Tôi về. Mẹ nhìn trước ngó sau: "Bọn nhỏ đâu? Ba chúng nó đâu?". Tôi vờ chạnh lòng: "Rốt cuộc mẹ quên con mới là con ruột của mẹ sao?".
|
Đêm nay gió lạnh về, tôi nằm ôm mẹ nghe mưa tí tách bên hiên nhà... (ảnh minh họa) |
Mẹ cười: "Đâu có, đâu có". Tôi cười ôm đôi vai gầy của mẹ, nhưng tôi vào nhà uống chưa xong chén nước, mẹ lại hỏi: “Sao không cho đám nhỏ về. Ba nó bận tối ngày vậy ai lo cơm nước?”. “Ôi mẹ, là con muốn về một mình để ngủ bên mẹ một tối mà!”.
Lí do nghe có vẻ lãng nhách, mà thật sự nó là như vậy. Khi tôi nghe tin gió lạnh về, tôi nói với chồng: “Em muốn về ngủ với mẹ một tối. Chỉ mình em thôi”... Chồng tôi chắc nghĩ tôi đùa nên cười, nhưng rồi nhìn vẻ mặt nghiêm túc của vợ, anh trầm ngâm: “Chạy xe một mình có buồn không? Nhắm được thì về”. Và tôi về với mẹ, một mình.
Ba pha một ấm trà sánh ngon, mẹ nấu nướng thơm phức gian bếp. “Ba nói thật nhé. Con về thì vui, mà nó cứ thiêu thiếu. Chắc lâu nay con về là mang theo tiếng líu ríu của bọn nhỏ”, ba tôi cuối cùng cũng lên tiếng.
“Thì cũng phải có ngoại lệ chứ ba”, tôi cười.
Trời chiều, gió bấc thổi, mưa lâm thâm, khiến trời lạnh se sắt. Tôi ăn cơm cùng ba mẹ bên hiên nhà, lòng sống lại những ấu dại ngày xưa, một thời khó khăn mà bình yên. Ngày ấy, tôi chưa phải tất bật lo toan, không phải sấp ngửa những chiều tan tầm đón đứa lớn, lo đứa bé, cũng không có những ngược xuôi đầu cuối thành phố chạy vì công việc, cũng không có những nhấm nhẳng cằn nhằn khi mâm cơm dọn ra, người trong nhà vẫn chưa đủ...
Quả thật không có bữa cơm miễn phí nào bình yên như bữa cơm của cha mẹ mình. Mọi giông bão không hề tồn tại, mặc kệ sự đời ngoài kia.
Đêm đó tôi ôm mẹ nghe mưa tí tách ngoài hiên. Tôi lùa tay vào tóc mẹ, mái tóc dày ngày xưa giờ mỏng dính. Tự nhiên, một nỗi xót xa dội lên trong lòng tôi. Tôi trưởng thành, các cháu mẹ lớn lên, đồng nghĩa với mái tóc mẹ chuyển màu, những bước chân trở nên chậm.
Tôi nằm sát bên thân hình mảnh mai, gầy gò của mẹ, hít hà mùi hương thân quen. Hình như khi có gia đình riêng, tôi quên mất cảm giác này. Cảm giác được yêu thương, được che chở, được dựa dẫm...
|
|
Ba mẹ luôn là người cho đi vô điều kiện với các con của mình... (Ảnh minh họa) |
Lâu rồi tôi cứ phải gồng lên, dù mệt, dù bận, dù có làm gì đi nữa cũng phải gồng lên ưu tiên 2 đứa nhỏ. Tôi sẽ là chỗ để các con ríu rít kể chuyện, nghịch ngợm mái tóc mẹ, buộc lên túm xuống đến đau điếng. Hay chính tôi phải hỏi bọn nhỏ "ăn gì mẹ nấu?", hệt như mẹ làm với tôi chiều nay.
Nước mắt chảy xuôi. Cha mẹ thì luôn cho đi không điều kiện, để rồi con cái lớn lên thành gia thất, lại dồn thêm những yêu thương cho các cháu. Hơi lạnh khẽ len qua đêm, theo cơn gió bấc vào nhà, nhưng bên mẹ, trong tôi ngập tràn cảm giác ấm áp. Có mẹ là có bình an.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến nhân vật người mẹ trạc tuổi tôi trong một bộ phim giờ vàng của VTV. Một người mẹ gặp con là cằn nhằn, giục giã, chê trách. Một người mẹ hình như chưa từng nở một nụ cười với con gái trong suốt quá trình phim chiếu.
Cô ta ôm lý do “vô sinh thứ phát” để dằn hắt, soi xét thế giới xung quanh. Cô ta không chỉ chê bai cháu, chì chiết chồng con, phê phán chị dâu, mà còn sai khiến mẹ ruột đi chợ nấu cơm cho mình hàng ngày. Một người phụ nữ, vai con chưa tròn thì không thể đủ đầy vị trí người mẹ. Nhân vật đó khiến cộng đồng mạng lên án gay gắt.
Ở góc độ nào cũng thấy không thể cảm thông với nhân vật, nhưng mẹ tôi xem phim vẫn cười xòa: "Nước mắt chảy xuôi mà, cha mẹ bao giờ chẳng hết lòng vì con".
Lòng mẹ là vậy. Bao dung, xót thương và thấu hiểu con mình. Đứa con ấy có bao nhiêu tuổi, với mẹ nó vẫn nhỏ dại như xưa.
Đêm nay gió bấc về, mặc kệ sự đời, tôi ôm mẹ ngủ một giấc ngon lành.
Theo phụ nữ TPHCM