Sáng ngày nghỉ, tôi cho phép mình dậy trễ. Múc từng muỗng cà phê cho vào phin, tôi ngồi nhìn những giọt nâu đen chầm chậm rơi xuống. Từng giọt, từng chút một… đợi hồi lâu đã đầy nửa cái ly con con. Ý nghĩ của tôi chợt dừng lại ở khái niệm đầy - vơi, được rồi mất, lên rồi xuống. Đời người ai cũng phải đợi - đợi mưa, đợi gió, đợi bình an?
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Người xưa - như ông bà, ba mẹ, thế hệ trước mình - là những người rất có ý thức về việc đợi mưa, đợi gió. Hôm nay ăn no mặc ấm, trong đầu vẫn nghĩ đến những ngày đói lòng lạnh lẽo. Hôm nay vui cười hạnh phúc, vẫn nghĩ đến những chóng vánh tàn phai.
Nghĩ đến để góp nhặt, để gìn giữ, để chuẩn bị cho ngày trở gió, tựa cái cây sống lâu năm thì bộ rễ phải không ngừng xuyên qua lớp đất đá, cắm thật sâu vào lòng đất để vững chãi, chứ không phải nghĩ để bi quan, dè chừng hay toan tính.
Đang nói chuyện vui vẻ qua video với mấy chị em tôi, bỗng dưng mẹ ngồi im hồi lâu. Bình thường mẹ sẽ kể chi li hôm nay ăn gì, ba làm gì, nói gì, ai gọi điện, ai ghé qua nhà… Rời khỏi nhóm chat gia đình, tôi ngồi đợi mẹ gọi. Không ngoài dự đoán, mẹ nói ngay khi tôi bắt máy, giọng phảng phất những âu lo xa xôi của người nhiều tuổi.
Mẹ kêu tôi ở gần lựa lời nhắc nhở cô em gái. Mẹ nói một hơi, giọng nhiều lo âu; đại khái là làm vợ, đâu phải vì làm ra tiền, vì xinh đẹp, vì đang được yêu mà cả tuần không thổi lửa nấu 1 bữa cơm; hết giờ làm nay cà phê với bạn, đi ăn với đồng nghiệp, mai thể dục, mốt spa…
Cứ vậy thì 1 ngày còn được mấy lần nhìn mặt, chia sẻ với chồng? Làm vợ là góp nhặt những yêu thương, nương nhau một chút. Không tẩn mẩn góp nhặt, không vun vén, nhường nhịn nhau, mai này ân nghĩa ở đâu ra? Tôi giật mình, phải chăng hơn 70 năm cuộc đời, mẹ từng đi trong mưa gió không ít lần nên hiểu rằng bất trắc không chừa một ai, nên dẫu ngày nắng ấm vẫn luôn đợi gió, đợi mưa?
Đến giờ, tôi vẫn chưa bao giờ quên dáng bà nội ngồi nghiêng nghiêng bên hiên nhà vá áo, lâu lâu với tay xốc xốc mớ cơm nguội phơi khô trên cái mẹt nhỏ những trưa, chiều nắng chiếu. Cô tôi là thợ may, nhà cũng không khó khăn mấy, chuyện có cái áo lành hay chén cơm nóng không khó. Nhưng bà nội vẫn tranh thủ ngày rảnh, cặm cụi vá thật khéo những chiếc áo sờn rách, tháo ra may vào những áo quần đã chật, vẫn chắt chiu những hạt cơm nguội đem phơi, đợi ngày mưa dầm đem rang vàng rồi ngào với đường thành món cốm giòn ngọt, thơm lừng, ở mãi trong tâm trí bọn trẻ.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Đến giờ tôi vẫn thấy mẹ luôn để dành tiền, nếu không thực sự đáng xài thì không xài. Những món tiền với chị em chúng tôi không lớn lắm, chỉ bằng một cơn cao hứng sắm áo sắm quần, bằng vài bữa ăn nhà hàng hay chuyến du lịch. Những món tiền chúng tôi xài nhẹ nhàng và quên mất đi. Mẹ chắt chiu, đến lúc các con cần, đưa ra, thành một số không hề nhỏ, với giọng nói cũng vương vấn nỗi lo xa: “Tiền tụi con cho, mẹ hông có xài. Mẹ cất đây nè”. Ai cũng biết năng nhặt chặt bị, nhưng có mấy người thực sự hiểu và làm?
Đến giờ tôi vẫn thấy, dù giận ba đến bầm gan tím ruột - lời của mẹ - thì họ vẫn chưa bao giờ bổ vào nhau những từ ngữ sát thương rướm máu. Đôi mắt không còn tỏ, chân mỏi nhừ, mẹ vẫn nấu cho ba ngày 3 bữa. Dù mẹ không uống được trà vẫn pha trà mỗi sớm mai, ngồi nghe ba nói hoặc chỉ là lắng nghe hơi thở, nhìn xem tóc tai, da dẻ sắc mặt ba hôm nay có khác với hôm qua không. Và mẹ vẫn nói đi nói lại với những đứa con, đứa cháu rằng, ba/ông tụi con, ho mấy ngày nay rồi.
Phải chăng đợi mưa, đợi gió và đi qua mưa, qua gió mới có thể đợi bình an? Một lần nữa, tôi lại giật mình, tự nhủ sẽ nói với em gái, với chính bản thân: nếu mình không biết chuẩn bị cho những ngày mưa gió, không chấp nhận cắn răng để qua mưa, qua gió thì làm sao có bình an mà đợi, mà chờ?
Theo phụ nữ TPHCM