|
Có con, chị Nhĩ có thêm động lực để làm việc |
Đồng vợ, đồng chồng
Vợ chồng chị đến với nhau từ 2 bàn tay trắng, căn nhà tôn ọp ẹp với nền đất lởm chởm chỗ thấp chỗ cao, được dựng sơ sài trên mảnh đất ven sông ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).
Chị làm nghề buôn bán tự do. Nói buôn bán cho sang, thật ra chỉ là những gánh bánh mì, bắp hầm, xôi, bánh bao… Chồng chị làm ruộng, nhưng mỗi khi đến mùa nước nổi thì từ 15 giờ đã thấy thấp thoáng ngoài đồng hình ảnh người đàn ông với chiếc nón tai bèo, chống băng băng chiếc xuồng mới được lắp vò xong cùng vài tấm lưới anh mang theo để đẩy ốc, bắt cá đem về cho chị đem ra chợ.
“Thời điểm đó, mỗi ký ốc bươu vàng có giá từ 300-400 đồng, ốc đắng thì giá cao hơn vì sẽ được mang đi bán ở các quán ăn trên thành phố, được 1.500 đồng mỗi ký. Cá rô, cá sặc, nếu trúng ngay khi chợ ít cá thì bán được 7.000-8.000 đồng/kg, còn khi có cá nhiều thì chỉ bán được giá 5.000 đồng/kg” - chị Huỳnh Thị Nhĩ kể.
Tuy cuộc sống cơ cực, gương mặt chị luôn ánh lên vẻ rạng rỡ, đôi mắt long lanh mỗi khi chị kể về chồng và con. “Đồng vợ đồng chồng, tát Biển Đông cũng cạn” là câu chị luôn tâm niệm. Sau 5 năm làm lụng, cày cấy, chắt chiu, vợ chồng chị đã cất được ngôi nhà kiên cố và khang trang hơn. Con gái của chị lúc này cũng đã 20 tuổi, chuẩn bị vào đại học.
“Con của tôi ngoan và học giỏi lắm. Nó học Trường đại học Cần Thơ” - chị nói với vẻ đầy tự hào.
Thế nhưng, niềm hạnh phúc bình dị của chị không dài lâu. Năm 2020, sức khỏe chồng chị ngày một yếu và không thể làm việc được nữa. Từ đó, một mình chị lo toan gia đình, vừa để cho con được tiếp tục đường học hành, vừa chăm sóc sức khỏe cho chồng. Mọi vất vả, gánh gồng lại 1 lần nữa đè lên đôi vai bé nhỏ của người phụ nữ ấy. Để có được thu nhập khá hơn, chị xin vào làm giúp việc cho gia đình ở chợ Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Tuy không nhiều, nhưng biết vun vén, tiết kiệm cũng đủ chi tiêu cho 1 tháng của gia đình.
Trong khó khăn, chị vẫn luôn động viên con cố gắng học tập. “Con tôi biết chia sẻ với mẹ. Tôi phải ráng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, để sau này có được cái nghề mà nuôi thân. Hiểu hoàn cảnh gia đình nên con vừa học vừa làm thêm, tự trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân khi đi học xa nhà”.
Đối mặt với nghịch cảnh
4 giờ sáng mỗi ngày, đánh thức chị là tiếng “reng reng” của chiếc điện thoại Nokia 1280 màu đen xì và tróc sơn gần hết, được chị cài giờ từ đêm hôm trước. Khi ngoài trời vẫn còn là một màu đen tĩnh mịch, tiếng gà gáy o o ngoài hè, chị loay hoay ra sau bếp bắc nồi cơm, quét nhà rồi chuẩn bị đồ ăn sẵn cho chồng trước khi đi làm.
Chị không biết chạy xe máy nên khoảng thời gian đó, khi thì chị quá giang mấy bạn học sinh, khi thì hàng xóm tiện đường cho đi nhờ. “Có hôm, mấy đứa cháu nghỉ học, tôi thả bộ dài dài ra chỗ làm, nhiều khi có người thấy tôi đi bộ nên cho quá giang. Về cũng vậy, có khi hàng xóm cho quá giang về, có hôm tôi đi xe ôm” - chị tâm sự.
Do làm việc quá sức và không chịu đi khám bệnh kịp thời, phổi của chồng chị bị xẹp một bên nên thường xuyên cảm thấy mệt và khó thở. Chiều nào, chị cũng gọi cho chú Tám y sĩ ở cách nhà 7km đến tiêm cho anh liều thuốc Laros. Mỗi lần tiêm như vậy là 60.000 đồng và hầu như anh phải tiêm mỗi ngày. “Thuốc ấy chỉ là tiêm để ảnh đỡ mệt, chứ không hết hẳn được, vì phổi ảnh yếu rồi” - chị kể. Hàng xóm khuyên chị đừng tiêm cho anh vậy nữa, vì quá tốn kém mà lại không có tác dụng gì, nhưng nhìn chồng mình quằn quại mỗi lần đến cơn mệt, chị không thể bỏ mặc.
Đầu năm 2021, bệnh chồng chị trở nặng, không thể sinh hoạt một mình như trước. Anh chỉ có thể ngồi dậy và di chuyển ở khoảng cách gần. Chị Nhĩ phải xin làm đến 14 giờ thay vì 17 giờ để về sớm cho chồng ăn cơm, tắm rửa và giặt giũ - mọi thứ đều một tay chị lo. Bắt đầu từ đó cũng là những chuỗi ngày “ăn cơm bệnh viện” của chị, vì chồng phải nhập viện thường xuyên để thở ô xy.
