Bà vợ hổ báo - em tự nhận mình như vậy, còn cha con anh chẳng ai gan to nói ra lời đó. Anh là kiểu con nhà lính, tính nhà quan; tiếng là con nhà nghèo nhưng từ nhỏ đến lớn được ba mẹ cưng chiều, chỉ ăn với học, chẳng phải động tay vào việc gì nên đến tận khi lấy vợ vẫn không nấu nổi một bữa cơm. Lấy nhau về, em “rèn giũa” anh đến nơi đến chốn, từ chuyện bếp núc, sinh hoạt đến việc mua nhà, mua xe đều được hoạch định rõ ràng. 

Con 6 tuổi, em đã rèn con xếp quần áo, gom rác, rửa chén. Thằng bé thấp tịt, phải kê ghế đứng mới chạm cái bồn rửa. Rửa được mấy cái chén, hôm thì rơi vỡ, hôm thì ướt hết quần áo, mồ hôi đẫm trán. Bà nội lên chơi, xót cháu nên giành rửa giùm, bị em “mời” ra ngoài phòng khách.

Con lớn lên chút nữa, em để con tập đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo. Hàng xóm có người không hiểu chuyện, bảo em “hành” con, nhưng em có lý lẽ của riêng mình: nếu muốn con trưởng thành thì phải rèn cho con từ những thứ nhỏ nhặt.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
 

Không ít lần, em “triệu hồi” cha con anh từ tầng 1 lên tầng 3 tắt bóng đèn, tắt quạt bị bỏ quên khi ra khỏi phòng hay quay lại nhặt rác bỏ vào thùng vì lỡ tay ném ra ngoài. Cũng có lần, leo cầu thang mệt, anh cáu: “Em đứng ngay đấy, sao không tắt luôn đi”. Em thủng thẳng: “Em tắt thì đơn giản, nhưng lỗi của mình mà người khác sửa giúp thì chẳng bao giờ nhớ đâu”.

Hổ báo là vậy, nhưng anh mổ ruột thừa, em lo sợ tái mặt; con tham gia học kỳ quân đội có 2 tuần mà chẳng đêm nào em ngủ trọn giấc, vì thương cậu con lần đầu sống xa nhà. Là hổ báo nên em chẳng ngại ngần khi phê phán đám bạn hay tụ tập nhậu nhẹt với anh: bạn tốt, sao không khuyên nhau bớt uống đi một chén mà lại cứ công kích đổ rượu, bia vào miệng nhau như thế. Em “gầm gừ” nếu biết ông nào đó rủ rê ông chồng đau dạ dày mạn tính của em đi uống rượu đến say và em cũng chẳng động lòng khi để anh vạ vật ở ngoài vì không nhớ giờ về.

Ai cũng nghĩ là em ghê gớm, nhưng chỉ mình anh biết, khi bạn anh bệnh nặng phải vào viện điều trị, hỏi vay tiền khắp nơi không có thì chính em lại chủ động gợi ý cho anh: “Đằng nào tháng sau mình mới phải thanh toán nốt tiền nhà. Tiền còn trong tài khoản, anh cứ chuyển cho bạn anh vay đi. Nợ còn khất được, nhưng bệnh thì chẳng chờ người”.

Em không kiểm tra điện thoại, ví chồng hằng ngày, nhưng em có cách làm anh biết “sợ” nếu lỡ giấu giếm hoặc làm điều gì có lỗi với em. Còn nhớ cái lần em đang mang bầu, anh hẹn đưa em đi xem vở nhạc kịch mà em rất thích nhưng sát giờ lại vướng công việc nên đành trì hoãn. Anh cứ nghĩ em sẽ ở nhà, ai ngờ em tự lái xe đi một mình. Tối muộn em về, tửng tưng buông một câu: “Em cũng có chân mà, sao lại phải để cảm xúc của mình phụ thuộc vào sự bận rộn của người khác”.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Mẹ chồng lên chơi, em giao cho anh nhiệm vụ ra bến xe đón mẹ. Anh ừ à rồi bạn gọi đi nhậu, quên mất, để rồi mẹ phải đón xe ôm về. Tối muộn anh về, em vẫn chờ cửa. Em chỉ vào đống đồ mẹ mang ở quê lên, bảo: “Sức đàn ông như anh liệu có vác hết chỗ này không vậy mà mình mẹ khuân hết đấy. 1 năm anh có bao nhiêu cuộc hẹn, anh nhớ hết không? Còn mẹ mỗi năm anh gặp được bao nhiêu lần, anh đếm thử trên đầu ngón tay xem. Đừng để đến khi phải đi sau cái xe quan đưa mẹ ra đồng rồi khi ấy mới khóc than mong ngày xưa quay lại”.

Gần 30 năm chung sống, không ít lần vợ chồng mình xích mích, cự cãi nhau. 2 thằng con cũng nhiều phen “khó thở”, “khó ở” vì có một bà mẹ la sát. Nhưng nhờ vậy mà từ một người ham vui, vô lo, vô nghĩ, anh trở thành người đàn ông sống có trách nhiệm, có thể tự nấu những bữa cơm tươm tất khi vợ vắng nhà. 2 cậu con lớn lên, lấy vợ, đều biết chăm lo, xây đắp tổ ấm hạnh phúc.

Dẫu không nói ra nhưng khi đã kiên cường vượt qua những sóng gió quăng quật trong cuộc đời, 3 cha con anh đều công nhận một điều: nếu không có em - bà vợ, bà mẹ hổ báo nhưng cũng đầy tình yêu thương thì cha con anh vẫn là những gã đàn ông to xác chưa trưởng thành. 

Theo phụ nữ TPHCM