, chúng tôi đã tự biết phân chia công việc rõ ràng, ai nấu cơm rửa chén, ai trải chiếu dọn bát, ai chia đũa xới cơm… Chúng tôi được mẹ dạy trước khi ăn, con cháu phải mời từng người lớn trong nhà bắt đầu từ bậc cao nhất; trong bữa ăn, không được dùng đũa đảo bới thức ăn để lựa miếng ngon, miếng to nhất. Dù thích ăn món nào cũng không được chỉ gắp duy nhất món ấy vì món ngon ai cũng muốn ăn. Từ chuyện ăn uống, bố mẹ dạy chúng tôi cư xử lễ phép với người lớn tuổi, anh chị em trong nhà phải biết yêu thương nhau…

Những bài học nhỏ qua mỗi bữa ăn tự lúc nào đã ngấm sâu vào máu thịt, vào từng tế bào và trở thành cốt cách trong con người chị em tôi. Dẫu chúng tôi khi vào tuổi dậy thì hay đến tuổi muốn khẳng định bản thân từng có những lần cãi lời bố mẹ, khiến bố bận lòng, khiến mẹ rơi nước mắt… nhưng khi thời gian đi qua, chúng tôi vẫn kịp nhận ra và trở về bên mâm cơm nhà nhận lỗi với bố mẹ.

***

Từ khi ra trường, tôi bắt đầu sống xa nhà, xa Hà Nội, xa quê hương. Thời gian đầu, không ngày nào tôi không nhớ nhà, nhớ bữa cơm cả gia đình cùng ngồi ăn chuyện trò cười nói, nhớ những món bố mẹ nấu, nhớ những lời nhắc nhở dạy bảo của bố mẹ, nhớ cả những trận cãi vã, những giận hờn vu vơ…

Đã nhiều năm rồi, bữa cơm nhà với bố mẹ đã trở thành sự kiện khi nhắc tới chứ không còn là chuyện ngày thường. Mỗi năm dịp tết hoặc giỗ, cả nhà tôi mới có thể tụ tập đông đủ với số lượng thành viên tăng gấp 3. Mỗi lần chuẩn bị về, chị em tôi lại hò nhau qua các cuộc gọi video ngày này qua ngày khác cho đến tận ngày có mặt đông đủ ở nhà bố mẹ.

Tiếng cười, nói, hét, rồi cả tiếng khóc... lại ầm ĩ khắp nhà. Mẹ tất bật chuẩn bị đồ ăn từ hôm trước. Bố ngồi dưới nhà đón từng gia đình nhỏ trở về. Để rồi, sau mỗi bữa cơm như thế, ngôi nhà của bố mẹ lại quay về trạng thái yên tĩnh đến lạnh lẽo…

Bố mẹ mỗi năm một già đi. Đợt hè vừa rồi, tôi ra Hà Nội thăm bố bệnh. Ngồi ăn cơm, lén nhìn bố mẹ, tôi thấy những chấm đồi mồi trên khuôn mặt hốc hác của bố, thấy mái đầu bố chỉ còn lưa thưa mấy sợi tóc bạc vắt ngang đỉnh đầu, thấy trên mặt mẹ xuất hiện thêm nhiều vết chân chim mà nén nước mắt, vừa thương vừa sợ.

Nếu mỗi năm chỉ về 1 lần thì chúng tôi sẽ còn được ăn với bố mẹ bao nhiêu bữa cơm nhà đông đủ như ngày xưa?

Theo phụ nữ TPHCM