Bà Dương Thị Hanh (66 tuổi) ở xóm Đình, Thanh Trì, Hà Nội bắt đầu biết làm bánh từ năm 14 tuổi, khi gia đình đã từng có rất nhiều thế hệ gắn bó nghề làm bánh cuốn.

Bà Hanh vận một chiếc áo nâu, khuôn mặt hiền lành ngồi giữa những nồi bánh, nồi bột tỏa hơi nghi ngút. Công đoạn làm bánh cuốn không có nhiều điểm khác biệt, bánh được tráng trên sức nóng cùa nồi hơi, sau đó cuốn thêm nhân thịt, mộc nhĩ và rắc hành khô phi thơm vàng.

Tuy công đoạn không có quá nhiều phức tạp, nhưng để làm nên đĩa bánh cuốn ngon miệng, đẹp mắt thì cần phải có bí quyết riêng. Theo quan sát, chiếc bánh cuốn của bà Hanh không quá to như bánh cuốn các địa phương khác, chỉ nhỏ cho vừa một miếng ăn. Báng tráng mỏng, mềm; nhân thịt thơm, đầy đặn, nước chấm pha đúng vị, không mặn mà thanh.


Bánh cuốn bà Hanh có cả một “bộ sưu tập” gia vị đầy màu sắc. “Tiêu vườn Bình Phước, ớt Huế, chuối Thung Nai, mộc nhĩ nông trại, nước mắm Phú Quốc”, chị Nguyễn Thị Uyên, 40 tuổi, con gái cả của bà Hanh vui vẻ nói về các gia vị sạch của gia đình.

“Hành phi không phải là thứ gì quá to tát, nhưng nhiều nơi lại dùng hành giả, hành không sạch sẽ để bán cho khách. Tôi không đồng tình với cách làm ấy”, chị Uyên vừa chìa hai chậu hành khô thái lát để sẵn, chỉ chờ dầu sôi là đổ vào phi thơm.

Bà Hanh là người Thanh Trì gốc - quê hương của món bánh cuốn nối tiếng. Nếu nói người làm bánh cuốn là một nghệ nhân, thì bà Hanh chính là một nghệ nhân như vậy. Bởi làng xóm thường có các cuộc thi làm bánh mỗi năm, vừa tạo sân chơi vui vẻ, vừa duy trì nét văn hóa truyền thống dân tộc, bà Hanh cùng đồng đội năm nào cũng dành chiến thắng.

Cứ 6 giờ sáng, sau khi làm xong hết các công việc trong nhà, đàn gà con vịt ngoài vườn, bà Hanh lại đạp xe cả chục cây số đi từ Thanh Trì lên phố Thọ Xương bán bánh cuốn cho người dân phố cổ và khách du lịch.

Quán bánh không được rộng rãi như ở quê, nhưng dăm ba cái bàn lúc nào cũng đầy khách, cả Tây lẫn Việt, ai nấy vui vẻ thưởng thức.

Để làm nên bánh cuốn ngon thì cần phải có bí quyết riêng

Hình ảnh bà Hanh tráng bánh, gói bánh khiến nhiều khách du lịch tò mò và thích thú. Bà liền mời luôn những ai quan tâm trải nghiệm cảm giác ngồi cạnh bếp hơi nghi ngút khỏi rồi cuốn bánh để hiểu được các việc tạo ra một đĩa bánh tròn trịa trên đĩa thế nào.

Bàn tay rộng lớn của khách du lịch nước ngoài cố gắng mềm mỏng hết sức để nhân bánh không trào ra khỏi tấm bột mỏng manh, rồi cười lên thích chí vì hình thù của chiếc bánh không giống ai… Tất cả đều tạo nên một không gian thật ấm cúng, gần gũi và đặc biệt.

Mỗi ngày, quán bánh nhỏ trên phố Thọ Xương bán từ từ sáng sớm đến 14 giờ chiều, tiêu thụ hết khoảng vài cân bột. Còn tại Thanh Trì, quán bánh của bà Hanh có thể bán đến vài chục cân bánh.

Hiện nay, bánh cuốn còn đi vào những bữa tiệc cỗ trong nhà hàng, đám cưới, đám hỏi, trở thành món ăn phổ thông và được nhiều người yêu thích.

Thật vui vì một làng nghề không bị phai nhạt theo năm tháng, để mỗi sáng thức dậy, lại í ới gọi: “Cô ơi, cho con một suất bánh cuốn nóng hổi nào!”.

Vị khách nước ngoài thử cuốn bánh

Trải nghiệm cảm giác ngồi cạnh bếp hơi nghi ngút khỏi rồi cuốn bánh để hiểu được các việc tạo ra một đĩa bánh tròn trịa trên đĩa thế nào.

Mỗi ngày, quán bánh nhỏ trên phố Thọ Xương bán từ từ sáng sớm đến 14 giờ chiều, tiêu thụ hết khoảng vài cân bột.

Hiện nay, bánh cuốn còn đi vào những bữa tiệc cỗ trong nhà hàng, đám cưới, đám hỏi, trở thành món ăn phổ thông và được nhiều người yêu thích.

Theo Sài Gòn ẩm thực