“Và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau…” là cái kết mong ước, cái kết trong những câu chuyện cổ tích về hoàng tử và công chúa, người đẹp và người tốt, người hiền.
Hạnh phúc như một món quà của sự công bằng, được trao tặng vô thời hạn. Nhưng đó mãi mãi là một cái kết của lòng tin thuần túy, một cái kết không kiểm chứng được.
Ai cũng biết hoàng tử sẽ trở thành hoàng đế, và hoàng đế thì nhiều thê thiếp, hoàng cung nhiều cạm bẫy. Chẳng ai biết trong quãng đời “mãi mãi về sau” ấy, có bao nhiêu nước mắt đã chảy, có bao nhiêu tiếng thở dài đã kéo mái đầu trẻ trung yêu kiều ngày xưa gục xuống, bao nhiêu lời oán hận đã thốt ra.
|
Ảnh minh họa |
Hạnh phúc luôn là thế - một ước vọng, một tưởng tượng đẹp đẽ hay một khoảnh khắc ngắn ngủi mà người ta thường chỉ nhận ra khi mình không có, khi đã vuột qua mất. Hạnh phúc rất gần trong tâm trí, trong hình dung của con người, đôi khi tưởng với tay ra là chạm được, nhưng thực tế thì xa xôi lắm.
Những lá thư gửi Hạnh Dung không được viết trong hạnh phúc. Chúng được viết trong rối bời, dằn vặt, khổ đau, trách móc và cả ân hận. Thường những lúc đó, người ta nghĩ mình bất hạnh.
Người ta nghĩ, nếu ai đó thay đổi đi, nếu điều gì đó xảy ra như mình mong muốn, mình sẽ hạnh phúc. Nhưng những điều đó hiếm khi xảy ra. Vô tình, chúng ta đã mang hạnh phúc của mình đặt vào tay người khác, trao cho người khác cái quyền quyết định hạnh phúc của mình.
Sẽ không có một hạnh phúc nào ổn định, bền vững như cái kết tuyệt đẹp của chuyện cổ - “hạnh phúc mãi mãi về sau”; bởi cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là hôn nhân, là từng ngày trải nghiệm hạnh phúc và nâng cao yêu cầu về hạnh phúc.
Khi vừa kết hôn, chỉ cần anh và em đã là hạnh phúc. Nhưng một thời gian, ta sẽ cần thêm con trẻ, ta cần thêm bữa sáng ở nhà, ta cần thêm xe để đi làm, cần một ngôi nhà, rồi ngôi nhà lớn hơn, ta cần người thân bên gia đình, chồng hay vợ cũng phải hiểu mình, đồng cảm với mình…
Những hạnh phúc của ngày hôm nay như những bông hoa xinh đẹp nở ra và rụng xuống, trở thành điều kiện để ta có được những bông hoa hạnh phúc của ngày mai, đẹp hơn, thơm hơn, làm ta vui hơn.
Chúng ta mong mỏi những điều bạn đời mang lại cho mình, những gì mình mang lại cho các con, ngày một ý nghĩa hơn, hoàn hảo hơn. Ta đợi chúng như là hạnh phúc. Nhưng thực tế, chúng ta đã nâng những mong mỏi của mình lên, càng ngày chúng càng khó đạt được hơn và vì thế chúng ta khó hạnh phúc.
Nếu hôn nhân là trái tim đập trong cơ thể sống gia đình, điện tâm đồ của trái tim ấy sẽ là một đường phức tạp của những quãng thấp cao, lên xuống đỉnh và đáy. Đó có lẽ cũng là đường biểu tượng cho hạnh phúc của hôn nhân.
Hạnh phúc không phải là sự vắng mặt hay loại trừ tuyệt đối những cảm xúc tiêu cực. Theo cách nào đó, những cảm xúc tiêu cực là một điều kiện để mình cảm nhận được hạnh phúc một cách rõ ràng hơn, trọn vẹn hơn.
Sau đại dịch COVID-19, cảm nhận về điều này được nhìn thấy một cách thực tế hơn bao giờ hết. Nỗi buồn đau, mất mát có thật; nhưng cũng từ trong khoảng thời gian ngột ngạt buồn lo ấy, bao lứa đôi đã tìm lại được hạnh phúc của mình, bao cá nhân đã hiểu ra đâu là giá trị thực của hạnh phúc.
|
Ảnh minh họa |
Phụ nữ có xu hướng muốn tránh né các cảm xúc buồn bã, tức giận hay lo lắng. Nhưng thử hình dung khi đường điện tâm đồ trở thành một đường thẳng, cũng có nghĩa là trái tim đã ngừng đập.
Chỉ có chú hề sân khấu mới vui từ vở diễn này sang vở diễn khác, chú hề ấy mang chiếc mặt nạ với niềm vui được vẽ thành một nụ cười cường điệu. Có đôi khi cuộc sống “mượt” quá, vui nhiều quá, chiều ý nhau quá… cũng là dấu hiệu khiến ta nghĩ có khi ai đó đang mang mặt nạ để sống trong nhà.
Những mối quan hệ lành mạnh không bao giờ đơn điệu. Đời sống cảm xúc của con người sao tránh khỏi hỉ, nộ, ái, ố. Những bóng xám ảm đạm giúp người ta hồi tưởng, nâng niu hạnh phúc của mình và mong muốn thoát ra khỏi khoảnh khắc ấy để tìm kiếm những điều rực rỡ hơn.
Con người trưởng thành trong khát khao hạnh phúc và nuối tiếc hạnh phúc, như những đường dích dắc phức tạp trên dải điện tâm đồ.
Cái kết hạnh phúc đã được định hình từ thuở ấu thơ của nhân loại, gửi trong những câu chuyện cổ tích như một niềm khát khao chạm đến món quà hạnh phúc bền vững, hạnh phúc dài lâu.
Nhưng hạnh phúc chưa bao giờ là một trạng thái cố định, bất biến. Phụ nữ vẫn hay nhìn vào mắt người mình yêu thương để tìm hạnh phúc và coi đó như một phần hạnh phúc của mình. Bản năng chia sẻ, cho đi ấy khiến phụ nữ vừa mong manh hơn, dễ bị tổn thương; vừa hay có ý nghĩ so sánh, thấy người khác hạnh phúc hơn mình.
Lúc nào đó trong đời, bạn rơi vào một khoảnh khắc như thế, hãy nhớ những bước sóng cao thấp không đều trên đường điện tâm đồ. Hạnh phúc đang sống, đang đập mãnh liệt như chính trái tim mình. Hãy để mình bình an chờ niềm hạnh phúc đang đến, ngày mai.
Chính điều đó mới là mãi mãi.
Theo phụ nữ TPHCM