Rất nhiều năm rồi gia đình chị mới đông đủ bên nhau vào dịp xuân mới. Lý do cũng như mọi gia đình khác: chị thích về quê ngoại, anh muốn về quê nội, mà 2 quê xa tít 2 đầu đất nước.

Có lần, cha mẹ đôi bên biết chuyện đã khuyên họ chia ra: năm nay về nội thì năm sau về ngoại. Nhưng đúng năm đó thì cha chị đột quỵ, sức khỏe giảm sút; mẹ anh cũng mắc bệnh hiểm nghèo. Ai cũng thương cha mẹ chồng/vợ nhưng không thể không xót cha mẹ mình.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Cả anh và chị đều là người gánh vác kinh tế và có tiếng nói quan trọng ở gia đình lớn. Ngày tết sum họp chính là dịp họp bàn và “ra quyết sách” cho nhiều vấn đề của gia đình, nên không thể vắng mặt. Hơn tất cả, họ cũng chung lý lẽ: cha mẹ không biết còn bên ta được bao mùa xuân nữa, nên phải tận dụng tối đa khoảng thời gian có thể.

Cuối cùng, họ thống nhất chọn chia đôi gia đình mỗi dịp tết. Cả hai coi dịp xuân mới là thời điểm của trách nhiệm và tình cảm với gia đình lớn, còn gia đình nhỏ sẽ chăm chút vào dịp khác. 3 đứa con có năm đều theo cha về nội, có năm lại theo mẹ về ngoại. Thời khắc giao thừa, họ chỉ có thể gọi video chúc tụng nhau.

Nhưng mùa xuân năm nay đã khác. 3 đứa trẻ nghỉ học tới 17 ngày, anh cũng nghỉ làm tới tận mùng Mười mới vào công sở. Chị vừa làm đơn thôi việc nên thời gian phía trước là một khoảng tự do mênh mông.

Chị bàn với anh, cho trẻ về quê ngoại ở miền Tây trước, rồi đặt vé cho các con ra Bắc thăm ông bà nội đúng mùng Một tết. Sau đó họ sẽ khởi hành đi dọc đất nước, mỗi chặng chừng 200 - 400km để các con được thăm thú các điểm du lịch nổi tiếng. Anh rất mừng nên đồng ý và nhận thu xếp từ A-Z cho cuộc đi dài.

Tính từ lúc lập gia đình, đây là lần đầu họ du xuân đủ đầy cùng nhau. Tưởng mọi chuyện sẽ đơn giản nhưng hóa ra lại đầy phức tạp. Đầu tiên là quan niệm về du lịch - anh thích sang chảnh, thích tiêu pha, trải nghiệm các dịch vụ đắt tiền. Vì anh giấu vợ con về chi phí nên chị đành tự lên mạng xem giá phòng khách sạn. Vừa xem lòng vừa đau như cắt. 1 ngày, 2 căn phòng hạng sang họ thuê đã bằng tiền chợ cho gia đình cả tháng.

Các bữa ăn ở nhà hàng thì đôi ba triệu đồng cho 5 người là thường. Chị thì luôn nghĩ, chỗ ở sạch sẽ, gọn gàng là được rồi, không cần phải quá sang, vì phần lớn thời gian sẽ dành đi thăm thú, khám phá, tìm hiểu văn hóa và đời sống địa phương, ăn món đặc sản, tận hưởng ẩm thực đường phố…

Nhưng chị nói thế nào cũng không lay chuyển được anh. Anh nói đây là chuyến du xuân sum họp đầu tiên, nên anh phải tổ chức cho các con thật vui. Các con đang tuổi teen, đều yêu thích mua sắm hàng hiệu và thích check-in nơi nổi tiếng, nên chúng có vẻ vui quá mức với những tiện nghi, những chương trình đắt tiền.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Cuối cùng, người không vui suốt chuyến đi là chị. Có lúc anh phát khùng, nói thẳng là chị đừng càm ràm, so sánh tiền bạc, làm hỏng những ngày vui của cha con anh. Hôm ấy, giữa biển trời của một khu resort miền Trung, con gái lớn an ủi chị: “Con biết mẹ vừa nghỉ việc nên xót tiền hơn bình thường. Chúng con đâu phải chỉ mê nhà hàng và dịch vụ quá xịn. Nhưng mẹ ơi, khi mình không thể thay đổi được ba thì mình nên vui lên chứ ạ!”.

Chị ngẩn ra, con gái chị mới 14 tuổi, hóa ra đã biết nghĩ sâu. Lâu nay con thường chọn hướng xử lý vấn đề, tìm giải pháp; còn chị luôn tập trung vào hiện tượng và than vãn, kêu ca nếu nó không như ý. Quả thật chị không thể thay đổi được chồng hay hoàn cảnh, chi bằng chị nên đồng thuận để cuộc vui vẹn tròn.

Trở về Sài Gòn sau hành trình dài, chị nhớ mãi “câu sấm” của con gái: “Chỉ cần cha mẹ bớt cãi nhau thì chuyến du xuân mỹ mãn với tụi con rồi”. Khi ấy, chị đã hứa sẽ nghe theo con, cho những cuộc du xuân dài rộng sau này của gia đình luôn rộn ràng, đầm ấm. 

Theo phụ nữ TPHCM