“Lấy chồng nghèo hạnh phúc được bao ngày?” Không chỉ là một tựa bài đăng trên báo Phụ nữ gần đây mà còn là câu hỏi khá thường trực của nhiều chị em hiện đại. Tôi cũng không ngoại lệ.
- Chồng nghèo thì làm sao có vốn tích lũy?
- Khi gặp xui rủi, hoạn nạn phải bấu víu vào đâu?
- Chồng nghèo thì con mình chắc chắn sẽ không đầy đủ như con người khác?
- Chồng nghèo rồi khi có dịp dắt nhau về quê có bị mọi người khinh khi?...
Hàng loạt câu hỏi dấy lên khi mà xã hội ngày nay, mỗi ngày mở mắt ra là hàng trăm thứ vận hành bằng tiền.
|
Hàng bạn cập nhật lên Facebook những bức hình, trạng thái tích cực ( Ảnh minh họa) |
Cho đến một hôm, tôi ghé nhà Loan và Tuấn thăm chơi. Hai người là bạn học cũ nhưng mấy năm nay vì bận bịu công việc và con nhỏ nên chúng tôi chưa sắp xếp hội ngộ nhau lần nào. Vợ chồng tôi chỉ thăm bạn qua Facebook.
Cứ mỗi trạng thái Loan cập nhật, chồng tôi sẽ là người đầu tiên thả tim. Anh không nói ra, nhưng tôi hiểu, mỗi ngày mà vợ chồng bạn đang có chính là cuộc sống mà anh thầm ước mơ. Anh thích tư tưởng “người biết đủ chính là người giàu có” của bạn.
Nhiều lần anh trao đổi thẳng thắn, muốn cùng tôi từ bỏ công việc “sấp mặt” ở phố để cùng về ngoại ô dựng ngôi nhà nhỏ rồi chăn nuôi, làm vườn. Anh bảo : “Thật ra, nhiều người trong chúng ta đang đi đường vòng. Ai cũng hướng đến một cuộc sống được vận động thể chất, ăn sạch, thở rộng. Thế nhưng năm này qua tháng khác lại bán mạng cho công việc chốn đất chật người đông để kiếm tiền. Có tiền lại đi mua vé tập thể thao thể dục, đi mua rau củ hữu cơ giá trên trời, đi khám bệnh, mua thực phẩm chức năng. Nỗ lực là tốt, nhưng sự lựa chọn sáng suốt ngay từ đầu lại càng tốt hơn”.
Hoàn cảnh của chúng tôi không khác Loan và Tuấn là mấy. Cũng từ quê lên phố học đại học, mưu sinh lập nghiệp. Hai bạn có đất ở quê do ông bà để lại. Chúng tôi cũng có phần do bố mẹ cho. Thế nhưng, nếu chúng tôi chọn ra đi, thì cách đây 5 năm Loan, Tuấn đã chọn trở về. Các bạn lập vườn, trồng cây, mở trang trại chăn nuôi thêm dê, gà, vịt…
Loan chia sẻ: “Không những nhà chưa sửa, xe chưa mua, mà hàng tháng các bạn còn phải trả lãi ngân hàng, các con đến mùa nhập học, mua sắm cũng phải tính toán, cân đối thu chi nhiều khoản”.
“Chúng mình nghèo mà không khổ, nghèo mà không ngặt. Ngay từ những bước chân đầu tiên, cả mình và anh Tuấn đều lường lượng trước những được mất của lựa chọn này. Sẽ khó mà giàu lên nhưng bọn mình yêu lao động, hạnh phúc với những gì đang làm, đang có”, Loan nói thêm.
|
Bình yên là thứ tiền không mua được ( Ảnh minh họa) |
Nghe Loan tâm sự, tôi chợt nhận ra, câu hỏi “Lấy chồng nghèo hạnh phúc được bao ngày? ” thật ra rất có vấn đề. Vì “nghèo” không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra “đau khổ”. “Đau khổ” hay “hạnh phúc” vốn dĩ nằm ở thái độ sống. Dù nghèo, nhưng chỉ cần vợ chồng đồng sức đồng lòng, cùng hệ suy nghĩ thì cuộc sống vẫn trôi qua trong suôn sẻ, nhẹ nhàng. Sự méo mó chỉ xuất hiện khi hai người chênh nhau trong tư tưởng, lựa chọn.
Nếu “nghèo” gây đau khổ, thì “giàu” đôi khi còn là kẻ tội đồ dẫn đến nhiều nỗi bi thương hơn. Giả sử bây giờ tôi đặt hỏi câu “Lấy chồng giàu hạnh phúc được bao ngày?” vào nhóm chị em, không khéo lại nhận về hàng ngàn phân tích không kém phần rôm rả cũng nên.
Sau hai ngày ở lại thăm chơi cùng gia đình bạn, chồng tôi vẫn chưa thỏa. Với chúng tôi, những hoạt động như cùng câu cá, hái rau, cùng lên đồng hái hoa dại về cắm, ra sông nhặt đá về xây hòn non bộ, cùng trải chiếu lên sân nhà ngắm sao sau chuyến đi sẽ trở thành kỷ niệm. Nhưng với Loan và Tuấn thì nó sẽ tồn tại, lặp đi lặp lại thêm rất nhiều lần. Bạn bảo: “Nhờ nghèo, mà chúng tớ tự sáng tạo, tìm thêm được nhiều niềm vui hơn”.
Theo phụ nữ TPHCM