Bức ảnh hiếm hoi anh Nguyễn Hoàng Việt chụp cùng với mẹ (nguồn fb Hoàng Việt)
Bức ảnh hiếm hoi anh Nguyễn Hoàng Việt chụp cùng với má

 

Những ngày đại lễ Vu lan báo hiếu, anh Nguyễn Hoàng Việt (63 tuổi, ngụ Cao Lãnh, Đồng Tháp) đưa lên Facebook dòng tâm trạng ngậm ngùi: “Lễ Vu lan báo hiếu, bông hồng nào dành cho tôi?”.

Má anh Hoàng Việt mới mất hồi tháng 4 năm ngoái, nhưng cho tới giờ, người đàn ông đầu bạc ấy vẫn loay hoay với câu hỏi “má thật sự đi rồi sao?”. Anh không chấp nhận nỗi đau mất má. Anh kể thỉnh thoảng vẫn len lén khóc khi đêm về nhớ má. Giọt nước mắt khóc mẹ của người đàn ông U70 khiến bạn bè chạnh lòng.

Bà xã anh Hoàng Việt bị di chứng của căn bệnh thoát vị đĩa đệm nên cần anh ở cạnh chăm sóc. Anh chỉ có thể tranh thủ lúc 5 giờ sáng chạy xe đạp tập thể dục, kết hợp với việc về thăm má.

Đoạn đường từ nhà anh về nhà má hơn 10 km. Sáng nào anh cũng mua cho má khi thì ổ bánh mì, gói xôi, tô cháo nóng… Anh cẩn thận đút cho má ăn. Nhìn má trệu trạo nhai, anh thấp thỏm trong lòng khi nhịp nhai của má uể oải. Bữa nào má khỏe, ăn ngon lành, anh mới thấy nhẹ nhõm.

Má ăn xong anh cho má uống nước, lau rửa vệ sinh cho má rồi mới yên tâm đạp xe về. Từ lúc má còn minh mẫn, còn nhớ anh là “thằng Việt” của má, tới lúc má khi nhớ khi quên, rồi má không còn nhận ra anh nữa. Anh vẫn cần mẫn mỗi sáng đạp xe về thăm má, đút cho má ăn, trò chuyện huyên thuyên cho má vui…

Đoạn đường về nhà má với anh là đoạn vui. Vừa đạp xe anh vừa nghĩ tới má. Anh nhớ những chuyện xa lắc từ hồi còn nhỏ xíu, còn trong vòng tay má, tới những chuyện ngỗ nghịch thời trai trẻ khiến má buồn lòng… Dòng tâm trạng như thước phim quay chậm, dắt anh đi qua những buồn vui, thấy thương má đã bao dung, đã thương anh biết chừng nào.

Anh lo bữa nay không biết má có khỏe không, tối có khó ngủ, có nhức mình, khó tiêu… Mỗi lần dựng xe bên thềm nhà, bước vào cửa thấy má nằm trên giường, niềm vui lẫn lo lắng nhen lên trong anh. Má còn đây để anh chăm, thăm nom mỗi ngày đã là phúc phần.

Bây giờ má anh đã thành mây trắng. Đoạn đường mỗi ngày anh đạp xe bỗng trở nên khắc nghiệt đến lạnh lùng. Anh sợ đoạn đường về nhà má, bởi có biết bao ký ức khiến anh thắt lòng. Không còn má ở cuối đường chờ anh, anh biết đi đâu về đâu! Từng tuổi này anh mới thấu nỗi đau của 2 tiếng "mồ côi".

Ngày trước, lễ Vu lan cũng anh đi chùa, tính đàn ông hay ngại ngần nên anh chưa từng cài hoa hồng lên ngực. Lễ Vu lan năm nay, nhìn hoa hồng trắng trên ngực áo những người không còn cha mẹ, anh thảng thốt giật mình. Anh từ chối hoa hồng dành cho mình, bởi cái màu trắng đó quá bi thương, khiến anh nhoi nhói trong dạ. Anh cố níu giữ ý nghĩ má ở đâu đó thôi, má chưa từng xa anh…

Mấy chị em ra vườn thăm mộ ông bà, tranh thủ chụp tấm hình kỷ niệm
Chị em tôi ra vườn thăm mộ ông bà, tranh thủ chụp tấm hình kỷ niệm

 

Mỗi năm đôi lần, tôi về quê giỗ họ ở nhà người chú. Đoạn đường về quê hơn 20km. Đi trên đoạn đường đó, tôi miên man nghĩ về ba về má. Mọi thứ trên đường từ cành cây ngọn cỏ đều thấy thân quen, thấy thương đến lạ lùng.