Tháng 7/2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, bệnh viện là nơi ai nghe đến cũng lắc đầu, ngán ngẩm. Thế nhưng, không còn cách nào khác, chị đành khăn gối xếp vào ba lô, ống quần bên thấp bên cao, chị tức tốc gọi xe cứu thương chở chồng vào Bệnh viện Quân dân y TP Cần Thơ. Khoảnh khắc nhìn chồng mắt nhắm nghiền, nằm mê man trên giường bệnh, chị tay cầm hộp cơm chay đang ăn dở, tay còn lại quẹt nước mắt: “Chồng tôi nằm im như vậy 3 ngày liền. Lúc đó, tôi sợ sẽ không còn được nói chuyện với anh ấy nữa”. Cho đến khi anh dần tỉnh lại, lưng chị mới như nhấc được tảng đá nặng. Khẽ đút cho anh muỗng nước ấm, chị lần tìm chiếc điện thoại trong túi quần, gọi về nhà để báo anh đã tỉnh.
2 năm đằng đẵng trôi qua, ngày bận rộn đi làm và chăm sóc chồng, đêm lại trằn trọc với ngổn ngang những âu lo. Có lúc, chị tưởng rằng mình sẽ gục ngã, nhiều lần chị xỉu ngay trong lúc đang làm việc. Nhiều người bảo chị: “Sao chị có thể mạnh mẽ được như thế? Gặp người khác chắc đã bỏ chồng rồi”. Chị chỉ cười: “Lúc ảnh còn khỏe mạnh, ảnh thương tôi lắm, việc nặng nhọc gì ảnh cũng làm, có khi còn nấu cơm, giặt đồ, chăm con thì ảnh số 1 luôn. Giờ ảnh nằm đó, thương còn không hết chứ sao mà bỏ được”.
Quá vất vả, nhưng chị không hề than trách số phận. Chị cũng chưa từng vì gánh nặng của cơm áo gạo tiền mà gắt gỏng, gây áp lực lên chồng con. “Tôi phải mạnh mẽ để động viên tinh thần anh ấy. Tôi chỉ mong chồng tôi khỏe lại, ở nhà nấu cơm thôi cũng được, tôi đi làm nuôi anh”. Gương mặt chị luôn chan chứa ánh cười, động viên chồng cố gắng vượt qua, dù hằng đêm gác tay lên trán là bao mối hỗn độn trong lòng.
Mình ở lại ráng lo cho con...
Mong ước nhỏ bé của chị lại vụt tan khi đầu năm 2022, chồng chị mất. Chị kể: “Trước lúc ra đi, anh nằm im lặng rất lâu, tôi nói kêu xe đưa anh đi viện nhưng anh lắc đầu. Anh đặt bàn tay yếu ớt của anh lên tay tôi và nói: “Cảm ơn Nhĩ đã lo cho tui suốt thời gian qua, tui đi rồi, mình ở lại ráng lo cho con nha”. Nói rồi anh trút hơi thở cuối cùng. Tôi không kìm nổi nước mắt khi câu cuối anh nói với tôi là một lời cảm ơn”.
Hàng xóm an ủi chị: “Anh ấy ra đi nhẹ nhàng vậy là khỏe cho anh, cho cả chị”, nhưng đối với chị, đó là một sự mất mát vô cùng to lớn. Dù chồng chỉ nằm ở nhà, nhưng mỗi lần chị đi làm về anh vẫy tay chào, dù cánh tay đưa lên yếu ớt. Hình ảnh đó chị không bao giờ quên được. Khóe mắt chị đỏ lên mỗi khi nhắc về anh. Mong muốn duy nhất của chị lúc ấy là luôn có sức khỏe để thay cả phần anh, đồng hành cùng con tiếp tục chặng đường đại học.
Nói về mẹ mình, con gái chị Nhĩ tự hào: “Mẹ mạnh mẽ và bản lĩnh. Dù khoảng thời gian ấy rất khó khăn, mẹ vẫn luôn dịu dàng, là động lực cho ba và tôi vui sống. Mẹ đã giúp tôi nhận ra rằng trên đời không có chuyện gì là không thể vượt qua. Nhờ mẹ, tôi đã có thể vững tin nhiều hơn để bước tiếp con đường phía trước của mình”.
|
Chị Nhĩ trong ngày tốt nghiệp đại học của con |
Hiện tại, con gái chị đã ra trường và đi làm, thường về thăm chị vào mỗi cuối tuần. Chị yên tâm khi con đã có thể tự lo cho bản thân và vì có học hành nên công việc không phải lam lũ, nặng nhọc giống mẹ.
Chị thường xuyên đi làm từ thiện và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Chị ví mình như “bà tiên nho nhỏ”, vì bây giờ không phải lo lắng, phiền muộn điều gì nữa. Trong trái tim và tâm trí của chị luôn là hình ảnh người chồng hiền lành, tốt bụng. Với chị, những tháng ngày cơ cực vợ chồng có nhau là một ký ức đẹp, không thể nhạt màu.
Theo phụ nữ TPHCM