Chuyện tình Valentine của ông bà chủ Walmart

Xuất phát điểm chỉ là một cửa hàng tạp hóa bình thường ở Arkansas năm 1945, Walmart đến nay trở thành nhà bán lẻ có doanh thu lớn nhất thế giới. Nhà Waltons sở hữu đế chế bán lẻ Walmart, là gia tộc giàu nhất ở Mỹ, với tổng tài sản khoảng 215 tỷ USD. Đằng sau sự bền bỉ lớn mạnh của chuỗi siêu thị này là câu chuyện tình đơn giản và ngọt ngào của ông bà chủ Sam Walton và Helen Walton.
 

Sam Walton (thứ ba, trái sang) bên vợ và các con.

Vào ngày lễ Valentine năm 1943, sau một năm phục vụ trong quân ngũ, Sam Walton cưới Helen, ở thị trấn quê hương bà, Claremore, Oklahoma.

Sam Walton và Helen trong ngày cưới năm 1943.


Trong cuốn sách Sam Walton: Made in America, Sam chia sẻ rằng vào một đêm tháng 4 ở một sân chơi bowling ở Tulsa, Oklahoma, ông để mắt đến Helen Robson - người sau này là vợ ông - tuy nhiên bà lúc đó đang hẹn hò với một người khác. Sau khi Helen hoàn thành lượt chơi, bà nhìn thấy Sam ngồi gác chân lên tay ghế cùng nụ cười trên môi. Bà cho rằng kiểu chào của Sam khá là "sến".

Helen kể, Sam hỏi bà rằng liệu ông đã gặp bà ở đâu đó chưa. Hóa ra, Sam từng hẹn hò với một cô gái mà Helen biết hồi còn học cao đẳng. Thay vì hỏi xin số điện thoại của Helen, Sam lại hỏi bà số điện thoại của cô gái kia. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ đó, Helen và Sam bắt đầu hẹn hò bởi đã lập tức phải lòng nhau.

Với Sam, Helen "xinh xắn, thông minh, hiểu biết, tham vọng, có chính kiến và đầy nghị lực, cùng những ý tưởng và kế hoạch riêng". Sau khi hẹn hò một thời gian, Sam phải nhập ngũ. Ông nói có hai điều mình biết rất rõ lúc đó: muốn cưới Helen và muốn gia nhập ngành bán lẻ. Kể từ đó, phần còn lại đã đi vào lịch sử.

Helen viết trong cuốn tự truyện: "Tôi luôn nói với bố mẹ rằng mình sẽ cưới ai đó có năng lượng và động lực đặc biệt, khát vọng để thành công. Tôi chắc chắc đã tìm thấy điều mình luôn tìm kiếm, nhưng giờ đây thỉnh thoảng tôi tự cười và nói rằng có thể tôi đã đạt được mục tiêu cao hơn mong muốn ấy một chút".

Và chỉ có cái chết mới chia lìa được người sáng lập Walmart, Sam Walton và vợ, Helen Robson. Họ đã ở bên nhau kể từ Valentine năm ấy cho đến khi Sam qua đời năm 1992.

Gia tộc Walton thành lập Quỹ từ thiện Gia đình Walton năm 1987. Quỹ này hoạt động trong ba lĩnh vực: cải thiện giáo dục phổ thông; bảo vệ sông, đại dương và những cộng đồng mà gia đình hỗ trợ; đầu tư vào quê hương của họ, khu vực Tây Bắc Arkansas và Duyên hải Arkansas-Mississippi. Từ năm 2014 đến 2018, quỹ đã quyên góp gần 1 tỷ USD cho chương trình giáo dục phổ thông và 441 triệu USD cho các dự án môi trường.

"Ông vua ngành bán lẻ" Sam và Helen có bốn người con gồm: Rob, John, Jim và Alice. Tuy nhiên, John qua đời vì tai nạn máy bay năm 2005. Bởi vậy vợ và con John là Christy và Lukas là hai người nằm trong danh sách thừa kế bên cạnh ba người con còn sống của Sam. John để lại khoảng 1/6 tài sản cho vợ, 1/3 cho Lukas và phần còn lại để làm từ thiện. Lukas cũng thừa kế 20% lợi tức của bố ở Walton Enterprises - công ty cổ phần của gia đình.

Công ty này cùng một quỹ khác của gia đình sở hữu 50.2% cổ phần của Walmart. Lukas đứng thứ 28 trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ năm 2019, nhưng anh chỉ có 1/10 điểm tự lực vì được thừa kế. Anh là Chủ tịch Ủy ban Chương trình môi trường và cũng là thành viên Ban quản trị của Quỹ Gia đình Walton. Anh đã ủng hộ ít nhất 149 triệu USD tiền riêng cho quỹ. Hiện Lukas Walton (35 tuổi) - một trong số những tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ - vẫn chưa kết hôn.

