Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em năm nay 38 tuổi, sắp phải nghỉ làm vì chuyện gia đình. Em rối trí quá không biết quyết định ra sao. Chồng em là con út trong gia đình có 3 chị em. Má chồng em năm nay 81 tuổi đang sống chung với vợ chồng em và 2 cháu nội. Bà bị suy giảm trí nhớ từ cách đây 1 năm, đến nay bệnh ngày càng nặng.

Má chồng em hiện nay tâm trí gần như đã rối loạn hết, má không nhớ ăn rồi hay chưa đã đành, nay má cũng không thể tự mặc quần áo hay vệ sinh cá nhân. Trước đây, khi má mới bệnh, vợ chồng em đi làm, có gì còn nhờ 2 con em phụ giúp chăm sóc má. Nay thì 2 con em không thể phụ được nữa, phần vì 2 con còn bận học, phần vì 2 con đều là con trai, không thể giúp bà nội lo vệ sinh cá nhân hay những việc khác.

Em đã thuê người giúp việc nhưng ai cũng chỉ làm được 1 tuần hay chục ngày là xin nghỉ vì không chịu nổi việc phải theo bà suốt đêm ngày. Gia đình em đang ở tầng 24 của chung cư, má rất thích mở cửa đi ra ngoài. Nhà phải làm rào chắn tất cả cửa sổ, cửa đi, nhìn giống như nhà tù vì sợ má leo ra ngoài rồi té.

Tuần rồi, em đã nghỉ phép năm để chăm má. Em quá sức mệt mỏi, má lại lãng tai nên nói chuyện với má chỉ là “không được”, “ăn đi”, “ngồi yên”. Chồng em nghe vậy thì sốc, trách em hỗn với má, làm gương xấu cho con; bắt em phải nói với má đầy đủ câu bằng giọng nhẹ nhàng lễ phép. Em bảo mình nói má cũng đâu có nghe gì, đâu có biết gì.

Vợ chồng em cứ cãi nhau vì một người vô tri, ngay cả con mình còn không nhớ. Bây giờ, chồng em còn nói nếu em không chăm được thì để anh nghỉ việc ở nhà chăm má. Em biết chồng em chỉ làm nư nhưng quả thật em không biết quyết định việc nhà sao cho yên ổn. Xin chị cho em lời khuyên.

Hồng Vinh (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Em Hồng Vinh thân mến, 

Chăm sóc ông bà già yếu là một vấn đề đáng kể, nếu không nói là một khó khăn đối với các cặp đôi hiện đại khi cả hai đều đang bận rộn đi làm. Việc cần thiết là sắp xếp lại việc nhà, tổ chức sinh hoạt của gia đình theo hướng hợp lý hơn. Quyết định nghỉ làm để chăm sóc bà nội không hẳn là hợp lý trong lúc này.

Dù căn bệnh sa sút trí nhớ (dân gian gọi là “lẫn”) khiến bà không nhận biết được nhưng bà vẫn đang có thể đi lại, tự lo sinh hoạt nếu có người hướng dẫn, nên quan trọng là môi trường, người trông coi, hướng dẫn cho bà.

Thường thì với hiện trạng của bà, vẫn có một cách nào đó để bà hiểu, làm theo và “nói chuyện” với các thành viên trong nhà. Vẫn phải tạo điều kiện cho bà giao tiếp. Việc trao đổi thông tin với mọi người ít nhất cũng sẽ giúp bình thường hóa mọi chuyện, có thể khiến bệnh tiến triển chậm lại, không khí gia đình trở nên tích cực hơn, bớt nặng nề căng thẳng.

Nếu cần, có thể phải thuê người có chuyên môn y tế chăm sóc cho bà. Những việc mình có thể làm ngay là lập thời gian biểu hằng ngày cho bà, theo dõi, đánh dấu lên thời gian biểu đó, để tránh việc quên quên nhớ nhớ rồi 2 bên đều bực bội lẫn nhau. 

