Mấy lần ngồi trên xe khách nhìn qua cửa sổ, tôi ngó miết theo những chuyến xe máy gánh gánh gồng gồng, chở 3 chở 4, ai cũng bít bùng khẩu trang, chỉ ló ra ánh mắt nhừ đi trong cái nắng nhưng dáng điệu vẫn vui vui làm sao. Chắc họ không thấy cực khi đường dù xa nhưng ở nhà có ba má đang chờ, mấy đứa nhỏ thì còn gì hơn với vòng tay ông bà nội ngoại.

Thuở nhỏ, những buổi chiều mưa, tôi thích nhất lúc ngồi với má bên hiên, cạnh má là cái rổ may đựng đủ thứ kim chỉ nút. Má vá lại những chỗ rách, nhíp lại mấy chỗ tét đường chỉ. Tôi ở bên cạnh, vừa giúp má chọn mấy miếng vải vụn (má lượm mót ở mấy tiệm may trên chợ), miếng bông đèm đẹp thì cho mấy cái áo con gái, miếng màu xanh hay nâu sậm là cho quần áo mấy đứa con trai.

leftcenterrightdel
 Mẹ tác giả luôn hạnh phúc khi đón con cháu từ xa trở về

Lúc đó sao mà ấm áp quá trời cái cảnh bà má với đứa con ngồi dưới hiên nhà, bên đống đồ cũ và ngoài trời đang mưa. Nước chảy từ mái lá xuống sân, lũ cá thòi lòi hớn hở phóng lên bờ, bò qua bò lại hoặc nhảy loi choi. Mấy lúc có gió, tạt sợi mưa vào mặt lành lạnh, tôi giấu tay hoặc dụi mặt vào mấy cái áo má để trong lòng, ấm sực.

Phía sau, trong bếp nhà mình, mấy anh tôi hì hụi nấu bữa cơm chiều đơn sơ. Bọn cá rô lội ngược đường nước trong cơn mưa đầu mùa đã thành món cá rô kho tiêu và canh rau bồ ngót nấu cá rô đồng. Mâm cơm ngút khói thơm phức mùi cơm, mùi cá, mùi hành, mùi tiêu, mùi nước mắm… bay quẩn quanh làm phồng lỗ mũi.

Rồi má tôi đọc: “Cô kia bới tóc đuôi gà/ Nắm đuôi cô lại hỏi nhà cô đâu?/ - Nhà tôi ở dưới đám dâu/ Bước qua đám đậu đầu cầu ngó qua/ Ngó qua đám bắp trổ cờ/ Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông”... Câu ca dao đầy hình ảnh về ngôi nhà, về quê hương bản xứ nhưng hồi đó, tôi không biết ý nghĩa sâu xa đến vậy, chỉ biết mấy hình ảnh trong bài sẽ là một chỉ dấu, để nếu sau này có rời xa nhà mình, tôi biết đường mà quay lại. Chẳng ai có thể chỉ nhà mình như vậy cho khách phương xa nếu không thương thuộc ngôi nhà mình thế. Mọi sự vật, sự việc, cây cỏ đều là nhà, thân quen đến vậy mà!

Nhà. Phải, chính là đó. Cái cảnh trong ký ức nọ làm thành nỗi khắc khoải và mong nhớ khiến tôi luôn muốn quay về. Thời may, nhà tôi còn có bà má già vẫn ở lại đó; vẫn lụi cụi ra vào, ngóng trông và mừng rỡ vô cùng khi những đứa con về nhà. Cái nhà vẫn giữ cảnh cũ: cái lu hứng nước mưa từ máng xối, mảnh sân lạo xạo mấy bờ gạch tàu cũ. Bà má cười hiền biểu: “Múc nước rửa mặt rửa tay rồi ăn cơm”.

Về nhà là vậy đó, đôi khi chỉ là quay về thoáng chốc, nằm chưa đã cái lưng, ăn chưa hết mấy món bà má và chị dâu chuẩn bị là đã đi rồi.

Đôi khi, tôi vẫn tự hỏi mình rằng đường về nhà có xa lắm không. Đó là lúc chứng kiến những câu chuyện hơi buồn. Rằng, có người sợ về nhà vì mỗi lần về là mỗi lần cõi lòng tan nát. Những sự chia năm, xẻ bảy rồi dằn vặt nhau vì những món tiền đem về chưa đủ làm vui, những món quà chưa đủ cảm thấy hài lòng.

Lại có những người cũng không muốn về nhà nữa sau khi đã thành danh đâu đó. Không hẳn vì nhà đó có người tệ bạc, mà người thành danh nọ bỗng thấy sao nhà mình không xứng đáng cho người như mình nữa, nên chỉ ghé qua lẹ làng rồi đi và không bao giờ nghỉ lại, dù chỉ 1 đêm, với má mình.

Mấy lần ngồi trên xe khách nhìn qua cửa sổ, tôi ngó miết theo những chuyến xe máy gánh gánh gồng gồng, chở 3 chở 4, ai cũng bít bùng khẩu trang, chỉ ló ra ánh mắt nhừ đi trong cái nắng nhưng dáng điệu vẫn vui vui làm sao. Chắc họ không thấy cực khi đường dù xa nhưng ở nhà có ba má đang chờ, mấy đứa nhỏ thì còn gì hơn với vòng tay ông bà nội ngoại. Tỉ dụ như câu chuyện của anh công nhân hàng xóm kế nhà, bữa nọ xin cái hộp giấy cứng tôi định bỏ đi. Hỏi chi vậy, anh kêu để làm “cái yên nối dài”, rồi cười hề hề. Nhà có 2 đứa con, thành 4 người tàng tàng trên chiếc xe máy: “Cực chẳng đã em “chế biến” như vậy, về quê còn có xe chạy tới chạy lui chơi với bà con nhưng về nhà là vui dữ lắm chị”.

May thay, cái sự về nhà vẫn khiến mỗi người có mỗi sự rộn rã riêng tư. Nên đường có dài, có xa vẫn phải về thôi, kẻo mai này phai lạt.

Theo phụ nữ TPHCM