Mang tiếng là em dâu nhưng lại bằng tuổi nên khi em mới “nhập gia”, tôi như có thêm một người bạn. Nhớ ngày đám cưới các em, tôi hân hoan nhận nhiệm vụ cắm hoa. Tôi ra chợ Tân Định, chọn những bông hoa đẹp nhất, như thể đó là ngày vui của chính mình.

Nhiều lúc nghĩ lại, tôi hay ghẹo em là lúc đó thật can đảm để về làm dâu nhà tôi. Má tôi mất sớm, nhưng trên em có đến 3 bà chị chồng. Ba tôi hiền lành, nhưng là ông giáo khó tính. Vậy mà, em đã ở nhà tôi cho đến nay, chu toàn cho tổ ấm nhỏ hạnh phúc của riêng em và chăm sóc cho gia đình lớn của chúng tôi sau khi cả 3 chị em tôi lấy chồng, ra riêng.

Tác giả (trái) và “em dâu ruột”
Tác giả (trái) và “em dâu ruột”

Những ngày em mới về, nhìn em ngồi rửa rau bên sàn nước, tôi thấy thương em nên sà vào phụ để em không có cảm giác tủi thân. Từ đó, chúng tôi hay cùng làm bếp.

Xa nhà, tôi hay nhớ những bữa cơm chiều với vợ chồng em. Tan làm, tôi hay mua thêm đồ ăn vặt để ăn sau khi ba tôi đã dùng xong bữa và ra uống trà, xem ti vi nơi phòng khách. Còn lại mấy chị em với nhau, chúng tôi vừa ăn vừa cười như những đứa trẻ.

Khoảng 1 năm sau, tôi lấy chồng và đi xa. Tôi vừa là người chị, vừa là người bạn của vợ chồng em. Tôi thương em trai nên không nỡ gây khó dễ với dâu mới. Em vì yêu chồng mà cũng thương luôn chị chồng. Rồi cũng chính nhờ vòng tròn yêu thương đó, em lại rất hợp với anh rể, là chồng tôi. Ngày anh về ra mắt gia đình tôi, em hăng hái chuyện trò, giải thích phong tục Việt Nam để anh không có cảm giác bỡ ngỡ. Dần dà, chồng tôi cũng rất quý mến em. Chúng tôi nay đã trở thành bộ tứ rất thích ở bên nhau.

Ngày tôi lấy chồng, cả hai chị em vừa vui vừa buồn. Vui thì đương nhiên, vì tôi nay đã có cặp có đôi, nhưng nỗi buồn vì cách trở địa lý làm chị em tôi càng quyến luyến hơn. Vợ chồng tôi còn giữ cặp ngỗng thủy tinh màu tím em dúi cho tôi trước ngày ra sân bay. Sau hơn 20 năm, mỗi lần đọc lại email cũ em gửi những ngày tôi mới sang Anh quốc, tôi vẫn còn cảm động chảy nước mắt. Lời lẽ em chân thật như tấm lòng cởi mở không màu mè của em.

Những lần tôi về thăm nhà, em là người tổ chức đưa đón ở sân bay, nấu những món tôi thích, thông báo cho mọi người kế hoạch ăn ở, đặt khách sạn cho vợ chồng tôi… dù lúc đó em mới sinh em bé. Tôi đã có lúc hờn trách em vì đã không dành nhiều thời gian cho mình hơn, vì cứ cho rằng tôi về thăm nhà chỉ có vài tuần, còn công việc thì em có thể làm lúc nào cũng được.

Sự ích kỷ của tôi đã có lúc khiến chị em hờn giận nhau. Nhưng những lúc đó chỉ thoáng qua, tôi quên sao được lúc em chở tôi đi khắp Sài Gòn, ngồi ăn món chè có viên bột báng bọc dừa trong con hẻm nhỏ mà em khoe là món chè ở quê em.

Tôi nhớ mãi những lúc em loay hoay trong bếp, làm đủ món ăn cho gia đình; em tay năm miệng mười giục tôi ngồi sau xe để chở tôi đi mua dép, khi tôi đang phân vân có nên mua hay không thì em đã nhanh nhảu bảo để em mua cho.

Cái tính nhanh nhảu mà hồi xưa đã có lần tôi chê em vì cứ cho rằng mình chín chắn hơn em, giờ tôi lại thấy em được việc hơn tôi nhiều. Tôi thương khi em nhanh miệng nói với người bán nước: “Lấy một ly ít đá ít đường cho ông nội”. Tôi biết em đã xem ba tôi như ba của em rồi.

Ra sân bay, tôi không may bị trúng thực. Em lăng xăng xoa dầu, miệng xuýt xoa sợ tôi không chịu nổi chuyến bay dài. Nhìn chân em bị vấp, tróc da vì chạy đi mua thuốc cho tôi để kịp chuyến bay, tôi biết em đã trở thành ruột thịt của mình.

Theo phụ nữ TPHCM