Nửa tháng trước, con gái nhắn tin: “Mẹ ơi, con thích đôi giày và túi xách của nhãn hàng này quá, muốn mua lâu lắm rồi. Nay con lãnh tháng lương đầu tiên, đủ tiền mua; nhưng mua thì sẽ hết sạch khoản để dành”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Đọc tin con nhắn, lòng tôi chợt nhớ về thanh xuân của mẹ, tuổi trẻ của mình. Mẹ tôi là người đàn bà lam lũ ở quê. Làm dâu một nhà giàu, ruộng đất thẳng cánh cò bay, nhưng mẹ không được giữ tiền riêng. Suốt ngày quần quật với vườn, ruộng, coi sóc kẻ ăn người ở trong nhà, phân phối công việc cho người làm ngoài vườn ruộng. Ai cũng nghĩ mẹ phải giữ tay hòm chìa khóa, nhưng không, trước là ông nội, sau là ba tôi quản hết. Mẹ chỉ được cấp tiền chi xài cho những việc của gia đình, không có chút riêng tư. Mẹ kể, nhiều khi đi chợ muốn mua cho con mấy thứ bông tai, dây chuyền, vòng tay (dù chỉ là hàng giả) đeo cho vui mà cũng không có tiền. Còn mua sắm cho riêng mình, mẹ lại càng không dám nghĩ.
Ngày tôi làm ra được đồng tiền đầu tiên, cầm về cho mẹ, mẹ cương quyết không lấy. Mẹ kêu tôi còn trẻ, thích mua gì thì mua, đừng suy nghĩ gì nhiều, cũng đừng để dành, vì tới một lúc nào đó, khi đàn bà có chồng có con, họ sẽ không muốn mua gì cho mình nữa, dù trong túi có tiền.
Lúc đó, tôi nghe mẹ, dù không mấy tin. Nhưng đến khi lập gia đình, có 2 đứa con và giờ đây chạm ngưỡng 50 tuổi, tôi không nghĩ mình có đủ tự tin khi chi ra phân nửa số tiền lương để mua một bộ mỹ phẩm cao cấp, một gói dưỡng da tại spa hay sắm mấy mẫu quần áo đắt tiền trong bộ sưu tập mới.
Giờ đây, trách nhiệm với gia đình, sự lo xa cho tương lai, tính tiết kiệm cố hữu của phụ nữ đã níu tôi lại trước những ham muốn từng khiến mình vui vẻ thời trẻ.
Ngày ấy, nhờ sự “xúi giục” của mẹ, dù chỉ là một cô gái tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp, tôi đã biết thế nào là ăn tối ở nhà hàng 5 sao, làm tóc ở salon nổi tiếng, biết đi spa, biết mua sắm ở những trung tâm thương mại lớn, du lịch nơi này, nơi khác và kết giao bạn bè. Làm ra tiền và biết xài tiền, tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ trong suốt thời thanh xuân.
Trong khi đó, Lan - cô bạn thân của tôi - lại chọn cách sống chắt bóp, tiết kiệm ngay từ ngày còn đi học. Ba mẹ Lan luôn nhắc nhở bạn về sự tốn kém của gia đình khi nuôi bạn ăn học, cùng trách nhiệm phải dìu dắt cưu mang 3 đứa em. Gánh nặng vô hình khiến Lan không dám ăn, không dám mặc. Ra trường, Lan đi làm và kiếm được nhiều tiền hơn tôi. Số dư tài khoản, tiền kiết kiệm của bạn chắc chắn cao hơn tôi gấp nhiều lần, nhưng tôi hiếm khi thấy Lan vui. Lan nói: “Chắt chiu, dành dụm riết thành quen. Hết lo cho ba mẹ, em út rồi giờ tới con cái, mình không biết cảm giác chi xài sắm sửa cho riêng mình nó như thế nào, mà giờ cũng không dám xài, vì còn nhiều thứ phải lo quá”.
Tôi thương mẹ, thương Lan, cảm thấy mình thật may mắn khi nhờ có mẹ mở đường, tôi đã dám sống một quãng đời thanh xuân rực rỡ. Thanh xuân của tôi không đánh dấu bằng một tài khoản tiết kiệm nhiều con số, mà là những trải nghiệm quý báu, những giây phút thăng hoa vui vẻ, là hành trang đủ nặng để tôi bước vào hôn nhân hạnh phúc và duy trì cuộc sống cân bằng.
Tôi soạn tin trả lời con: “Cứ mua đi con. Mua những thứ con cần và làm những gì con thích. Thiếu mẹ bù”.
Con gái về thăm nhà. Nhìn con sành điệu trong đôi giày, túi xách hàng hiệu đều từ tiền con làm ra được, tôi thấy vui trong lòng. Cuộc đời còn dài lắm, còn năm rộng tháng dài để lo toan. Con yêu, hãy sống một đời vui vẻ. Mẹ tin con sẽ không hoang phí, không vô trách nhiệm với gia đình. Mẹ tin, khi con biết yêu bản thân mình, con sẽ biết làm thế nào để mình được hạnh phúc.
Theo phụ nữ TPHCM