“Cách ly đến ngày thứ 6 rồi, tiếc quá vợ nhỉ?”

“Chồng tiêm đủ 2 mũi thì yên tâm rồi. Chồng đi sớm về sớm với hai mẹ con nhé!”.

Cuộc gọi kết thúc, Vân Anh bấm máy cho mẹ: “Ngày mai chồng con chưa về, bố mẹ trông bé Chelsea giúp con thêm ít ngày ạ”.

Chồng Vân Anh là bác sĩ Quách Duy Cường, công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, anh đang trong thời gian cách ly để có thể trở về nhà sau hơn 2 tháng tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Song thông báo đi chi viện cho TP.HCM đến bất ngờ khiến bác sĩ Cường không kịp về thăm vợ con.

Vân Anh dọn dẹp lại nhà cửa, nghĩ đến bữa cơm sum vầy, nghĩ đến việc định xin nghỉ làm để hai vợ chồng đón con gái. “Lần tới gia đình chắc chắn sẽ đông đủ”, cô thầm nghĩ.

Cùng lúc đó, tại bệnh viện, bác sĩ Quách Duy Cường chuẩn bị hành trang, ngay sau khi kết thúc cách ly, anh sẽ cùng 30 đồng nghiệp lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch.

                                            Cuộc sống hạnh phúc của Duy Cường và Vân Anh sau gần 8 năm bên nhau.

Gia đình mỗi người một nơi


Quen nhau 4 năm trước khi kết hôn, Quách Duy Cường (sinh năm 1989) và Đinh Thị Vân Anh (sinh năm 1994) luôn dành thời gian cho nhau, tham gia công việc tình nguyện, hiến máu. Vào các kỳ nghỉ lễ, ngày kỷ niệm, họ đều vi vu đến một miền đất mới. Khi về một nhà, chào đón con gái đầu lòng, hai vợ chồng lại càng gắn bó hơn.

“Chỉ khi nào đi làm thì hai đứa mới 'xa' nhau, còn lại việc gì cũng có nhau hết”, Vân Anh chia sẻ với Zing.

Vì vậy, chưa bao giờ Vân Anh lại nghĩ có ngày hai vợ chồng lại xa nhau đến mấy tháng như vậy. 4 lần dịch bùng phát là 4 lần bác sĩ Cường phải túc trực ngày đêm ở bệnh viện, hàng ngày phải tiếp xúc với các ca dương tính với Covid-19. Lần lâu nhất kéo dài nửa năm.

                                          Từ khi yêu đến lúc có em bé, chưa bao giờ Vân Anh nghĩ sẽ phải xa chồng lâu như vậy.


“Ngày mới có dịch, chồng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, mình lo lắm, sợ anh chẳng may nhiễm, nhưng cứ có thời gian rảnh là anh gọi điện, nhắn tin, báo cáo tình hình khiến mình yên tâm hơn. Đến giờ thì không còn lo nhiều nữa, coi như chồng đi công tác dài ngày thôi”.

Trường học tạm đóng cửa trong khi vẫn phải đi làm, Vân Anh đành gửi con về ông bà ở Thái Bình chăm sóc: “Con gái 2 tuổi rưỡi thì phần lớn thời gian ba đi công tác, cũng may là cháu ngoan, chịu ở với ông bà”.

Vậy là gia đình 3 người ở 3 nơi.

                                      Mỗi lần tranh thủ gọi điện cho nhau, Chelsea luôn líu ríu gọi ba mẹ, đòi được ôm, hôn.


Từ khi con gái được 16 tháng, bắt đầu bập bẹ tiếng "Ba" đầu tiên trong đời cũng là lúc anh Cường ở trong viện còn nhiều hơn ở nhà. Tuy vậy, hai ba con khá cuốn nhau. Mỗi lần được nghỉ phép, anh Cường đều dành hết thời gian cho gia đình.

Vân Anh cho biết cô thường xuyên phải làm “công tác tư tưởng” để chồng bớt nghĩ cho hai mẹ con. “Anh chỉ lo mình buồn, lo mình thiếu thốn khi không có chồng ở bên”.