Nhà sáng lập Nike, Phil Knight và chuyện tình 'Lọ Lem gặp Hoàng tử'

Phil và Penelope Knight đứng sau một trong những thương hiệu thể thao lớn nhất thế giới, Nike. Phil Knight sinh năm 1938 ở Portland. Ông hiện là người giàu thứ 26 thế giới với tổng tài sản 39.2 tỷ USD.

Phil Knight thời còn trẻ.

 

Chuyện tình cổ tích ngọt ngào của họ bắt đầu ở Portland, Oregon vào năm 1968. Tại đây, Phil giảng dạy ở Trường Đại học Bang Portland. Ông vừa nghỉ việc ở hãng kế toán Price Waterhouse để tập trung vào công ty đồ thể thao riêng, Blue Ribbon. Công việc giảng dạy giúp ông có đủ thời gian để lo cho công ty. Tuy nhiên, Phil không hề biết rằng đây là quyết định tuyệt vời nhất mà ông từng làm trong cuộc đời, về cả cá nhân lẫn sự nghiệp.

Trong khi đang xây dựng đế chế đồ thể thao, ông gặp Penelope. Bà là sinh viên trong lớp kế toán mà ông giảng dạy. Penelope thông minh, xinh đẹp và khá ngượng ngùng nên ông rất khó tiếp cận. Cho đến một ngày, Penelope nhờ ông làm cố vấn học tập. Nhưng câu trả lời lại là: "Không".

Thực ra, đó lại là một chiến lược rất thông minh để giữ mối quan hệ về học vấn của họ không bị ảnh hưởng, đồng thời giúp ông tạo ra một mối quan hệ mới về nghề nghiệp. Phil mời Penny làm thư ký cho ông ở Blue Ribbon. Penelope làm việc chăm chỉ, từ kế toán, quản lý văn phòng, cho đến xếp lịch hẹn, và mọi thứ mà Phil cần. Mối quan hệ của họ từ giảng viên - sinh viên, sếp - thư ký, và Lọ Lem - Hoàng tử.

Phil ngỏ ý cùng Penny hẹn hò và lập tức giữa họ có sự liên kết. Bà cảm thấy an toàn khi chia sẻ với ông chuyện cá nhân và ngược lại. Gia đình Penny xuất thân khá khiêm tốn. Bà và 4 anh chị em phải chu cấp cho gia đình từ khi còn ít tuổi. Penny cố gắng hoàn thành chương trình học lấy bằng kế toán vì đây là nghề nghiệp ổn định, có chỗ đứng và được trả lương cao.

Nhà sáng lập Nike, Phil Knigh và vợ Penelope.

 

Phil càng ngày càng say đắm "nàng Cinderella" Penelope cho đến khi thử thách tình yêu của họ đến. Blue Ribbon đã lớn mạnh và vươn ra quốc tế, Phil phải bay sang Nhật Bản để tìm kiếm những đối tác mới. Trong cuốn hồi ký Shoe Dog, Phil viết: "Cách dễ dàng nhất để biết được cảm giác của bạn với một người là nói lời tạm biệt".

Mặc dù vậy, mối quan hệ của họ vẫn vững vàng...

Phil cưới Penelope ở quê nhà Portland vào tháng 9/1968. Đó là khởi đầu của câu chuyện tình có kết cục có hậu, biến thành đế chế thể thao Nike. Cặp đôi có ba người con, Travis, Christina và Matthew. Matthew qua đời trong một tai nạn lặn biển ở El Salvador năm 2004. Travis là chủ studio phim hoạt hình Laika. Phil là chủ tịch hội đồng quản trị của studio này.

Năm 1990, Phil thành lập Quỹ Từ thiện Philip H. Knight. Tính đến năm 2016, theo Tạp chí Kinh doanh Portland: "Knight là nhà từ thiện hào phóng nhất trong lịch sử bang Oregon. Số tiền ông quyên góp giờ đây lên đến gần 2 tỷ USD". Ông từng đóng góp hơn 500 triệu USD cho Đại học Stanford. Khu trường học của Trường Kinh doanh Stanford được đổi tên thành Trung tâm quản lý Knight để vinh danh ông. Ông cũng đóng góp gần 800 triệu USD cho Đại học Oregon để cải tạo thư viện cùng sân vận động. Ông cũng từng ủng hộ 100 triệu USD cho quỹ Di sản thể thao của Đại học Oregon. Năm 2010, ông đóng góp thêm 100 triệu USD vào quỹ này. Năm 2013, trung tâm bóng bầu dục của Đại học Oregon do Phil đóng góp 68 triệu USD chi phí xây dựng được khánh thành.

Năm 2016, Phil và Penny đầu tư 500 triệu USD để xây dựng khu nghiên cứu mới và đặt tên Khu nghiên cứu đẩy nhanh tác động khoa học của Phil và Penny Knight. Ba tòa nhà sẽ được xây dựng và tạo ra 750 việc làm khi hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

Theo The Chronicle of Philanthropy, Phil và Penny là người có khoản đóng góp từ thiện lớn thứ hai và ba năm 2020.

Theo Ione