Dạo trên những con phố chính vào buổi chiều tối ở thành phố biển Quy Nhơn, du khách chắc chắn sẽ bị lôi cuốn bởi khá nhiều món ăn của các quán bình dân như bún, bánh canh, bánh mỳ, bánh xèo tôm nhảy… Với đặc sản là cá tươi ở cảng biển Quy Nhơn, món bún chả cá và bánh canh chả cá sẽ là lựa chọn hàng đầu với thực khách. Bún ở vùng miền nào cũng có, còn bánh canh thì chắc chăn không phải du khách nào cũng đã từng được thưởng thức.
Sợi bánh canh đặc biệt là được làm từ bột gạo hoặc bột mỳ, cán thành từng sợi ngắn và to. Khác với phở và bún, chỉ cần nhúng qua là có thể cho vào bát, rồi thêm nước dùng, bánh canh được thả vào nồi nước dùng và đợi cho chín tới mới lấy ra. Quan trọng ở món bánh canh chả cá của thành phố biển Quy Nhơn là nước dùng, vừa thanh, ngọt vừa của nước xương hầm kèm với thịt chả, tôm. Được giới thiệu, tôi ghé quán bà Trần Thị Nở mà người dân quen gọi là bà O, vốn là người gốc Huế, chuyển vào Bình Định sống và làm nghề gần 60 năm nay. Quán bún chả cá, bánh canh của bà nằm trên đường Bạch Đằng, một con phố khá dài, lúc nào cũng đông khách. Chắc bởi bà có những bí quyết riêng trong món ăn của mình nên thực khách đã ăn một lần rất nhớ: “Chả cá trong đó có tôm, có cua, luộc ra rồi chắt nước lấy xác xay nhuyễn đánh trộn với thịt với tôm rồi làm chả. Nước đó nấu rồi cho xương heo, xương loại xương ngon cho vào nấu nên nước ngọt, mọi người ăn rất thích”.
Bát bánh canh chả cá được múc ra nóng hỏi, nếm thử quả là không chỉ có vị ngọt thanh của chả, tôm mà còn là vị ngọt đậm của nước xương, hơi sánh. Một nhóm học sinh ngồi ăn trong quán và hỏi ra thì được biết đây là những khách hàng quen của quán vì bánh canh chả cá ở đây hấp dẫn trước tiên là do chả cá, tôm và nước dùng. Hãy nghe chia sẻ của những thực khách nhỏ tuổi này:“Em rất thích nước dùng vì nước sánh đẹp mắt thích ăn, nhiều chả, chả tôm em rất thích, chả dai nước dùng vừa không mặn”.
“Em thích bánh canh, khẩu vị của em rất kén, thường không thoải mái dễ lắm nhưng bánh canh thì em rất thích vì rất vừa miệng. Thích chả vừa dai không quá ngán nước đậm đà, không nhạt, hợp khẩu vị”.
“Ăn vừa miệng, nước dùng sánh ngon hài hòa, không nhạt không mặn, chả dai vừa phải, đậm đà nhiều loại chả và phối hợp hài hòa. Em rất thích ăn ở đây”.
“Nước dùng vừa miệng không nhạt không mặn. Chả đúng đặc trưng Bình Định luôn, chả rất ngon".
Những nhận xét của nhóm bạn nhỏ Gia Hân, Tuyết Thanh, Hương Uyên, Ngọc Giao cho chúng ta cảm nhận được thêm về nét riêng của món bánh canh chả cá Quy Nhơn vừa là lời giới thiệu của chính người dân nơi đây với du khách ở các nơi về món ăn này. Quả là vị ngọt đậm đà của nước cốt xương cộng với vị thanh ngọt của tôm cá khiến nước dùng sánh và có hương vị độc đáo khó quên. Xen lẫn trong những sợi bánh canh trắng, mềm là những miếng chả chiên vàng, hoặc nắm tròn được làm từ cá, từ tôm, kết hợp lại với nhau có hương vị độc đáo khó quên. Bà O cho biết thêm: “Chả cá mua cá thu, bỏ gia vị vào rồi bỏ cá vào quết, trộn tiêu hành bột ngọt gia vị đầy đủ. Tôi luôn cố gắng giữ phong tục của Huế cha ông để lại, bà cố, bà nội giữ để làm, công thức của Huế để làm thôi nên bà con ăn thích”.
Trước nấu món bánh canh cá lóc nổi tiếng của Huế, vào sống ở Quy Nhơn, bà O chuyển sang nấu bánh canh chả cá hợp khẩu vị với người dân nơi đây và quán của bà là địa chỉ quen thuộc với thực khách. Nhân bánh canh gồm trứng tôm cua thịt nạc giã vào tôm chả cá. Cá tươi dai, mịn, ngọt vị cá. Một bán bánh canh nóng hổi: sợi bánh trắng, thêm chả cá, tôm chiên vàng, vài quả trứng cút cho vào và thêm nước dùng, một chút hành mùi xanh làm cho bát bánh canh cuốn hút những thực khách đang cảm thấy bụng đói cồn cào. Ăn kèm với rau xà lách, rau mùi và có nhiều quán là gỏi cuốn chả cá. Chỉ cần cho thêm ít tương ớt của Quy Nhơn khá cay, chút chanh dấm tỏi chua chua vào, bát bánh canh đầy đủ hương vị và màu sắc sẽ khiến thực khách chỉ muốn thưởng thức ngay.