Mỗi ngày chị lên xuống 2 tầng lầu nhiều lần đến nỗi các điều dưỡng và bác sĩ thấy ái ngại. Khi tầng trệt vừa có chỗ trống, bác sĩ cho chị chuyển má nhỏ xuống nằm cùng phòng má lớn. Chị rối rít cảm ơn bác sĩ nên va phải tôi đang đi vào. Lời xin lỗi của chị là cái cớ để tôi có dịp trò chuyện cùng chị.
Tôi nuôi má chồng hơn tuần nay ở bệnh viện, nên quen mặt chị dù chưa một lần nói chuyện. Thấy tôi ngạc nhiên nghe cách chị gọi 2 bà má, chị giải thích: Má lớn sinh ra chị, còn má nhỏ có công dưỡng dục. Khi má lớn sinh chị được 2 tuổi thì bá má chị ly hôn, ba chị mang theo chị về ở với người vợ sau.
Khi ba chị mất, ông dặn dò các con "2 dòng" phải thương yêu, lo lắng cho má nhỏ. Chị nói nếu ba chị không dặn thì chị cũng tự nhủ lòng luôn kính trọng và chăm lo cho má nhỏ. Các anh chị sống cùng má lớn, ít tình cảm gắn bó với má nhỏ như chị, nên khi 2 má trở bệnh cùng lúc, chị giành phần chăm sóc cả 2 người.
Thỉnh thoảng, chị có việc bận thì 2 ông anh lớn của chị đảm nhận nhiệm vụ mang cơm nước vào đút cho 2 má. Người con riêng của má nhỏ bận rộn con cái và công việc nên cuối tuần mới ghé một lần.
Chị bảo chị về hưu, con cái cũng đã lớn nên chị có thời gian cho 2 bà má. Sáng chồng chị chở chị đến bệnh viện, xế anh đón chị về nhà nấu bữa cơm chiều rồi vợ chồng vào bệnh viện lần 2. Ca tối do vợ chồng 2 người anh thay nhau đảm nhận.
Lâu nay nghe nhiều chuyện không hay về con riêng - con chung và mẹ ghẻ con chồng cũng như cảnh con cái bỏ bê cha mẹ già, lần đầu tiên tôi chứng kiến hình ảnh đẹp của đại gia đình nhà chị.
Chị biết rõ từng sở thích của 2 má. Nấu cơm mềm cho má lớn ăn với cá kho, chị làm thêm món súp với thịt gà xay nhuyễn rồi bón từng thìa cho má nhỏ. Bà má nhỏ 86 tuổi bị đột quỵ, liệt nửa người không nói được tiếng nào, nhưng còn rất tỉnh.
Thấy chị vào bà chớp mắt, mặt mày rạng rỡ hẳn. Bà ăn không được nhiều, chị nâng đầu bà lên rồi cẩn thận bón từng thìa súp. Bà ho, sặc thức ăn, chị lấy khăn nhẹ nhàng lau miệng cho bà, đợi đến khi bà hết ho thì bón tiếp. Một lần ăn của bà đến gần cả tiếng đồng hồ mà tôi vân thấy chị cười tươi rói, luôn miệng dỗ dành bà ăn cho hết phần súp trong chén.
Đợi má nhỏ ăn xong, chị đến giường má lớn đút cho bà từng muỗng cơm. Má lớn mang bệnh mất trí của tuổi già cộng với nhiều bệnh khác trong người nên bà luôn khó chịu.
Có ngày bà không biết chị là ai nên gắt gỏng, mắng mỏ chị tới tấp. Bà chửi khá tục tĩu, làm mấy cô y tá đỏ mặt. Chị chỉ cười không nói gì, đôi lúc bị má hất muỗng cơm rồi đánh mạnh vào tay, chị nhẹ nhàng đặt chén cơm xuống bàn, dỗ dành cho má dịu lại rồi bón cơm tiếp. Khi 2 má ngủ trưa ngon lành, chị kiểm tra chăn cho từng người và mang túi xách ra về để chiều nấu ăn mang vào tiếp cho 2 bà.
Ngày nào cũng thấy chị tất tả, tôi gợi ý chị thuê người chăm sóc cho các cụ tại bệnh viện, chị trả lời: “Không cần đầu em. Làm được gì cho 2 má chị rất vui, không thấy cực. Chị mong làm tròn trách nhiệm với 2 má vì 2 má đâu còn nhiều thời gian nữa”.
Tôi thấy mắt mình cay cay, cảm thấy xấu hổ vì mình chăm sóc mẹ chồng không tận tụy bằng một nửa chị. Chồng tôi nghe kể chuyện của chị cũng tự động ra vào với má anh nhiều hơn, có ngày anh giành mang cơm vào và xúc cho bà ăn. Anh nói nhìn nhà người ta rồi mới biết soi rọi lại nhà mình. Cảm ơn chị đã dạy cho chúng tôi một bài học ấm áp về tình cảm gia đình.
Theo phụ nữ TPHCM