Tôi nhớ năm 1990, gia cảnh nhà tôi đã kha khá. Tết đến, ba tôi bỗng nảy ra ý chụp ảnh gia đình. Nhà tôi cách thị xã hơn 10km nên ông thợ nhăn nhó không chịu nhận. Chị Hai tôi năn nỉ lắm ông thợ mới gật đầu, sau khi ra giá gấp đôi.
Sáng mùng Một tết, cả nhà hò nhau dậy chải tóc, mặc đồ đẹp. Tối hôm trước, chị Hai và chị Ba đã thắt sẵn bím tóc, giờ xổ ra tóc quăn như mới uốn khiến 2 chị soi gương tủm tỉm cười hoài. Thằng Út kế thừa cái quần của anh Tư, vừa dài vừa rộng, Út kéo tuốt lên gần ngang ngực mới vừa.
Cả nhà quần áo chỉnh tề, vào ra nóng ruột ngóng ông thợ chụp hình. Thằng Út phụng phịu: “Có khi nào chị Hai chỉ nhà mà ông thợ không biết?”, “Có khi nào nhà mình xa quá ông thợ không tới?”… Tôi cũng tiu nghỉu đứng dựa cổng ngóng phía đầu đường, lòng thầm mong ông thợ đừng “lật kèo” giữa chừng.
|
|
Má của tác giả cùng con cháu vào tết 2021 (tác giả đứng thứ ba, từ bên phải) |
Ông thợ tới. Cả nhà líu ríu ra sân. Ba mặc sơ mi trắng, gài nút tay rất trịnh trọng. Má mặc áo dài màu hột gà, bới tóc trông rất sang. Chị Hai và chị Ba vén tóc ra trước ngực, thẹn thùng cười duyên. Tôi và thằng Út tranh nhau đứng phía trước ba má, bị anh Tư lôi sang một bên… Trận tranh cãi được dẹp yên khi ông thợ khoác tay: “Để tui xếp chỗ”.
Ông thợ giơ máy lên ngắm nghía, chỉnh tới chỉnh lui, nhắc: “Cả nhà cười lên. 1, 2, 3…”. Tấm hình năm đó chụp cỡ ảnh 10 x 12cm. Ba má không dám phóng to vì sợ tốn tiền. Tấm hình được đặt trên bàn trà, dưới tấm kiếng, chỗ ba má hay tiếp khách, như thể khoe “nhà tôi cũng có chụp hình”.
Mấy năm sau này, theo lệ cũ, tết năm nào nhà tôi cũng chụp hình. Thời gian thấm thoát trôi, mấy tấm hình dần kín mặt bàn. Nhìn lại mấy tấm hình năm đó, vui thật vui. Chị Hai, chị Ba mặc áo cổ lá sen, kiểu thịnh hành thời đó. Anh Tư để tóc dài quá ót - mái tóc mà Ba hay rầy “nhìn như du côn”. Anh Năm mặc quần ống loe, đi đôi dép sa-pô cao lêu nghêu. Để có cái quần và đôi dép thời thượng đó, anh đi cắt lúa mướn, dành dụm suốt mấy tháng. Thằng Út thì hễ ông thợ chụp hình đếm tới “3” là Út nhắm mắt, nên hình tết năm nào thằng Út cũng “ngủ”.
Rồi ba ra đi đột ngột. Má lục tung mặt bàn kiếng tìm tấm ảnh ba để làm ảnh thờ. Cả nhà ngẩn ngơ khi ba chẳng có tấm ảnh riêng nào. Má chọn tấm ba chụp cùng cả nhà, nhìn tươi tắn nhất, để phóng to làm ảnh thờ cho ba. Tấm hình ba cười vui vẻ nhưng mỗi lần nhìn tới, mấy chị em đều chảy nước mắt. Cả nhà mới đoàn viên đây thôi, giờ ba đã đi xa lắm rồi. Từ dạo ba mất, cả nhà chẳng còn tâm trạng chụp hình.
4 năm trước má bị tai biến, nhớ nhớ quên quên. Chị Hai nói, tết năm nay nhất định cả nhà phải chụp hình, kẻo không kịp nữa. Nhìn tấm hình tết năm đó so với mấy tấm ảnh cũ, chị em tôi mới nhận thời gian thật khắc nghiệt. Má xưa mặt tròn trĩnh, phúc hậu, tươi cười rạng rỡ. Nụ cười của má bây giờ nghiêng lệch một bên, mặt gầy, tóc lưa thưa…
Má tôi giờ chẳng còn đi lại được. Tết đến, mấy chị em mặc áo đẹp cho má, dìu má lên xe lăn, đẩy ra trước sân để chụp hình cùng cả nhà.
Con cháu, dâu rể của má giờ đã tăng gấp đôi so với “quân số” ngày cũ. Chụp hình giờ có máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại có app chỉnh sửa cho da trắng dáng thon, nhưng nụ cười má tôi không còn tròn vành như xưa. Nhưng, có má trong tấm ảnh gia đình, bên con cháu xúm xít sum vầy, đã là hạnh phúc của chị em tôi.
Theo phụ nữ TPHCM