leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Tôi đọc tin nhắn của em vào một ngày nghỉ Sài Gòn mưa rả rích: “Ngày nào em cũng nhớ câu con gái nói: “Mẹ ơi, đừng đi!”. Em có sai không chị?”. Tôi hình dung trong căn gác nhỏ, sơ sài của đời công nhân, người mẹ trẻ xa quê, xa con nằm co ro, nhớ thương con, thương mình. Nghe xót lòng quá đỗi!

Em hỏi một câu thật khó. Làm sao tôi biết trả lời. E rằng em hỏi cũng chỉ để bày tỏ nỗi buồn, sự nhớ thương con chứ chưa hẳn là cần tôi xác tín giúp em rằng bản thân đúng hay sai. Mỗi người có một điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Chị em bạn bè yêu quý đôi khi chỉ cần chìa bàn tay ra nắm lúc mệt mỏi nặng nề hoặc nhắn hỏi động viên. Ranh giới đúng sai của người trưởng thành đâu giống trẻ con mà dễ dàng phân định!

***

Nhiều năm quan sát xung quanh cùng với sự trải nghiệm của bản thân, tôi nhận ra đa số đàn bà con gái xứ mình không hình dung cụ thể rõ ràng về hôn nhân, về sự có mặt của con cái, về gánh nặng mưu sinh cũng như quãng gập ghềnh để nuôi lớn những đứa trẻ do mình sinh ra. Với chúng ta, có điều gì đó giống hệt cái cây: nảy mầm, lớn lên, đâm chồi rồi ra hoa kết trái. Gần như ta không được chuẩn bị để thực sự hiểu, thực sự sẵn sàng bước sang trang mới trong quyển sách đời mình.

Tôi muốn nhấn mạnh từ “thực sự”. Nghĩa là chúng ta có thấy, có biết. Thấy kết hôn là sẽ có nhiều vấn đề, thấy nuôi con sẽ vất vả, biết đồng tiền quan trọng, biết mọi thứ kể cả tình yêu đều có thời hạn… Nhưng có thực sự biết rõ hay không là chuyện khác. Chúng ta nghĩ điều đó là vấn đề của ai chứ không phải sẽ là của mình hoặc xem nhẹ rằng “Chừng nào tới rồi hay”. Thậm chí nhiều cô gái trẻ còn nghĩ rằng mình sẽ khác. Cho nên, trước khi kết hôn, trước khi sinh con, rất ít người có một lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng, có kiến thức về chặng quan trọng nhất đời người này.

Không nhiều cô gái sẵn sàng cho một tình yêu mang diện mạo mới. Những món quà, những cuộc đi chơi, ngồi cà phê hay du lịch, những lời yêu thương lãng mạn, những bộ cánh chải chuốt, những khuôn mặt đẹp xinh sẽ nhường chỗ cho bữa cơm đổ mồ hôi để nấu và đống chén nồi ngổn ngang sau bữa ăn. Là ba mẹ anh chị em 2 bên với nhiều trách nhiệm không thể nào từ bỏ. Là những ngày giỗ tết phải chu toàn tiền bạc, sức lực, thời gian. Tất cả những điều đó, ngày xưa các cô gái xinh đẹp trẻ trung chỉ đóng vai phụ bởi có mẹ có bà có chị đứng ra gánh hết.

Bây giờ, vai chính thuộc về mình, không phải ai cũng có thể mang nổi. Đã có không ít tiếng chì tiếng bấc, trách móc, hờn dỗi hiện diện trong căn phòng đáng ra phải hạnh phúc của vợ chồng. Nhẹ là những giọt nước mắt, nặng là những vết sẹo khắc sâu, đau nhức khi trở trời. Tình yêu ngày nào sứt mẻ, thậm chí biến mất mà chẳng ai trong 2 người hiểu tại sao.

Không nhiều cô gái sẵn sàng đối diện với một sự thật rạch ròi, hẳn nhiên là 2 người kết hôn đều có trách nhiệm xây tổ cho chính mình. Ai cũng có phần, ít hay nhiều thôi. Đàn ông hay đàn bà đều phải ra ngoài kia tìm kiếm, tha từng viên gạch về. Thời đại nào rồi mà đàn bà chỉ ngồi nơi bậu cửa ngóng chồng săn bắt đem thức ăn về? Có thể đàn bà không đủ sức săn bắt như đàn ông vì đàn bà sức yếu, vì đàn bà cần chăm con, vì đàn bà cần vun vén cho ngôi nhà của mình nhưng ai cấm đàn bà đi hái đi lượm? Có ai xui đàn bà cứ ngồi đấy mà than thở phúc mỏng, trách chồng không giỏi giang?

