Đọc bài viết Hạnh phúc là chồng giàu, xe hơi đẹp, tiêu không phải nghĩ? trên báo Phụ Nữ Online, vợ chồng tôi lại lần thảo luận lần nữa về các góc nhìn hạnh phúc và về trường hợp chị Hà.

Chị Hà là đồng nghiệp thân thiết của vợ tôi. Những năm đầu về công tác, chị Hà là "cây văn" số một của trường. Học sinh lớp chuyên văn của chị liên tiếp đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi cấp tỉnh. Chị vừa là chủ nhiệm, vừa dạy bồi dưỡng nhóm học sinh giỏi của trường trong nhiều năm.

Mấy năm nay, khi trường có thêm những giáo viên giỏi trẻ tuổi, chị được yêu cầu chuyểndạy môn lịch sử và giáo dục công dân, môn học được cho là nhàm chán nhất trường. Số giờ đứng lớp ít, lại không có dạy thêm, thu nhập chị giảm trầm trọng.

Vậy mà ngày ngày, chị Hà vẫn đều đặn lên lớp với tinh thần vui tươi, tích cực. Dù là môn phụ nhưng chị bỏ nhiều tâm huyết, công sức vào bài giảng. Nhờ đó học sinh rất hứng thú với môn học. Chị vẫn hay bảo “Dạy học sinh làm người, dạy học sinh về nguồn cội chẳng quan trọng hay sao. Các cô giáo trẻ nhanh nhạy hơn, thức thời hơn, sẽ cho học sinh kiến thức và tư tưởng mới mẻ hơn chị, đào tạo ra những lứa học sinh giỏi hơn”.

Chồng chị Hà, là công nhân vệ sinh môi trường. Việc của anh thường bắt đầu vào cuối giờ chiều và kết thúc lúc nửa đêm. Thu nhập cả 2 vợ chồng hàng tháng được hơn chục triệu đồng, khéo co thì đủ nuôi 2 đứa con.

Nghe vợ tôi nói chị Hà chưa bao giờ có mặt hay tham gia vào hội chị em hay nói xấu chồng ở trường. Hạnh phúc của chị là hằng ngày ngồi chờ anh hết ca làm việc, pha sẵn cho anh một ly trà. Chị nói với vợ tôi: “Ngày nào còn được chờ anh đi làm về, ngày ấy chị còn thấy hạnh phúc”.

Dù mẹ dạy trường chuyên, nhưng các con của chị Hà không trường chuyên lớp chọn, cũng không có các giải thưởng trong các cuộc thi. Chị Hà tự hào vì chúng đều khỏe mạnh và biết nghe lời. Hạnh phúc của chị cũng là được thấy 2 đứa trẻ tíu tít dựng xe đạp ở sân mỗi chiều đi học về.

Gia đình chị sống trong ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm nhỏ. Ngôi nhà cũ kĩ được xây bởi bố mẹ chồng. Ông bà mất đi để lại cho anh chị. Đồ đạc bên trong cũng hầu hết là những thứ đã cũ lắm rồi. Những thứ còn dùng tốt, anh chị đều để lại dùng mà không mua đồ mới. Có lần tới chơi, tôi thấy mọi thứ cũ nhưng được sắp đặt rất ngăn nắp, gọn gàng. Ngôi nhà nhỏ xinh, đúng nghĩa là tổ ấm.

Dù không có cuộc sống vật chất đầy đủ, chị vẫn luôn cảm thấy mình là một người phụ nữ hạnh phúc (ảnh minh họa)
Dù không có cuộc sống vật chất đầy đủ, chị vẫn luôn cảm thấy mình là một người phụ nữ hạnh phúc (ảnh minh họa)

Trong khi người này mua xe ga, người kia mua xe hơi, chị vẫn chạy chiếc xe Wave mua bằng những tháng lương đầu tiên vào nghề của mình. Vợ tôi có lần hỏi: “Sao chị không mua lấy chiếc xe mới mà đi, cũng đâu có đắt tiền lắm đâu. Chị có bao nhiêu, còn đâu em cho mượn, chứ cái xe này cũ lắm rồi, đi đâu nhìn cũng không đẹp”.

“Xe chị có hỏng hóc gì đâu, lại còn tiết kiệm xăng, sao phải đổi xe mới? Trông vậy thôi mà nó ngon lành hơn xe của các cô à nha.”

Chị Hà hay được vợ tôi và hội bạn gái đưa ra làm minh chứng cho quan niệm hạnh phúc là ở góc nhìn. Có những người mệt mỏi đeo đuổi, tìm kiếm hạnh phúc mà không hề thấy nó ngay bên mình.

Theo phụ nữ TPHCM