Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Hồi đó, người ở quê tôi không quan tâm nhiều đến việc học hành, vì vậy mẹ tôi bỏ học lúc mới biết đọc biết viết, ông bà ngoại cũng không rầy rà gì. Rồi ông ngoại tôi bị pháo Mỹ bắn chết, mẹ tôi trở thành trụ cột gia đình, phải hái rau, bắt ốc, lưới cá, cấy mướn, gặt thuê… để kiếm sống.

Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ tôi theo các lớp bình dân học vụ. Tối tối, mẹ và các dì, các chị cầm vở đến lớp - ngay cái miễu ở đầu ấp. Chỉ ít tháng sau đó, mẹ tôi lại biết đọc biết viết. Rồi mẹ gặp ba, suốt trong nhiều năm, cái nghèo ghì sát đất…

Khi tôi đến tuổi đi học vẫn thấy mẹ tôi thường đọc sách, đọc báo; mãi sau mới biết mẹ tôi gần như không viết được, chỉ ghi được tên mình khi phải ký các loại giấy tờ.

Do ba tôi hay “tha” sách về, mẹ tôi cũng hay đọc, nhờ vậy mẹ cũng hiểu biết khá nhiều. Những cuốn sách đầu tiên tôi thấy trong nhà là Nghìn lẻ một đêm, Lục Vân Tiên, Tam quốc diễn nghĩa…Thuở tôi còn bé, mỗi tối, ba tôi thường chong đèn đọc sách cho mẹ con tôi nghe. 

Có một bận, ba tôi đi làm ăn xa, hay mua sách người ta bán dạo trên xe đò, trong đó có nhiều cuốn sau này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiểu biết và lòng ham đọc sách của tôi, như Từ trong nhà ra ngoài sân, Chiến thắng thần Sét, Những cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn, Chúa tể núi Talac, Truyện cổ Andersen, Phnôm Pênh tươi đẹp…

Mẹ của tác giả vẫn duy trì thói quen đọc sách từ thời trẻ
Mẹ của tác giả vẫn duy trì thói quen đọc sách từ thời trẻ

 

Lúc này, tôi đã học tiểu học và đương nhiên đã có thể tự đọc, nhưng khi ba vắng nhà, mẹ thường đọc cho các em tôi nghe… Ba cũng mua cả những cuốn sách khá lạ (đối với tôi lúc đó), như Hành trình của hai con sói của nhà văn Mai Ngữ, Tiểu thư Merry của văn hào Nga Lermantov, Tro tàn của một tổ ấm của văn hào Brazil Graciliano Ramos… Những năm tháng ba đi làm ăn xa là quãng thời gian mẹ tôi đọc nhiều sách nhất - điều mà sau này tôi mới hiểu, mẹ đọc, một phần vì mẹ rất buồn và nhớ ba. 

Tôi học xong đại học và đi làm báo. Những bài báo đầu tiên tôi đều mang về cho ba mẹ đọc. Mẹ hay nói: “May mà mẹ biết chữ nên mới đọc được các bài báo của con viết”. Bởi thế hệ của mẹ tôi còn có một số người không biết chữ, trong đó có không ít người trong họ hàng. Nhờ những tờ báo của tôi mà mẹ được đọc rất nhiều loại báo, nhưng người thích nhất vẫn là Báo Phụ nữ TPHCM và thường dặn tôi tìm báo này cho mẹ.

Mẹ bảo, Báo Phụ nữ TPHCM có nhiều chuyện gần gũi với cuộc sống. Đây cũng là tờ báo tôi đã cộng tác suốt hơn 20 năm nay.

Dù bận việc ruộng rẫy, vườn tược, mẹ tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách báo. Mấy năm gần đây, tôi xuất bản được một số đầu sách, ngay lập tức ba mẹ tôi trở thành những độc giả trung thành. Đặc biệt, có vài cuốn mẹ tôi đọc đi đọc lại, lâu lâu lại nói: “Chuyện của con viết mẹ biết hết rồi mà đọc lại vẫn rớt nước mắt”. Đó là các câu chuyện về quê hương, họ hàng, gia đình… mà tôi cố gắng ghi chép lại, sợ sau này không còn ai nhớ nữa.

Năm ngoái, sau khi ba tôi qua đời, tôi đã in cuốn Người cha vĩ đại - các bài viết kể về ba, mang ơn ba mà tôi mong muốn con tôi cùng các cháu sẽ luôn nhớ đến người ông yêu kính của chúng. Ngay khi tôi mang sách về, mẹ để 1 cuốn lên bàn thờ ba rồi liền cắm cúi đọc. Các em tôi nói, mẹ đọc rồi khóc, sau đó lại đọc, rồi lại khóc…

Có những chuyện mẹ đọc đi đọc lại nhiều lần như cố mường tượng lại hình ảnh người chồng thân thương đã cùng mình chung sống gần 50 năm hạnh phúc. Khi nhà có họ hàng đến thăm, người hay mang cuốn sách ra khoe: “Đây, sách của thằng Hải viết về ba nó nè”, rồi thế nào cũng run run giọng…

Tôi rất tự hào về người mẹ nông dân chỉ biết đọc mà không biết viết, suốt một đời tảo tần vì chồng con. Mẹ tôi không nhiều chữ, nhưng lòng thương con cháu thì bao la và chính tình thương vô bờ đó mẹ đã cùng với ba tôi nuôi dạy các con nên người. 

Theo phụ nữ TPHCM