Lệnh phong tỏa và quy định giãn cách xã hội trong Ngày của Mẹ năm nay khiến nhiều người không thể ôm hôn mẹ. Ảnh minh họa
Thời Hy Lạp cổ đại, lễ hội tôn vinh nữ thần Cybele, mẹ của tất cả các vị thần Hy Lạp, được tổ chức vào thời điểm xuân phân, khi mặt trời ở gần xích đạo nhất. Trong khi đó, tại La Mã cổ đại, người ta ăn mừng lễ hội Matronialia để tôn vinh nữ thần Juno, nữ hoàng của các vị thần La Mã, vợ của thần Jupiter. Theo phong tục, các người mẹ tại La Mã cũng được tặng quà trong ngày này.
Mừng Ngày của Mẹ
Bản Tuyên ngôn Ngày của Mẹ (The Mother's Day Proclamatio) của bà Julia Ward Howe là một trong những lời kêu gọi đầu tiên để tôn vinh các người mẹ tại Mỹ. Được viết năm 1870, bản tuyên ngôn này là sự phản ứng ôn hòa đối với sự tàn phá của cuộc Nội chiến cũng như là cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ. Bản tuyên ngôn dựa trên nền tảng của chủ nghĩa nữ quyền. Bà Julia Ward Howe còn có ý định thành lập một ngày lễ mang tên Ngày của Mẹ vì Hòa bình (Mother's Day for Peace) nhưng phong trào này dần lụi tàn vì không đủ kinh phí và không vượt ra khỏi khu vực địa phương. Tuy nhiên, ý tưởng của bà Howe đã gây ảnh hưởng lớn đến không ít phụ nữ trong xã hội.
Trong bối cảnh Nội chiến Mỹ, bà Ann Maria Reeves Jarvis tập hợp các phụ nữ khác với sứ mệnh chăm sóc cho các thương binh từ cả hai miền Nam Bắc. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, bà khởi xướng phong trào mang tên Ngày các Hiền Mẫu làm việc (Mothers' Work Days) vào năm 1858 cùng với các bà mẹ của các chiến binh từ cả hai miền để nhấn mạnh các hoạt động xã hội vì hòa bình và hòa giải. Ann Maria Reeves Jarvis qua đời tại thành phố Philadelphia vào năm 1905. Tại ngôi mộ của mẹ mình, cô con gái Anna Marie Jarvis thề rằng sẽ nối gót theo chân mẹ và thành lập một ngày lễ dành riêng cho các bà mẹ, còn sống cũng như đã qua đời.
Bà Anna Marie Jarvis khởi xướng Ngày của Mẹ năm 1908
Ngày của Mẹ được khởi xướng bởi bà Anna Marie Jarvis tại thành phố Grafton (Virginia, Mỹ) năm 1908 để tôn vinh những người mẹ hiền, đặc biệt là trong khung cảnh của mái ấm gia đình. Năm 1910, Thống đốc bang Tây Virginia, William E. Glasscock, là người đầu tiên công bố Ngày của Mẹ. Bà Anna Marie tiếp tục tranh đấu không ngừng để quảng bá ngày lễ này khắp nơi. Hoa cẩm chướng là loài hoa mà mẹ của Anna Jarvis yêu thích nhất khi bà còn sống cũng trở thành biểu tượng cho ngày lễ của mẹ tại Mỹ.
Năm 1914, bản nghị quyết do Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Woodrow Wilson ký đã chính thức công nhận Ngày của Mẹ vào ngày Chủ nhật thứ 2 trong tháng 5. Từ đó, lễ vinh danh hiền mẫu đã lan rộng và được thông qua bởi các quốc gia khác và hiện nay được tổ chức trên toàn thế giới.
Tại Mỹ, đến nay, Ngày của Mẹ vẫn là một trong những ngày có doanh số lớn nhất về bán hoa, thiệp chúc mừng, các cuộc gọi điện thoại đường dài và cũng là ngày có nhiều người đi nhà thờ nhất sau lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Một số tín hữu đi lễ vẫn kỷ niệm ngày này với hoa cẩm chướng, hoa có màu đỏ nếu người mẹ của họ đang còn sống và màu trắng nếu mẹ của họ đã qua đời.
Lệnh phong tỏa và quy định giãn cách xã hội trong Ngày của Mẹ năm nay khiến nhiều người không thể ôm hôn mẹ. Khi phần lớn các nhà bán lẻ đóng cửa, việc mua quà tặng rất khó khăn. Tuy nhiên, theo Liên đoàn bán lẻ quốc gia, 86% người Mỹ cho biết họ vẫn tổ chức lễ kỷ niệm trong ngày. Đơn chuyển điện hoa chúc mừng mẹ tăng lên trong mấy ngày qua. Người thì kỳ công cắt ghép những bức ảnh, thước phim từ ngày xưa của cả nhà dựng thành một đoạn phim ngắn tặng mẹ.
Gọi điện video cho mẹ thời dịch Covid-19
Con cái điện thoại, gọi video đến cho mẹ mình. Đây cũng được xem là phương án hữu hiệu giúp các bà mẹ luôn có cảm giác con cháu sum vầy bên cạnh, cùng trò chuyện và chia sẻ trong cuộc sống thường ngày. Cô Alyssa MacKenzie, nhân viên tổ chức hoạt động nhân quyền, cho biết bản thân hiếm khi gọi điện thoại trực tiếp ngoài những thứ liên quan tới công việc. Tuy nhiên, từ khi lệnh cách ly toàn xã hội ban hành, cô dành hàng giờ để trò chuyện với mẹ khi không thể trực tiếp đến thăm bà. "Tôi muốn nghe giọng nói quen thuộc của mẹ", cô chia sẻ.
PV (Nguồn: ABC News)