Tôi thương nền nhà cũ cạnh mộ ba má, giờ chỉ còn là gò đất trồng mấy cây xoài. Thương căn nhà mái lá năm xưa có dáng ba lom khom vào ra cho gà vịt ăn, lom khom nấu cơm trong căn bếp nồng mùi khói.

Tôi thương con mương nhỏ trước nhà, nơi ba tập cho tôi bơi lần đầu tiên. Tôi thương cây xoài già ngày xưa có cánh võng mắc ở đó. Trưa nằm nghe tiếng ba ho khúc khắc, nhìn trời xanh qua kẽ lá, tôi đã không biết mình đang sống những tháng ngày vui sướng khi còn ba, còn đủ đầy anh chị sum vầy.

Má mất khi tôi mới 5 tháng tuổi. Ba choàng cả tình thương của má sang tôi. Nhớ hồi tôi 5 tuổi, bị cái nhọt rất to ở bụng. Tối nào ba cũng pha nước muối ấm, rửa cái nhọt cho tôi, rồi đắp lá thuốc. Tôi mếu máo vì đau. Ba thổi lên vết thương và nói: “Ráng đi con, chịu đau vài bữa là nó lành”. Bạn của ba ghé chơi, ba nói: “Tụi nhỏ đau ốm, mình làm cha mẹ, nó đau một, mình đau tới mười”. Tôi ngồi chơi bên thềm nhà, ngẩn ngơ không hiểu.

Mãi đến khi tôi lấy chồng, sinh con, thấp thỏm bên giường bệnh của con, mới thấu câu ba nói năm nào. Con tôi ho một tiếng, thở hụt một nhịp là lòng tôi đau theo con. Tôi có chồng bên cạnh gánh đỡ khi con cái đau ốm còn thấy hoang mang. Ba tôi gánh đàn con 6 đứa, cái gánh của ba nặng biết chừng nào.

Ngày ba hấp hối ở bệnh viện, tôi từ xa chạy về thăm ba. Ba cầm tay tôi, muốn nói điều gì đó mà không thốt ra lời. Tôi nghẹn ngào, rất muốn nói “con thương ba”, nhưng câu nói vẫn mãi không thốt thành lời.

Đoạn đường từ bệnh viện về nhà mờ trong nước mắt tôi. Năm đó tôi mới 13 tuổi. Đoạn đường như xa mãi không về tới đích. Tôi không hiểu sao mình về được tới nhà. Đó là lần sau cùng tôi gặp ba, nắm tay ba...

Giờ anh chị em tôi người đi Đông người đi Tây. Mỗi dịp sum vầy đều vội vội vàng vàng, nhưng dù vội kiểu gì thì mấy chị em cũng dắt nhau về thăm quê, thắp nhang lên mộ ba má. Trong mùi khói nhang lãng đãng bay, thấy những ngậm ngùi thương nhớ vẫn vẹn nguyên. Chắc ba má ở trên đang nhìn xuống chị em tôi…

Chị Hai tôi ở Mỹ, mỗi lần chuẩn bị về Việt Nam, chị nói: “Chị không ngủ được Út à”. Tôi biết từ lúc đó chị đã thả hồn theo những con đường dẫn về quê mẹ. Quê nhà thân thương không hẳn vì chị đã lớn lên ở đó, mà vì có hình bóng mẹ cha.

Mùa Vu lan báo hiếu, trong chùa tràn ngập hoa hồng. Những bông hồng dù trắng hay đỏ cũng trĩu nặng trên ngực những đứa con, bởi công ơn sinh thành của mẹ cha, con cái trả bao nhiêu cho vừa!     

Theo phụ nữ TPHCM