Con cá sông làm nên con mắm/ Vợ chồng già thương lắm anh ơi”. Tay đảo đều nồi mắm để rã xương, lấy cốt nấu bún nước lèo, tôi chợt nhớ câu ca dao năm nào mẹ vẫn hay hát ghẹo ba.
|
Ba chồng của tác giả thắp hương nguyện cầu bình an cho con cháu trước ngày giỗ lần thứ tư của vợ |
Tình yêu của ba và mẹ chồng, nhắc đến là thương. Thương sâu sắc, mặn nồng như những nồi bún mắm đậm đà mẹ nấu cho cả nhà ăn lúc bà còn khỏe mạnh.
Ba tôi nói: “Hôm nay giỗ lần thứ tư của mẹ, cũng mãn tang, đủ thủ tục cả rồi, vậy các con đừng bày vẽ gì cả. Mình không cần xôi gà, mâm cỗ gì hết, mình làm đúng ước nguyện của mẹ đi, nấu cho bà tô bún mắm”. Tôi nghe ba nói mà nghẹn lòng.
Thế là có chuyện sáng nay tôi đi mua mắm. Giống như ngày xưa mẹ dạy, 2 phần mắm lóc, 1 phần mắm linh để nấu nồi bún đậm đà, thơm lựng như ý thích của bà. Tôi chọn thêm lọn ngải bún thật to, từng củ như ngón tay trắng múp míp, mang giã nhuyễn rồi trộn thấm với mắm, cùng chút đường dằn vị; cuối cùng mới đổ 1 trái dừa vào nồi nấu, cho lửa sôi liu riu, rã xương.
Trong lúc chờ nước mắm sôi, tôi bắc chảo rang một nắm gạo vàng ươm, đổ ra cối, giã nhuyễn. Rồi luộc thịt, luộc tôm, luộc cá… Xắt thịt, lột tôm, gỡ xương cá. Xong từng phần nguyên liệu, tôi để riêng từng món trên chiếc khay thật lớn. Lấy da heo xắt sợi thật mỏng, trộn đều với thính, đổ ra một góc gọn gàng trên cái khay bày tôm cá.
Cùng lúc ấy, mùi mắm dậy tưng bừng nhà cửa, tôi nhanh tay rây mắm, gạn xương, đổ nước luộc đầu tôm, cá, thịt vào nồi mắm cho mắm càng sánh vị. Để dằn thêm độ mặn mà, tôi quấn một nắm sả đập dập, bỏ vào nồi nước đã trộn lẫn các hỗn hợp ấy, thêm 1 trái dừa đảm bảo đủ độ ngọt, mới bắc lên bếp cho sôi lần nữa.
Để có tô bún mắm đủ chất, đủ vị cúng mẹ chồng, từ tối hôm trước, tôi cùng con trai qua siêu thị mua mớ rau thơm, bó rau muống, chanh, ớt, giá hẹ về rửa sạch. Bắt chước mẹ, tôi cũng bào từng sợi rau muống ngâm với nước vắt chanh. Cũng rửa cẩn thận từng cọng hẹ, để trên thớt cắt nhỏ… Mọi thứ hoàn chỉnh, sạch sẽ, tôi mới để hết vào tủ lạnh. Mẹ từng dạy, phải làm vậy rau thơm mới đủ độ tươi, rau muống mới đủ độ giòn.
Nước lèo sôi đều, tôi nhanh tay hớt bọt, lại lấy một cái nồi nhỏ hơn ra trụng bún, trụng rau. Con trai, cháu gái cũng nhanh tay xếp vào hàng chục tô bún đó nào cá, tôm, thịt, bì…
Giỗ mà, con cháu về hàng chục đứa. Không có mâm cỗ linh đình, chỉ có những tô bún mắm thơm lựng, những đĩa rau xanh óng, kèm chanh ớt quyện sắc đậm đà. Ba mặc quần áo nghiêm trang, thắp 3 cây nhang trên bàn thờ mẹ, run run khấn. Ông nói gì rất nhỏ, tôi chỉ nghe loáng thoáng câu nói cuối cùng: “Giỗ bà, tôi mời mình tô bún mắm…”. Căn phòng như chợt lặng đi.
Tàn nhang, căn bếp lại rộn lên, cháu nội, cháu ngoại, đứa xin nước lèo, đứa xin rau trụng, đứa nhón thêm vài con tôm, miếng cá… Tôi nhìn ba, mắt ông lấp lánh cười.
Mẹ là gái Thọ Xuân, Thanh Hóa, ba là trai cùng làng. Theo lời ông cậu bảo, mẹ từng là cô gái “lắm mồm nhất làng”, duyên dáng, lanh lợi, hoạt bát vô cùng. Trong gia đình toàn anh em trai, nên dù gia cảnh nghèo, cô gái út ấy vẫn được các anh và cha mẹ cưng chiều nhất mực. Cha mẹ mất, cô út ấy được các anh trai bảo bọc, nuôi cho học hành đến hết bậc phổ thông, tìm cho một công việc thật tử tế.
Thời đó, nhiều trai làng theo đuổi mẹ. Vậy mà mẹ lại ưng ba - chàng trai gia cảnh còn nghèo hơn cả mẹ, lại thích mạo hiểm, xông pha. Từ cô út được cưng chiều, đường tương lai rộng mở (khi mẹ mới 23 tuổi đã là quản đốc xí nghiệp bánh kẹo của tỉnh), lấy ba, mẹ phải bỏ việc theo ba rong ruổi trên hành trình sự nghiệp của ông.
|
Tô bún mắm do tác giả nấu, món ăn mẹ chồng tác giả rất thích |
Đơn vị ba đi đâu, mẹ phải chuyển công tác, đùm túm con cái theo chồng đến đó. Từ vị trí trưởng xưởng, chỉ huy cả trăm nhân công, mẹ thành người phụ nữ chân lấm tay bùn, làm lúa, nuôi gà, chăm heo, trồng khoai… Hình như chưa có việc gì mẹ chưa thử qua. Bên nhà ngoại giận lắm, còn đòi từ mẹ khi mẹ theo ba gồng gánh bầy con 4 đứa vào Nam làm nhiệm vụ tiếp quản Bạc Liêu sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Đất lành như níu chân người. Mẹ nói vậy mỗi khi ai đó nhắc chuyện ba mẹ trụ lại Bạc Liêu đến gần 30 năm. Bà nói, bà thương lắm vùng đất hiền hòa, con người thân thiện và thương hơn hết là mùi mắm nặng trĩu tình ở xứ sở này.
Sau này theo ba, cùng các con, mẹ lên quận 12, TPHCM sinh sống và nấu bún mắm kiểu Bạc Liêu cho con cháu mỗi dịp tề tựu để chúng ăn vào suýt xoa khen ngon, xin thêm rồi sau đó còn đùm túm mang về Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Dương…
Mẹ mất, cúng mẹ một tô bún mắm, nghĩ mà thương. Bún mắm cúng giỗ vợ, chắc cũng chỉ có ba tôi mới nghĩ ra. Cũng chỉ có yêu thương chất chứa mới giúp người ta vượt hết rào cản của lễ nghĩa, phong tục gì đó để thỏa lòng mong ước của người thương như vậy.
Theo phụ nữ TPHCM