Câu chuyện của nhà hàng xóm xộc vào mâm cơm nhà anh Nguyễn Linh (quận Tân Phú, TPHCM) khiến không khí bỗng nặng nề. Đó là khi vợ anh lấy bịch trái cây nhà hàng xóm tặng và ai cũng nhận xét là trái cây này không được tươi ngon. 

Anh Linh bực dọc: “Chắc do không ngon nên hàng xóm mới tống qua cho mình”. Vợ anh phản đối: “Quý nhau ở tấm lòng, người ta nghĩ đến mình là tốt rồi. Sao lại nghĩ xấu người ta như vậy? Bỏ cái kiểu lấy bụng ta suy ra bụng người đó đi!”. Chồng thêm 1 câu, vợ thêm 1 câu, vấn đề càng bị đẩy xa.

Anh Nguyễn Linh nổi cáu, vặn vẹo vì sao vợ lại bênh ông hàng xóm chằm chặp, rằng anh đã thấy kỳ kỳ từ lâu rồi… Chị nghênh mặt thách thức: “Vậy thì đã sao? Ông hàng xóm chẳng hơn một người gia trưởng, thô lỗ, chuyện gì cũng suy diễn tiêu cực như ông sao?”. Âm thanh sau cùng nơi phòng ăn là tiếng rơi loảng xoảng trên sàn nhà; tiếng thút thít của phụ nữ, của con trẻ và liền sau đó là tiếng đóng sầm của tay nắm cửa.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
 

Ngôn ngữ là thước đo tình cảm vợ chồng khá chuẩn xác. Khởi đầu bằng cách gọi “mình ơi”, “cưng”, “anh/em”… rất đỗi ngọt ngào hay tiếng ông - tui xẵng lè, thậm chí mày - tao lạnh lùng, chán ngán. Cách sử dụng ngôn ngữ có thể là nhịp cầu, cũng có khi là rào cản trong giao tiếp vợ chồng. Kèm theo đó là thái độ, ánh mắt, cử chỉ, âm lượng... đẩy hiệu quả tương tác vợ chồng về 2 thái cực: hoặc quá nồng nàn, thắm thiết hoặc quá… “dễ xa nhau”. Lời nói “trói tim” nhau bằng sợi thừng gai hay chiếc nơ xinh xắn, êm ái là do người trong cuộc chọn lựa, bằng cách mà họ tương tác với bạn đời.

Vì sao và làm thế nào để vợ chồng nhận thức và ứng xử chừng mực trong việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp? Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà - Trưởng khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM - cho rằng: “Trong cơn nóng giận, một lời nói chừng mực là vô cùng quý giá. Nếu không nói được thì nên chọn im lặng. Vợ, chồng cẩn trọng lời nói sẽ giữ được hòa khí trong nhà, con cái cũng sẽ nghe theo ba mẹ, hấp thu giáo dục gia đình từ lời ăn tiếng nói của ba mẹ”.

Hiểu một cách đơn giản, văn hóa giao tiếp trong quan hệ vợ chồng là cách thức vợ chồng nói chuyện, trao đổi, chia sẻ với nhau những tâm tư, tình cảm trong đời sống gia đình mỗi ngày. Hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu, vợ chồng trước hết là những người yêu nhau, trân trọng cách thức trò chuyện của nhau.  

Phân tích về tầm “phủ sóng” của lời nói yêu thương trong lộ trình hôn nhân, phó giáo sư Hồng Hà chia sẻ, người ta bảo những đôi mới cưới như “mật ngọt rót vào tai”, giao tiếp của họ đang trong giai đoạn tình cảm, ngọt ngào nhất. Nếu có gặp phải vấn đề gì đó thì thường là vấn đề với các thành viên khác trong gia đình lớn, nơi họ mới gia nhập: anh chị, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ...

Sau một thời gian, cách thức vợ chồng nói chuyện với nhau cũng có sự thay đổi. Vợ chồng sống với nhau lâu thường quen thuộc tính nết của nhau, không cần nhiều lời, không cần giải thích dài dòng, chỉ cần một ánh mắt, một cử chỉ là hiểu nhau. Do đó họ ít lời lại.

Nguyên do khác là vì mỗi người đều… lười hơn. Họ nghĩ vợ/chồng chắc hiểu rồi hoặc phải biết, phải hiểu, mình đâu cần phải nói nhiều nữa. Kể cả có nói, cũng đâu cần phải chú ý nói cho ngọt ngào, dễ nghe, cho hấp dẫn, thu hút nữa - người này đều biết người kia hết cả rồi.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

 

Vậy nên, giao tiếp lời nói dần nghèo đi, thiếu sắc thái tình cảm, thiếu sự thu hút; giao tiếp phi ngôn ngữ cũng trở nên ít tinh tế hơn. Tất cả làm cho giao tiếp có phần giảm chất lượng.

Dù thẳng thắn, chân thật, chị Mai Vàng (Kiên Giang) vẫn lưu ý điều tiết lời nói sao cho bạn đời cảm thấy ít bị tổn thương nhất. Ví như chuyện chọn trường cho con, vợ chồng chị đưa ra những quan điểm, cách nhìn nhận riêng, nhưng mấu chốt không phải là ai đúng, ai sai, mà ngôi trường nào tốt, phù hợp cho con thì vợ chồng sẽ thống nhất quyết định.

Chị Mai Vàng chia sẻ kinh nghiệm: “Đôi lúc thấy tôi làm việc nhiều, lịch trình dày đặc, ông xã khuyên tôi dành thời gian đi chơi với con. Nghĩ lại lời ông xã nói, tôi cố gắng làm việc nhưng vẫn dành thời gian để chơi với con, làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Và dù mâu thuẫn có là gì, cốt lõi là chúng ta cần phải tôn trọng những giá trị của nhau và phải thẳng thắn, không dè dặt trong lời nói đối với nhau”. 

Im lặng chỉ là vàng khi đúng nơi, đúng lúc

Nhiều khi sự im lặng có ý nghĩa sâu hơn, phong phú hơn cả lời nói, nhưng phải là sự im lặng đúng nơi, đúng lúc. Nếu chỉ chọn im lặng, chúng ta đánh mất ngôn ngữ của mình - đánh mất công cụ tuyệt vời để hiểu, yêu thương và chia sẻ suy nghĩ với nhau. Nhiều khi sự im lặng nặng nề trong gia đình là áp lực đáng sợ, càng im lặng càng nung nấu nhiều thứ trong lòng. Vậy nên, chỉ khi thực sự hiểu được ý nghĩa của sự im lặng thì mới dùng nó đúng nơi, đúng lúc được.

Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà

Theo phụ nữ TPHCM