Chị Sa và bé Theo sau hành trình vượt cạn đáng nhớ. (Ảnh: NVCC)
Cách đây tròn 6 năm, từ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chị Kim Sa (hiện 30 tuổi) đã sang nước Anh xa xôi để học tập, dự định sau vài năm sẽ trở về Việt Nam ổn định cuộc sống.
Thế nhưng, khi chuẩn bị hết hạn visa Anh, định mệnh và duyên số đã cho chị Sa gặp được một võ sư người Anh là Sean Mann. Chị có bầu và sinh được một bé trai kháu khỉnh - Theodore Huynh Mann (thường gọi là Theo). Hiện giờ bé Theo đã hơn 2 tuổi song những kỷ niệm đáng nhớ về hành trình mang thai và sinh con trong tâm trí của chị vẫn vẹn nguyên.
Thai 6 tháng bác sĩ nói em bé có nguy cơ bị bệnh tim
Theo lời người mẹ trẻ, cũng giống như rất nhiều bà bầu khác, khi biết tin có em bé cảm xúc trong chị vô cùng lẫn lộn, khi đó chị đang đi học, còn anh xã biết tin đã bật khóc như một đứa trẻ.
Chị may mắn trải qua 3 tam cá nguyệt khá bình yên, chỉ duy nhất một lần do chẩn đoán chưa chính xác khiến chị lo lắng. Chị kể: “Toàn bộ thai kỳ của mình không gặp bất cứ khó khăn gì. Mình chỉ lo lắng cho con lúc mình bầu được 6 tháng, trong một lần siêu âm ở Việt Nam bác sĩ nói con có nguy cơ bị bệnh tim. Tuy nhiên đến khi trở lại quê hương của chồng mình đi siêu âm và được thông báo bé khỏe mạnh bình thường. Lúc này chị mới thở phào nhẹ nhõm”.
Lần đầu mang bầu không có nhiều kinh nghiệm kết hợp với hoàn cảnh phải tự mình bươn chải nơi đất khách quê người, chị Sa phải làm việc gấp 3-4 lần người bình thường. Chị không ngại khiêng đồ nặng, có khi vác cả thùng đồ gần 40kg mà lại dùng bụng để đỡ khi khiêng.
Sau sinh chị không may bị nhiễm trùng máu, rất may mắn chị luôn luôn có ông xã ở bên chăm sóc. (Ảnh: NVCC)
Chị vẫn thường xuyên đi khám định kỳ, làm tất cả các xét nghiệm theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Tất cả mọi thứ từ sức khoẻ, cân nặng cả hai mẹ con đều rất tốt. Nhưng có 1 điều là trong quá trình mang thai, lâu lâu chị hay có triệu chứng đau nhói tim. Cơn đau tầm 30 giây tới 1 phút rồi hết.
Tuy nhiên, vì nghĩ do cơ thể suy nhược nên chị không để ý và cũng không đề cập chuyện này với bác sĩ. Mọi chuyện cứ thế diễn ra êm đẹp cho tới tuần thai thứ 33 chị Sa bắt đầu mệt mỏi dù ăn ngủ rất đều đặn. Tới tuần 36 chị có những cơn chuyển dạ giả và bác sĩ chẩn đoán chị sẽ sinh vào tuần 37, tuy nhiên đợi hết tuần 37 vẫn không thấy dấu hiệu.
Cuối cùng, các dấu hiệu chuyển dạ sinh con cũng đến, sau 1 ngày 1 đêm nằm viện nhưng cổ tử cung chỉ mở 6cm, các bác sĩ đã phải tiến hành chọc ối để mổ bắt em bé ra ngoài. Chị Sa sinh em bé ở tuần 42 sau 7 lần đến bệnh viện lại quay trở về nhà. Con chào đời nặng 3,4kg, mở mắt to nhìn xung quanh. Các bác sĩ không ngừng dành những lời khen tốt đẹp cho hai mẹ con. Em bé được lau sạch sẽ sau đó được cho áp vào da mẹ và về phòng nghỉ ngơi.
Đẻ xong cả mẹ và con bị nhiễm trùng máu
Những tưởng cuộc “vượt cạn” đã thành công mỹ mãn, tuy nhiên biến cố bắt đầu ập đến với chị Sa. Trong quá trình chọc ối bắt con chị không may bị nhiễm trùng và em bé cũng vậy.
Mẹ 9X nhớ lại: “Được khoảng 5 phút sau khi hai mẹ con về phòng dưỡng nghỉ ngơi thì bác sĩ tới phải lấy con đi kiểm tra vì hai mẹ con có dấu hiệu bị nhiễm trùng trước khi mổ. Mình cũng được kiểm tra lại sức khoẻ và rồi từ đây huyết áp mình có vấn đề. Ban đầu mình thấy lạnh và run người. Lúc này kết quả kiểm tra cho thấy huyết áp với nhịp tim thấp hơn bình thường. Mình chính thức thấy chóng mặt, hoa mắt và dần dần không thấy gì nữa. Thế là huyết áp mình tuột từ từ nhưng có 1 điều không ai nhận ra là môi mình chuyển từ đỏ sang tím, da chuyển màu hoàn toàn như người chết và mắt thì gần như đứng tròng”.
Trải qua 2 lần mổ cấp cứu, chị mới dần nhớ chuyện hôm qua và thấy bản thân như được tái sinh thêm một lần nữa. (Ảnh: NVCC)
Quá trình cấp cứu được diễn ra nhanh chóng, bác sĩ kịp thời phát hiện vết mổ vừa khâu bị chảy máu bên trong và huyết áp thai phụ mỗi lúc tuột nhanh hơn. Các bác sĩ tại kíp cấp cứu cố gắng lay người để chị tỉnh và yêu cầu ký giấy tờ mổ lại lần nữa. “Lúc đó mình chỉ kịp đọc được dòng cuối cùng là death, nghĩa là khả năng xấu nhất. Xong vị bác sĩ đó ra nói với chồng mình rằng: “Khả năng sống của cô ấy rất thấp”” – chị Sa kể.
Chưa hết, do thuộc nhóm máu hiếm, thời điểm đó bệnh viện chỉ còn rất ít máu dự trữ, các bác sĩ đều cuống cuồng chạy đi tìm thêm máu. Tổng cộng quá trình mổ lần hai chị phải truyền thêm 2,4 lít máu. Phải đến ngày hôm sau chị Sa mới dần tỉnh lại và biết mình đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Toàn thân toàn dây nhợ với ống thở, hai bên trên toàn là máy móc. Lúc này chị mới dần nhớ chuyện hôm qua và thấy bản thân như được tái sinh thêm một lần nữa.
Sau ca mổ cấp cứu, sức khỏe của chị dần phục hồi. Tuy nhiên trong tâm trí của chị mọi chuyện dường như mới xảy ra ngày hôm qua. Đến thời điểm hiện tại bé Theo đã hơn 2 tuổi song chị vẫn còn mơ thấy nỗi ám ảnh đó mỗi đêm.
Theo lời chị Sa, hiện tại Hội bảo vệ phụ nữ và trẻ em nơi chị sinh sống đang điều tra nguyên nhân khiến chị bị chảy máu trong và tụt huyết áp nhanh chóng sau sinh.
Điều thú vị là bé Theo mới chỉ hơn 2 tuổi nhưng đã biết làm rất nhiều công việc nhà, tự lập bản thân và phối hợp ăn ý với mẹ. (Ảnh: NVCC)
Theo eva