Cuộc sống hiện giờ chỉ có một mình, Vân Anh không quá tất bật với công việc nội trợ hàng ngày, cô dành thời gian tập thể dục, gặp gỡ bạn bè và thường xuyên qua lại gia đình hai bên.

"Hàng ngày mình cố gắng làm nhiều việc, một phần để đỡ nhớ chồng con, một phần để anh thấy mình vẫn đang sống tốt".


                             Vân Anh thường nấu cơm một lần cho nhiều bữa. Nhà cửa cô luôn dọn gọn gàng để chờ chồng con về.


Luôn trân trọng công việc của các bác sĩ
Vân Anh luôn cho rằng bác sĩ là một nghề vất vả và đáng tự hào. Đến khi yêu nhau, cưới nhau rồi dịch bệnh xảy ra, cô mới thấm thía sâu sắc điều đó.

Những ngày đầu khi dịch mới xuất hiện ở Việt Nam, cô khá hoang mang khi bệnh viện nơi chồng làm việc là nơi tiếp nhận những ca nhiễm đầu tiên. Lúc ấy, corona còn là một điều khá mới mẻ, mỗi một ca dương tính được phát hiện đều khiến mọi người không khỏi lo lắng.

Song được chồng giải thích rõ về căn bệnh này, cô yên tâm phần nào, thậm chí còn đủ kiến thức để hướng dẫn người khác cách phòng dịch.

                                             Vân Anh đã quá quen thuộc hình ảnh chồng trong trang phục bảo hộ.


Vân Anh nhớ như in ngày 4/5, một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có kết quả dương tính với Covid-19, lúc ấy hai vợ chồng đang xem phim ở rạp thì anh Cường nhận được tin nhắn quay lại bệnh viện gấp để xét nghiệm.

"Bọn mình bỏ dở bộ phim, anh Cường vội vàng đến viện không kịp mang theo đồ đạc gì. Mình ở nhà lòng như lửa đốt", Vân Anh nhớ lại.

Rất may, chồng cô có kết quả âm tính nhưng vẫn ở lại để theo dõi thêm. Chiều 5/5, bệnh viện bị phong tỏa.

Vân Anh liền đến “chi viện” cho chồng: “Mình mang quần áo, thức ăn đến cho anh, nhưng chỉ được để ở ngoài cổng, chỉ được nhìn nhau từ xa 5 giây là bảo vệ yêu cầu ra về rồi”.

Từ lúc biết tin chồng đi công tác ở TP.HCM, Vân Anh khá lo lắng khi đây là lần đầu tiên anh đến tâm dịch. Cô nhờ người quen mua một số đồ dùng, thức ăn mang đến bệnh viện ở quận 5 cho chồng. Song với những kinh nghiệm trải qua các đợt dịch trước đây của chồng khiến cô cũng yên tâm hơn phần nào.

                                             Bữa cơm của bác sĩ Cường tại bệnh viện ở TP.HCM.


"Có bác sĩ không kịp về chịu tang mẹ vì đang trong thời gian cách ly, có bác sĩ không kịp về để chào đón đứa con ra đời. Vì vậy, dù không được ở bên nhau nhưng mình thấy may mắn khi chồng và con khỏe mạnh, bố mẹ hai bên đều giúp đỡ bọn mình hết sức có thể".

Những ngày xa nhau thế này, mong mỏi lớn nhất của Vân Anh là gia đình được gần nhau. "Với bọn mình bây giờ, cảm giác cùng làm những việc thường nhật cũng là xa xỉ rồi. Mình muốn đi làm về thấy chồng đã đón con rồi mình chuẩn bị bữa tối, cùng dọn dẹp, cho con đi ngủ, hai đứa lại dắt nhau đi lượn lờ, tập thể dục... Những ngày kì lạ nhưng lại làm người ta thấy trân trọng những điều vốn chỉ rất 'bình thường'", Vân Anh cho hay.

Theo Zing