Má chồng em cần cả gia đình và cả chuyên gia y tế. Việc này gia đình lớn nên ngồi lại bàn bạc. Vợ chồng em nên đưa má đến bệnh viện hoặc mời bác sĩ tới nhà thăm khám định kỳ cho má. Chuyên gia y tế sẽ hướng dẫn cách chăm sóc và có ý kiến chuyên môn khách quan để vợ chồng em có căn cứ mà bàn bạc việc nhà.

Người già, như má chồng em, chính là hình ảnh của mình trong tương lai. Mình nói chuyện với má không phải chỉ để má nghe mà còn để chồng con nghe và chia sẻ. Em hãy ráng nghĩ vậy để có động lực mà kiên nhẫn, nhẹ nhàng hơn khi chăm má. Mình đang dựng một cuốn phim trước mắt các con, để đến lúc mình trở thành vai người già trong bộ phim đó, các con sẽ biết cách chăm sóc mình. Chúc em bình tĩnh vượt qua. 

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Nếu tôi là người trong cuộc

Đoàn Giang (Cần Thơ): Tôi nghĩ bạn thiếu tình thương

2 chữ “vô tri” bạn dùng thực sự khiến tôi ngỡ ngàng. Có lẽ bạn thiếu tình thương. Khi không đủ tình thương, người ta sẽ nhìn mọi thứ với cái nhìn nặng nề lắm. Tôi hiểu việc chăm một người già bị lẫn thực sự rất vất vả.

Mẹ chồng tôi nằm một chỗ 4 năm, tôi chăm mẹ 4 năm ròng mà chưa từng than thân trách phận. Tôi thương bà như mẹ mình. Bà cũng thương tôi như thương con gái. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bà là gánh nặng khiến tôi phải suy xét thiệt hơn hay so bì gì với ai. Tôi chỉ đơn thuần nghĩ rằng sau này mẹ mất, có muốn cực cũng không còn cơ hội.

Hiện tại, bạn còn công việc, con cái và nhiều áp lực khác đè nặng. Thế nên bạn phải nói chuyện với chồng cho thấu đáo, đề xuất những gì hợp lý, thuận tiện cho cả nhà; đề nghị chồng và cả gia đình chồng giúp đỡ bạn.

Đừng quên rằng cha mẹ là tấm gương cho con cái trong mọi việc, cả cách hành xử lẫn lời ăn tiếng nói. Tôi tin vào cảm xúc, mà nói như chồng bạn, cứ nói đàng hoàng lễ phép, mẹ chồng bạn sẽ cảm nhận được. 

Mỹ Xuyên (Bình Thuận): Tốt nhất chồng bạn nên ở nhà chăm mẹ

Tôi đọc nhiều lần lá thư này, không biết phải góp ý với bạn như thế nào. Trách móc, khuyên nhủ gì cũng không đúng bởi ai cũng có nỗi khổ tâm, sự bận rộn riêng. Với nhiều gia đình, ba mẹ già cứ như gánh nặng. Tôi không biết trong nhà bạn, ai là người có thu nhập chính nhưng đọc đến đoạn chồng bạn tỏ ý muốn nghỉ việc ở nhà chăm mẹ, tôi thấy mừng. Nên như vậy nếu điều đó không ảnh hưởng nhiều đến chi phí sinh hoạt gia đình.

Bạn có thể bàn việc này với gia đình chồng. Ba chồng tôi trước khi mất cũng nằm một chỗ khá lâu. Anh chồng tôi đã nghỉ việc để chăm ba. Các anh chị em còn lại góp tiền coi như trả công cho anh và để chị dâu không cảm thấy thiệt thòi.

Việc nhà luôn cần thống nhất và đồng thuận nên không thể im lặng chịu đựng rồi bực dọc. Sức người có hạn. Tôi cũng thấy việc bạn nói chuyện với mẹ chồng kiểu đó hơi bất ổn. Con cái còn nhìn vào nữa mà! Dù sao bà cũng là mẹ chồng bạn. Mong bạn sớm thu xếp ổn thỏa việc nhà.

Theo phụ nữ TPHCM