Ngày cuối tuần, vợ chồng tôi định nhờ người lợp lại mái tôn ở hiên trước. Khi kiểm đếm số tôn đã chuẩn bị thì phát hiện thiếu mất vài tấm, mẹ chồng bỗng nói: “Bữa 2 đứa đi làm, anh Tùng qua hỏi xin mấy tấm để về lớp gara xe, mẹ thấy để đó không làm gì nên cho ảnh rồi”.

Chồng tôi gắt: “Trời à, mẹ làm lỡ hết việc. Tôn đó con xin về để sửa mái hiên mà!”. Tôi nhớ lại cảnh chồng vất vả đi xin từng tấm tôn cũ về nên cũng thấy tiếc của, nhưng việc đã rồi nên nhắc chồng đừng trách mẹ nữa.

Mẹ luôn quan tâm giúp đỡ hàng xóm xung quanh. (ảnh minh họa)
Mẹ luôn quan tâm giúp đỡ hàng xóm xung quanh (ảnh minh họa)

 

Thời điểm đó, mẹ chồng lên ở cùng chúng tôi vài tháng, sau khi tôi sinh con đầu lòng. Có mẹ cuộc sống của chúng tôi đỡ tất bật vì mẹ làm hết việc nhà và trông cháu để vợ chồng tôi đi làm. Mẹ là người tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người, đối đãi với hàng xóm như lúc còn ở quê nên chồng tôi luôn phải nhắc: “Ở thành phố, nhà nào biết nhà nấy nên mẹ đừng quan tâm đến hàng xóm quá”.

 
Mẹ chồng tôi không thể thay đổi. Bà thường nấu một nồi xôi gấc hay chè thật to rồi đem biếu khắp xóm. Tôi biết có nhà không ăn mà bỏ thùng rác vì họ cũng ngại nhận đồ ăn kiểu này. Mẹ luôn có một nồi nước chè và ít bánh trái đặt ở cái bàn ngoài sân, hàng xóm đi qua là mời vào uống nước.

Mẹ hay để ý đến mấy nhà xung quanh nên hay có những câu thắc mắc: “Anh Tùng sao  về muộn thế nhỉ?”, “Chị Nhung có ốm đau gì không mà không thấy mở quán”, “Bà Nga dạo này  gầy thế” khiến tôi chẳng biết trả lời thế nào.

Buổi sáng, mẹ dậy thật sớm quét dọn hết cả con hẻm, cặm cụi nhặt nhanh mấy cái tã bẩn của nhà chị Nhung bỏ vào thùng rác rồi dọn phân chó cho nhà cuối xóm.

Chồng tôi lại nhắc: “Mẹ chỉ cần quét phần trước nhà mình chứ nhà người khác thì để họ tự dọn”. Nhiều lần, nhà chị Nhung không gói tã rồi bỏ vào thùng rác, để chó tha đi khắp xóm, vợ chồng tôi rất khó chịu, định sang góp ý thì mẹ ngăn lại.

Mẹ nói: “Chị Nhung mới sinh con, chồng ở xa một mình, vất vả lắm nên sơ suất chút thì đã sao, ai chẳng có lúc  thế”. Thế là, mẹ lại tiếp tục gom rác giùm, thậm chí tranh thủ buổi trưa sang trông con cho chị ấy .

Dù không nói ra nhưng tôi thấy mẹ chồng sống “bao đồng” quá, lo việc nhà đã đủ mệt lại ôm thêm chuyện người khác. Anh Tùng cứ đỗ xe hơi trước cổng nhà tôi, có lần làm bể chậu cảnh, chồng tôi bực lắm. Thế mà mẹ bênh: “Anh ấy lái xe taxi về khuya nhiều lúc không để ý, hẻm chật chội thì mỗi người chịu khó một chút, cái nghề của người ta là vậy”.

Nghĩ kỹ thì lời mẹ nói không sai, nếu anh Tùng không đỗ xe trước cổng nhà tôi thì cũng chẳng biết đỗ đâu cả. Mọi chuyện cứ thế, vợ chồng tôi cũng thôi không để ý đến mấy việc lặt vặt  nữa.

Đến khi con tôi đi mẫu giáo, mẹ về quê. Lạ thay, khi vắng bà, mọi người trong xóm hỏi han mãi, nói nhớ nước chè và xôi mẹ nấu, nhớ mấy món quà quê mẹ cho. Thỉnh thoảng, nhà tôi lại nhận được trái cây, bánh trái từ hàng xóm như “trả lễ” cho mẹ.

Nhờ có mẹ gầy dựng, chúng tôi đang được nhận quả ngọt nhờ sự
Chúng tôi đang hưởng "quả ngọt" từ tấm lòng bao dung nhân hậu của mẹ (ảnh minh họa)

 

Có lần, con tôi bị ốm đi học không được, tôi lại bận việc không biết gửi ai thì chị Nhung đề nghị trông giúp. Tôi hơi ngại, nhưng chị ấy nói: “Hồi trước lúc chị sinh, mẹ em vẫn thường qua trông con giùm chị, có gì đâu mà sợ phiền hàng xóm với nhau mà”. Tôi để ý khi con cứng cáp, chị Nhung quét dọn con đường của xóm y như mẹ chồng tôi đã làm.

Tháng trước nhà tôi bị trộm đột nhập, nếu anh Tùng không phát hiện  thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Hôm đó, anh Tùng đi làm về khuya thấy trộm từ nhà tôi đi ra, không ngại nguy hiểm hô hoán đuổi đánh mới bắt được và lấy lại tài sản.

Mỗi lần mẹ lên chơi, cả xóm lại rộn ràng, tôi rơi nước mắt khi nghe mẹ gửi gắm: “Các em nó còn trẻ, sống ở đây có gì thì mong các anh chị bảo ban giúp đỡ thêm”. Suy ngẫm lại, tôi thấy vợ chồng mình đang nhận thứ “quả ngọt” mà mẹ đã gieo bằng tấm lòng bao dung của bà với hàng xóm.

Theo phụ nữ TPHCM