|
Chú rể và cô dâu chụp ảnh lưu niệm với Câu lạc bộ Ca Huế và nhóm Hiếu Văn Ngư |
Tuy không sinh sống ở Huế, những nét văn hóa trầm lắng, thi vị, mang đậm bản sắc truyền thống của xứ Huế đã khiến đôi vợ chồng trẻ quyết định chọn nơi đây để tổ chức ngày trọng đại nhất của đời mình. Đặc biệt, với sự cộng tác của nhóm Hiếu Văn Ngư, trong đó Lục Phạm Quỳnh Nhi với vai trò điều hợp chương trình và những tiết mục ca Huế đã khiến phần mở đầu hôn lễ thật ấn tượng.
Nhóm Hiếu Văn Ngư được thành lập vào tháng 12/2020 với vai trò trung gian giữa giới học thuật và công chúng. Nhóm gồm những bạn trẻ thuộc những chuyên ngành khác nhau (sư phạm, truyền thông, công nghệ thông tin, kế toán, hội họa). Tận dụng những lợi thế này, nhóm tiếp cận di sản văn hóa phi vật thể như những “nguyên liệu” phù hợp với nhịp sống đương đại.
Tháng Tư năm nay, chú rể Hoàng Giang liên hệ nhóm Hiếu Văn Ngư nhờ tổ chức một “đám cưới ở Huế”. Theo yêu cầu đó, Hiếu Văn Ngư đã nghiên cứu và lên kế hoạch cho một đám cưới vừa truyền thống vừa hiện đại.
“Đám cưới thạch xương bồ” là tên gọi cho đám cưới từ ý tưởng chú rể tên Hoàng Giang, Giang nghĩa là sông, cô dâu Phương Thảo, Thảo là cỏ, nên nhóm nghĩ ngay đến dòng sông Hương ở Huế có loài cỏ thơm mang tên thạch xương bồ. Huế gắn liền với di sản ca Huế nên Hiếu Văn Ngư cũng lên kế hoạch đưa ca Huế vào chương trình hôn lễ. Không chỉ là lễ thành hôn, trước đó, nhóm còn tổ chức một tour khám phá Huế để các khách mời hiểu hơn về Huế.
Sự thú vị bất ngờ cho quan khách đến dự hôm ấy là những bức ảnh do chú rể Hoàng Giang chụp được treo một dãy ở hành lang trong Thái Y Viện. Đó là những bức ảnh rất dung dị, đời thường và rất Huế: nghề làm nhang, sới vật ở làng Sình, hình ảnh làm hoa giấy Thanh Tiên, làm gối cung đình hay những chiếc xe chở hoa, chở vịt đi bán, mẹt bánh mì Trường Tiền…
Qua đó, khách mời cũng phần nào nhận thấy chú rể đã dành rất nhiều thời gian cho Huế, đã thẩm thấu và yêu văn hóa Huế.
Ca Huế là một điểm sáng trong những tinh hoa văn hóa mà người yêu Huế không thể bỏ qua khi đến xứ thần kinh. Bài Hòa tấu Long ngâm mở đầu tiệc cưới với giai điệu rộn ràng đầy cuốn hút. Bài Lý tình tang ca ngợi vẻ đẹp dịu dàng thùy mị của người con gái cố đô.
Cô dâu và chú rể ra chào quan khách, hạnh phúc rạng rỡ bước đi trong lời ca: “Một thương tóc xõa ngang vai…”. Làn điệu Phẩm tiết dìu dặt: “Dặn lời, dám sai lời chớ đem lòng lạt phai. Tơ duyên hãy chờ một hai…” và kết thúc bằng tiết mục Nón quê em lưu luyến: “Nón xinh em tặng cho chàng để làm kỷ niệm ơi chàng ơi, những ngày ôi những ngày qua đây…”.
Cuối tiết mục này, quan khách bất ngờ khi được các ca nương diễn xong ùa xuống để tặng nón cho khán giả. Tay bắt mặt mừng, gần gũi, tình cảm… đó là những gì đọng lại cho khán giả trong hôn trường dành cho chương trình ca Huế trước khi bắt đầu buổi tiệc mừng hạnh phúc.
Nhiều năm qua, Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao Huế biểu diễn miễn phí, với mong muốn ca Huế ngày một phát triển. Đưa ca Huế đến với trường học, bệnh viện… là một sự cố gắng, tâm huyết của văn nghệ sĩ câu lạc bộ.
Nay, ca Huế có mặt trong đám cưới, đã tạo nên một nét mới và khá độc đáo đối với công chúng. Điều đó khiến những nghệ sĩ Câu lạc bộ Ca Huế cảm thấy hân hoan với niềm tin rằng, những giá trị văn hóa nghệ thuật, nhất là ca Huế sẽ ngày một lan tỏa. “Vô tri bất mộ”, không thấy làm sao biết.
Huế, với rất nhiều những giá trị văn hóa đang có mà điển hình là ca Huế, nếu được khai thác đúng nghĩa và được nâng tầm để quảng bá rộng rãi hơn, đời sống của các nghệ sĩ ca Huế sẽ được nâng cao hơn. Ca Huế sẽ đến được với người mộ điệu nhiều hơn nữa.
Đôi vợ chồng trẻ Hoàng Giang - Phương Thảo và các bạn trong nhóm Hiếu Văn Ngư tuy tuổi còn rất trẻ nhưng đã trân trọng, gìn giữ những nét đẹp văn hóa, yêu Huế một cách rất sâu sắc, trí tuệ.
Một thế hệ trẻ đang làm cho Huế đẹp, mới và thơ hơn.
Theo phụ nữ TPHCM