Một bữa, tôi đăng lên Facebook đoạn clip một cháu gái đang đánh vần đọc tựa cuốn sách có tên tôi là tác giả kèm theo “lời bình” của cha cháu là “sách của ông nội”. Nhiều tin nhắn và bình luận hỏi “cháu nội đó ở đâu ra?”, “sao ông nội trẻ vậy?”, “hay mới tìm được con rơi và cháu thất lạc”…

Trang Facebook của tôi không có nhiều bạn, phần lớn là quen biết ở ngoài, đồng nghiệp các thời kỳ, học trò… nên phần đông biết tôi chỉ có con gái và con tôi cũng chưa đến tuổi lập gia đình. Vậy lấy đâu ra cháu nội chuẩn bị vào lớp Một?

Bé đó là con của đứa cháu gọi tôi bằng chú. Cha nó với tôi là anh em cô cậu ruột. Cha của anh mất trong chiến tranh khi anh chưa ra đời; mẹ anh (chị dâu của mẹ tôi, tức là mợ tôi) sống với bà ngoại tôi nhiều năm, anh lớn lên trong tình yêu thương của bên nội.

Sau ngày đất nước thống nhất, mợ tôi lập gia đình mới nhưng anh có thời gian ở với bà nội (tức bà ngoại tôi), nhiều năm là người giữ và chăm sóc tôi cho ba mẹ tôi đi làm ăn (có thời gian ba tôi đi Cà Mau nhiều tháng để mưu sinh).

Tôi nghe mẹ kể lại, anh hay lấy cái nắp xoong hay cái thau cũ và chiếc đũa cho tôi gõ chơi; mỗi khi tôi gõ thì anh hay nói: “Cốc cốc beng beng, nấu chè đậu đen… Nấu chè đậu đen cho Hải ăn…”. Tôi lớn lên với anh và chúng tôi thương yêu nhau như anh em ruột.

Sau này, tôi theo gia đình rời quê đi xa, mỗi khi về thăm đều ở nhà anh; anh chị chăm sóc tôi rất chu đáo. Anh hiền lành, có chút khuyết tật, nhưng bù lại thì chị dâu rất đảm đang, tháo vát. Khi con đầu của anh học hết phổ thông, vợ chồng tôi bàn với anh chị cho cháu lên thành phố ở nhà tôi đi học, gia đình tôi sẽ giúp cháu học cho đến lúc đi làm.

Nghe vậy, anh chị rất mừng, vì khi đó điều kiện gia đình anh chị rất khó khăn. Cháu tôi không đậu đại học nên học trung cấp nghề, rồi sớm tìm được việc làm. Cháu hiền lành, siêng năng, chịu khó nên khi ở nhà thì rất vừa lòng mọi người, đi làm thì được đồng nghiệp quý mến. Các con tôi cũng xem cháu như anh ruột. Ngoài việc ở công ty, cháu còn tranh thủ tìm việc làm thêm, để phụ cha mẹ nuôi 2 em. 

Hồi cháu lập gia đình, họ hàng bên vợ cháu cũng coi tôi như sui gia, ứng xử rất thân tình. Khi cháu có con đầu lòng, tôi đã xin phép anh chị cho tôi coi bé như là cháu nội. Anh chị tôi rất vui lòng với đề nghị đó. Khi bé biết nói thì đã được dạy gọi tôi là “ông nội”, dù cháu chưa thể hiểu sao lại có 2 ông nội. Khi cả đại gia đình họp mặt, cháu lại được dạy gọi tôi là “ông nội ở thành phố”, để phân biệt với “ông nội ở quê”.

Vợ chồng cháu tôi đều làm công nhân, sống giản dị, tằn tiện. Vợ chồng cháu thuê trọ ở gần nhà tôi để tiện qua lại, vì mỗi khi có việc tôi đều dặn các con “kêu anh Hai qua phụ”.

Ảnh mang tính minh họa - BeoAI.Bing
Ảnh mang tính minh họa - BeoAI.Bing

 

Ở tuổi tôi, cũng đã có người lên chức ông nội, ông ngoại; nhưng việc tôi làm “ông nội” với đứa cháu họ không phải nhu cầu “làm ông” mà là một sợi dây buộc chặt tình thâm. Mối thâm tình đó vốn đã có từ thời bà ngoại tôi, truyền đến mẹ và mợ tôi, rồi đến anh em tôi, tiếp đến cháu và các con tôi, rồi đến thế hệ sau nữa, khi cháu nội tôi gọi các con tôi là “cô Hai”, “cô Ba” như cô ruột và không có khoảng cách nào hết.

Bây giờ, quan hệ họ hàng thường sớm lợt lạt sau vài thế hệ. Có thể do nhiều người sống ở xa nhau, ít có dịp qua lại; cũng có thể do cuộc sống ngày càng hối hả, người ta quá bận tâm đến chuyện giải quyết các việc trực tiếp, trước mắt và có tính lợi ích cụ thể.

Nên mỗi khi nghe cháu gọi tôi là “ông nội”, tôi lại thấy ấm áp vì biết rằng mình đang duy trì sợi dây liên hệ của gia đình, họ hàng, ít nhất trong mối quan hệ này, để tình thân vẫn còn bền chặt. 

Theo phụ nữ TPHCM