Ngày nào tôi cũng chật vật lách qua cổng trường nhỏ hẹp thật nhiều những người cha người mẹ lúc lùng bùng áo mưa, khi kín mít nón khăn đợi đón đưa con đến lớp. Có người cố rướn thêm cho con được mát hơn. Có người cố nán lại chỉ để nhìn bóng lưng thiếu nữ đi trên con đường dài rợp bóng cây. Lần nào như lần ấy, có điều gì đó nhè nhẹ dâng lên trong tôi như một niềm thương mến cảm động vô cùng trước tình cảm yêu thương của ba mẹ dành cho con cái.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi nhớ bạn tôi từ miền Trung xa xôi đưa con vào TPHCM học đại học. Đứa con gái xinh đẹp, thông minh, khá bản lĩnh khiến cô ấy rất tự hào. Đứa con bạn tôi gói ghém, ấp ủ gửi theo biết bao ước mơ mà hơn 20 năm trước mẹ chưa thực hiện được.

“Thời hiện đại của Facebook, Zalo, có gì đâu mà buồn mà lo lắng. Ta phải làm một bà mẹ hiện đại buông con ra cho con bay cao bay xa chớ!” - bạn nói rành mạch tươi cười hớn hở.

Cho đến ngày con bé lên máy bay một mình. Cho đến ngày trong bàn cơm tối, 18 năm, lần đầu tiên vắng 1 chỗ ngồi. Cho đến ngày nhìn cái bình hoa, cuốn sách con yêu thích nằm chỏng chơ buồn thiu trên kệ. Cho đến ngày qua tiếng ồn của cơn mưa Sài Gòn, bạn nghe loáng thoáng giọng con như có nước: “Con nhớ nhà, nhớ mẹ”. Cô bạn tôi mềm nhũn nhăn nhúm như một quả cà chua bị trụng qua nước sôi, rấm rứt khóc.

Có trào ra thành nước ở mắt hay không, có bật thành lời hay không cũng vậy. Chỉ cần 1 lần buông con ra khỏi tầm tay mình, dẫu con bao nhiêu tuổi đi đến tận năm châu bốn bể thì lòng mẹ liệu có ngày nào an? Vậy nên, dù có nói chuyện với nhau mỗi ngày, tôi vẫn không bảo bạn mình đừng lo.

Làm sao tôi có thể khuyên trái tim của người mẹ thôi yêu thương lo lắng cho con mình? Tuổi “thất thập cổ lai hi” như mẹ tôi, con cái trưởng thành đã có gia đình mà mẹ vẫn chưa nguôi. Ở xa, mỗi sáng tối, mẹ đều đặn hỏi đứa này ăn gì, đứa kia đi làm mưa coi chừng bệnh, ngủ cho đầy đủ, đi đứng cho cẩn thận, rồi thắc thỏm theo từng bản tin dự báo thời tiết, tin bệnh tật, tin tai ương… Huống chi bạn tôi, con cô ấy còn một quãng dài phía trước.

Trong hơn 20 năm đứng lớp, suốt khoảng thời gian dài ấy, với nhiều đổi thay trong đời sống, tôi gặp biết bao người cha người mẹ đủ thành phần xuất thân, cảnh ngộ. Nhưng, có một điều không thay đổi: ít khi, không muốn nói là chưa bao giờ, tôi gặp phải một người cha người mẹ không nặng lòng với con mình.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Không biết bao nhiêu người mẹ ngồi với cô giáo, nói chưa tròn câu chuyện là nước mắt lại ứa ra. Những giọt nước mắt hạnh phúc khi kể lúc con đáng yêu, những giọt nước mắt đau khổ khi kể lúc con ương bướng, lỗi lầm. Tôi đã gặp không ít người cha lúng túng ngượng nghịu như muốn thú nhận sự bất lực, khuôn mặt chảy ra nặng nề đau khổ. Tôi đã gặp những người cha tất tả chạy đến cổng trường đón con, người lem nhem ướt, tay cầm áo mưa dành cho con sự khô ráo… 

Chợt nhớ sáng nay là ngày mẹ có lịch hẹn tái khám với bác sĩ gia đình. Tôi ở xa nên không thể đi với mẹ. Tôi hỏi chị mình có đi với mẹ không, chị bảo chị đi công tác ở thành phố khác. Tôi hỏi em gái, em bảo bận đưa con đi học. Gọi cho mẹ, tôi nghe giọng mẹ vui vẻ: “Mẹ khỏe mà, tái khám thôi. Không cần ai theo mẹ đâu!”. 

Có bao nhiêu đứa con được ba mẹ đưa đón ngày dăm ba lượt suốt mười mấy năm ròng rã? Có bao nhiêu thương yêu, lo lắng suốt hàng ngàn ngày tháng trên đời này ba mẹ dành cho con? Rồi ngày mai họ ở chặng bóng xế, liệu chúng ta, những đứa con, có ai và được mấy ngày đi cùng ba mẹ trong bệnh viện, ngoài công viên? 

Theo phụ nữ TPHCM