Ba tôi là con trưởng trong gia đình, cũng là trưởng họ. Tuy năm nay đã ngoài 80 tuổi, ba vẫn chưa trao trọng trách ấy cho đứa con nào. Do vậy, mẹ tôi dù đã ngoài 70 tuổi vẫn là “dâu trưởng tại vị”, phải đảm đương nhiệm vụ cúng kiếng đám giỗ, giữ nhang khói không được tắt trong suốt mấy ngày tết - kể từ lúc cúng rước ông bà sáng 30 tết cho tới khi cúng đưa vào chiều mùng Ba. Cái lệ bất di bất dịch đó, mẹ đã phải tuân thủ kể từ ngày lấy chồng.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ấy vậy mà tết con rồng, ngay sau khi cúng cơm ông bà tổ tiên sáng mùng Một, nhận mừng tuổi của con cái dâu rể và lì xì các cháu nội ngoại xong, mẹ vô phòng thay bộ đầm, tay cầm túi xách, thông báo: “Các con đứa nào rảnh thì ở chơi với ba, còn không thì đưa các cháu đi chơi tết, mẹ phải đi bây giờ”. Nghe vậy, ba liền lên tiếng: “Bà đi đâu? Tết nhất lo cúng kiếng, tiếp khách. Ở nhà, không đi đâu hết”.

Nếu như mọi lần, mẹ sẽ im lặng, cúi gầm mặt quay vào. Có thể sẽ là chiến tranh lạnh một buổi, cùng lắm là một ngày với ba, rồi thôi. Có thể mẹ sẽ gọi điện than thở với chị Hai để xả hết ấm ức, rồi thôi. Nhưng lần này thì khác. Mẹ sững lại một nhịp, rồi chậm rãi quay vào phòng khách, kêu tôi mời ba cùng các anh chị tới nói chuyện.

Phản ứng của mẹ khiến cả nhà bất ngờ. Mẹ hướng về phía ba, giọng run run vì xúc động: “Từ ngày tôi về làm vợ ông tới nay cũng đã hơn nửa thế kỷ, cũng là chừng ấy thời gian tôi không được về nhà ngoại ngày tết. Ông sẽ nói đó là trách nhiệm của dâu trưởng. Tôi chấp nhận. Nhưng đến khi ba má 2 bên đã mất, ông vẫn không cho tôi một ngoại lệ nào. Tết, anh Hai tôi cúng ba má, tôi cũng muốn qua nhà anh Hai, cũng trong thành phố này, đốt cho ba má cây nhang, nhưng bao năm qua tôi chỉ có thể mua trái cây, bông hoa, quà bánh gửi qua nhờ anh Hai để lên bàn thờ. Tôi xin ông cho lập bàn thờ ba má tôi trong nhà, để nếu không được về cúng thì tôi tự cúng cho lòng mình nguôi ngoai, ông cũng không cho, với lý do đàn bà có chồng phải lo việc nhà chồng. Bây giờ, sắp gần đất xa trời rồi, tôi sẽ không làm theo ý ông nữa. Đồ cúng cơm tôi đã chuẩn bị sẵn, chiều ông cứ canh đúng giờ thì làm nóng lại, cắm thêm nồi cơm rồi đặt lên bàn thờ. Tôi đi đây”.

Nói xong, không chờ ba kịp phản ứng, má dứt khoát bước ra cửa. Ba ngồi im như hóa đá. Chúng tôi nín thở, chờ đợi một cơn thịnh nộ. Nhưng không, ông lặng lẽ rót một ly trà rồi vô phòng nằm.

Thấy vậy, mấy anh chị em bàn cách cho ba mẹ làm lành. Chị Hai xung phong nhận phần mua đèn cầy ly và nhang vòng - loại thắp được lâu. Vậy là xử lý được khâu giữ ấm bàn thờ mà không cần mẹ phải túc trực toàn phần. Món cúng thì ngoài các món chính như thịt kho, cá kho, thịt đông… mẹ đã làm sẵn nồi lớn, cần có thêm mấy loại không cần nấu nướng như chả lụa, chả bò, nem chua, các loại dưa chua…

Phần này Út Thu lo tiếp tế. Vậy là chỉ cần cắm nồi cơm điện, luộc thêm ít rau củ hay nấu tô canh rau là đủ mâm cơm cúng. Nếu ba không làm thì mấy anh chị em thay nhau ghé nhà làm loáng một cái là xong. Ngày tết, mẹ thích đi chơi hay về ngoại, cứ để mẹ tự do thoải mái.

Bàn xong đâu đó, chị Hai được cử vào phòng làm “thuyết khách” để trình bày với ba. Không còn cách nào khác, ba đành đồng ý. Thấm thoát, một mùa tết lại sắp đến.

Năm nay, vợ chồng anh Ba định sẽ xin ba mẹ cho được làm nhiệm vụ của cháu trai đích tôn và lo phần cúng kiếng. Ba mẹ lớn tuổi rồi, cần có thời gian nghỉ ngơi, làm điều mình thích. Khi đó, chẳng những mẹ mà ba cũng sẽ có thời gian chơi tết.

Theo phụ nữ TPHCM