Buồn nhất là không ít đàn bà thực sự chưa sẵn sàng cho việc có con. Họ chưa hiểu sinh ra một đứa trẻ và đồng hành với con cho đến khi chúng cứng cáp khôn lớn là một hành trình không hề đơn giản, không thể như bản năng, nước lên thuyền lên.

Biết rằng lần đầu làm mẹ nên chúng ta không thể tránh khỏi sơ sót lỗi lầm nhưng để giảm thiểu tối đa những sai sót lỗi lầm ấy, sự chuẩn bị kỹ lưỡng không bao giờ là thừa.
Dù chưa từng làm mẹ nhưng chúng ta không thể làm mẹ mà không biết một đứa trẻ ra đời luôn cần theo dõi sức khỏe định kỳ ở bệnh viện, luôn cần sữa, tã, đồ chơi, học hành…

Dù chưa từng làm mẹ nhưng chúng ta không thể làm mẹ mà không biết ngoài mình ra, không ai có thể yêu thương và chăm con tốt hơn mình, kể cả ông bà hay ba chúng. Dù chưa từng làm mẹ nhưng chúng ta không thể làm mẹ mà không biết con trẻ cần mẹ bên cạnh hơn bất cứ ai, bất cứ điều gì trên đời. Vì bất cứ lý do nào, mẹ con rời xa nhau trong chặng con còn non yếu, chập chững đôi cánh để bay lên đều để lại những tiếc nuối và đau lòng dai dẳng trọn đời con, trọn đời mẹ không thể sửa chữa.

Em cũng như rất nhiều người đàn bà quê tôi, để con lại cho ba, cho ông bà, cho cô bác… để đến những thành phố hoặc ra nước ngoài làm công nhân, làm thuê với mong mỏi kiếm được một khoản kha khá cho con có cuộc sống tốt hơn, bằng bạn bằng bè.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

***

Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh con cò lặn lội đơn côi trên đồng vắng chắt chiu từng miếng cho con trong câu ca dao hồi còn đi học. Thân cò rõ ràng đáng thương nhưng còn những đứa trẻ ngơ ngác trong căn nhà không có mẹ? Những bộ quần áo đẹp, những phần ăn mạnh đứa nào đứa nấy mua khi đến bữa, những chiếc xe đạp điện chạy ào trên đường làng, những mái tóc nhuộm màu, khuyên tai đeo một lúc 5-6 chiếc, những lời ăn tiếng nói không được uốn nắn… có phải là sự lựa chọn, đánh đổi cần thiết và xứng đáng?

Tôi chợt nhớ về những ngày tuổi thơ. Những bữa cơm ấy cả nhà xúm xít ăn ngon lành dù chỉ có mấy miếng thịt kho hoặc cái trứng dầm nước tương lõng bõng hay nồi kho quẹt mặn chát… Những tối ấy mẹ nhắc học bài, đánh răng, mắc mùng, thay đồ trước khi đi ngủ. Những sáng ấy thức dậy bằng những bài cải lương loang trên sông nước của ba và đến trường sau chén cơm chiên nóng hổi của mẹ…

Tôi cố nhớ lại xem ngày đó chị em chúng tôi có cảm thấy thiếu, có cần hơn những gì mình có và nếu chỉ có 5 chị em như 5 con gà con ngơ ngác mỗi sáng mỗi tối thì chúng tôi sẽ ra sao… Tôi không trả lời được, chỉ biết cảm ơn sâu sắc ba mẹ đã luôn cho mình một mái nhà đầy đủ. Mỗi chiều tan học hay đi chơi với bạn bè, chị em đều nhắc nhau mau về vì biết rằng mẹ đang nấu cơm chiều và đợi.

Mong và tin ở một ngày mai, tương lai tươi sáng hơn hiện tại là điều chính đáng của tất cả chúng ta. Thế nhưng lẽ đời, không ai có được đặc quyền. Mọi sự lựa chọn đều phải đánh đổi. Tôi hoang mang quá. Lẽ nào tôi hỏi em rằng: “Đánh đổi tình cảm, sự đồng hành trong quãng quan trọng nhất đời con, liệu em có thấy đáng?”.

Theo phụ nữ TPHCM